VNTB – Những ông bà nghị nên lắng nghe ý kiến cử tri

VNTB – Những ông bà nghị nên lắng nghe ý kiến cử tri

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Quốc hội cần lắng nghe để có những tu chỉnh luật phù hợp.

 

Vì sao Quốc hội có nghị quyết giám sát mà cháy không giảm?

Đó là thắc mắc của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bà Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng – An ninh thay mặt cho Quốc hội tái giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Một báo cáo trình bày vào chiều ngày 14-9 của Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cho biết cử tri, nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhất là tại các quán karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Bà Lê Thị Nga kể hồi cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018. Bà Nga đánh giá đoàn giám sát đã đi nhiều tỉnh, thành có báo cáo rất “đầy đặn” và Quốc hội sau đó đã ban hành nghị quyết giám sát về nội dung này. “Từ đấy đến nay chúng ta cũng chưa lần nào tái giám sát, trong khi tình hình cháy nổ vẫn tiếp tục diễn ra”, bà Nga nêu.

Cử tri Ngô Viết Nam Sơn nói rằng là một kiến trúc sư nên ông đặc biệt quan tâm ở góc nhìn thiết kế.

“Tôi có theo dõi sơ đồ, kiến trúc của tòa nhà thông qua báo chí, không phải riêng tôi mà bất cứ các kiến trúc sư có kinh nghiệm đều có thể nhìn thấy rõ vấn đề cơ bản này, là không chỉ tầng 2 tức tầng bị cháy, mà cách bố trí phòng ốc, cầu thang, và thoát người của các tầng đều không đạt yêu cầu thiết kế phòng cháy chữa cháy cho nội ngoại thất công trình.

Như vậy, nếu việc cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy là đúng theo quy trình xét duyệt, thì các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc phòng cháy chữa cháy của chúng ta đang áp dụng cho các công trình kinh doanh đông người như karaoke trên cả nước, hiện đang có nhiều vấn đề cần phải được xem xét lại, có thể cần phải tham khảo thêm các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc phòng cháy chữa cháy của nước ngoài!” – cử tri Ngô Viết Nam Sơn, nhận xét.

Cử tri Ngô Viết Nam Sơn đề xuất: “Không riêng ở TP.HCM, tôi có dịp ra Hà Nội, Hải Dương… và nhận thấy các dạng thiết kế tương tự như karaoke An Phú rất phổ biến. Đa số các quán karaoke được thiết kế giống karaoke An Phú, ít cửa, có nhiều vật liệu dễ cháy trong đó.

Đa số, các quán karaoke thuê nhà phố, và các tòa này chỉ có 1 lối thoát hiểm thôi. Không có nhiều quán karaoke có 2 lối thoát hiểm. Và những thiết kế như vậy nếu có xảy ra hỏa hoạn thì rất khó để thoát thân. Nếu nghiêm túc rút kinh nghiệm karaoke An Phú để không tiếp tục cho phép cách tổ chức phòng cháy chữa cháy tương tự, mà các karaoke và vũ trường trên toàn quốc đang áp dụng về xây dựng, chúng ta có thể cứu được rất nhiều sinh mạng”.

Trở lại với câu chuyện của bà Lê Thị Nga. Bà có đưa ra yêu cầu, “chúng ta cũng chưa lần nào tái giám sát, trong khi tình hình cháy nổ vẫn tiếp tục diễn ra”. Ở đây muốn được ý kiến thêm rằng, khi tổ chức đoàn đi giám sát, thì yêu cầu tất yếu là cần có những chuyên gia đánh giá độc lập được mời tháp tùng, và cần tôn trọng ý kiến từ giới chuyên gia này, ví dụ như các lập luận mà cử tri Ngô Viết Nam Sơn nêu ra chẳng hạn…

“Ở nhiều nước, đơn vị phòng cháy chữa cháy có thể là một đơn vị hoàn toàn độc lập, chuyên lo về phòng chống và ứng cứu đảm bảo an toàn cho người dân, không chỉ về mặt cháy nổ, mà cả về các nguy cơ khác như động đất, ngập lụt, sóng thần, sụt lún, cháy rừng, gió bão…

Đơn vị này có những chuyên gia về nhiều lĩnh vực cùng làm việc như xây dựng, thiết kế kiến trúc, kỹ thuật điện, nước, thông gió…, luật pháp, một mặt để tư vấn cho người dân về phòng cháy chữa cháy, một mặt sẽ có những giải pháp chữa cháy kịp thời và hiệu quả” – cử tri Ngô Viết Nam Sơn đề xuất, và Quốc hội với thẩm quyền lập pháp, có lẽ cần lắng nghe để có những tu chỉnh luật phù hợp.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)