Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những quy định làm rối người dân

Màu sắc biển số xe

Hữu Lâm

(VNTB) – Những thông tin tiếp theo đây là thật trăm phần trăm, không phải ‘tin dự thảo’,  và cũng không nhằm xuyên tạc bất kỳ cơ quan hữu trách nào. Dĩ nhiên nói một cách ‘đao to – búa lớn’, càng không phải là chuyện của chống Nhà nước…

 

Biển số trắng 20 triệu đồng, biển vàng 150 ngàn đồng

Số là hôm 16/6/2020, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 58/2020/TT-BCA, “Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020. ‘Thầy dùi’ để Bộ trưởng Tô Lâm ký thông tư này là Cục Cảnh sát giao thông.

Theo quy định mới, với xe hoạt động kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen từ ngày 1/8 và những xe đã cấp biển trắng, đang hoạt động cũng phải chuyển sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.

Loại hình kinh doanh ‘xe công nghệ’ như ‘Grab Car’ cũng phải sử dụng biển số nền màu vàng này. Chi phí mỗi biển số cho thủ tục thay đổi là 150 ngàn đồng.

Giới kinh doanh ‘Grab Car’ phản ứng với các lý do cụ thể sau đây: Hiện nay cả Hà Nội và TP.HCM đều áp dụng cùng một mức phí cao nhất theo khung quy định đối với mỗi loại ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi đăng ký trên địa bàn là 20 triệu đồng/ biển số.

Như vậy, trong trường hợp đăng ký ứng dụng chạy xe công nghệ, song mục đích chính của chiếc xe vẫn là phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình, vậy thì khi buộc phải đổi sang biển số vàng để nhận diện, coi như chủ nhân xe đó có thể ngưng luôn công việc kiếm thêm từ chạy xe công nghệ.

Lý do phải ngưng: Xe kinh doanh bị ràng buộc, chẳng hạn như khung giờ được phép hoạt động, các khu vực nội đô được phép hay cấm xe dịch vụ… Khi xe mang biển số vàng, việc chở cả gia đình đi công việc hay đi chơi, chủ xe vô tình lại phải chịu những sự ràng buộc dành cho xe kinh doanh.

Cụ thể với hoàn cảnh nói trên, liệu khoản chênh lệch với chi phí biển số trắng là 20 triệu đồng, với biển số vàng là 150 ngàn đồng sẽ được tính toán ra sao khi vào ngày đẹp trời nào đó, tài xế xe công nghệ quyết định ‘trả lại biển số vàng’, liệu có phải tốn số bạc chục triệu thêm lần nữa cho lấy lại quyền sở hữu biển số trắng?

Trên thực tế, đối với loại hình taxi công nghệ như Grab, Be, Fast Go,… chiếc xe là phương tiện cá nhân. Nhiều tài xế tham gia chạy dịch vụ chỉ là công việc làm thêm. Ngoài việc chở khách vào thời gian trống, các chủ xe còn sử dụng để phục vụ công việc chính và gia đình.

“Ô tô cá nhân của mình giờ phải mang biển số màu vàng như taxi, đương nhiên thấy không thoải mái lắm. Chiếc xe còn phục vụ cho đi về quê, đối ngoại hoặc giao dịch công việc khác… Mặt khác, biển số hiện tại của tôi là biển tam hoa (tức ba số cuối giống nhau) đăng ký tại Sài Gòn, giờ bỏ đi thay biển khác cũng tiếc…” – Đó là tâm lý phổ biến hiện nay cho một loại hình thức như thứ ‘giấy phép con’.

Giấy xác nhận độc thân phải có tên người… sẽ cưới!

 

Thủ tục về loại giấy xác nhận độc thân, giờ có thêm phần yêu cầu phải ghi tên người dự định cưới. Đây cũng là vấn đề dở khóc, dở cười trong các quy định được đánh giá là trời ơi, đất hỡi.

Thông tư số 04/2020/TT-BTP, do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ký ban hành vào ngày 28/5/2020. Có lẽ do mọi người đều bận để tâm đến chuyện khốn khó làm ăn vì dịch Covid kéo quá dài, nên phải đến khi thông tư này sắp đến ngày hiệu lực, báo chí trích đưa tin thì thiên hạ mới tá hỏa về kiểu quy định chẳng giống con giáp nào trên đời.

Thông tư 04/2020/TT-BTP cho biết khi ai đó làm thủ tục về giấy xác nhận độc thân, phải ghi tên người dự định cưới. Cụ thể, theo Điều 12 của Thông tư, trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn, thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

Công tâm mà nói, quy định kể trên không mới. Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/1/2015, tại Điều 25 ghi, trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn. Tuy nhiên trên thực tế ít ai tuân thủ điều này vì còn là tâm lý ‘nói trước, bước không qua’.

Ngoài ra còn có những thắc mắc như sau: May rủi là chuyện thường ngày, vừa làm giấy xác nhận độc thân ghi tên người mình cưới là may mắn, còn rủi vì tai nạn xảy ra, mai này lại phải đi xác nhận lần hai mà phải có giấy chứng tử kèm theo phải không?; Nếu sau khi xin giấy có tên người dự định kết hôn rồi, vì lý do nào đó không kết hôn được với người trong giấy, thì khi xin lại giấy chứng nhận khác có phải làm đơn giải trình vì sao không kết hôn với người trong đơn trước không?…

Thậm chí có ý kiến nhân danh về nhân quyền: Người ta kết hôn với ai kệ tía người ta, mắc mớ gì xác nhận độc thân để cưới phải ghi tên người dự định cưới vào?

Tin bài liên quan:

VNTB – “Quan hệ không trong sáng” có phải là vi phạm pháp luật?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo