Thục-Quyên (phỏng dịch)
(VNTB) – Kể từ khi Nga bắt đầu các hành động gây hấn với Ukraine, các quan chức Nga đã cáo buộc NATO một loạt các mối đe dọa và hành động thù địch.
Trong bài này, NATO đã chứng minh những cáo buộc của Nga là sai lầm và dối trá:
I/ Những hoang tưởng của Nga về NATO là một “mối đe dọa”:
Hoang tưởng 1 : Sự hiện diện của NATO ở khu vực Baltic là nguy hiểm
Sự thật:Để đối phó với việc Nga sử dụng vũ lực quân sự chống lại các nước láng giềng, các nước Đồng minh đã yêu cầu NATO hiện diện nhiều hơn ở khu vực Baltic. NATO đã chỉ thực hiện các bước phòng thủ tương xứng để đối phó với môi trường an ninh đã thay đổi Năm 2016, NATO đã triển khai bốn nhóm tác chiến đa quốc gia tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan với mục đích “tăng cường hiện diện đối phó phía trước”. Năm 2017, những nhóm này đi vào hoạt động . Hơn 4.500 binh sĩ từ châu Âu và Bắc Mỹ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng thủ nội địa.
Sự hiện diện của NATO trong khu vực là theo yêu cầu của các quốc gia chủ nhà, và các lực lượng Đồng minh luôn luôn giữ vững các tiêu chuẩn ứng xử nghiêm túc, trong lúc thi hành nhiệm vụ cũng như lúc nghỉ ngơi.
Theo đúng cam kết minh bạch của NATO, Estonia, Latvia và Lithuania đã mời các thanh tra kiểm soát vũ khí của Nga hiện diện. Thí dụ, tại Estonia, các thanh sát viên Nga gần đây đã tiến hành kiểm tra Tài liệu Vienna, quan sát các phần của cuộc tập trận Bão Mùa Xuân (Spring Storm) vào tháng 5 và tháng 6 năm 2021.
Hoang tưởng 2: Phòng thủ tên lửa của NATO đe dọa an ninh Nga
Sự thật: Tên lửa đạn đạo phòng thủ của NATO không nhắm vào Nga và không có khả năng làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Nga. Nó chỉ được thiết kế để bảo vệ các Đồng minh châu Âu trước các mối đe dọa tên lửa đến từ bên ngoài khu vực Âu châu-Đại Tây Dương.
Địa điểm Aegis Ashore ở Romania hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Các tên lửa có tính cách ngăn chặn được triển khai ở đó không thể được sử dụng cho mục đích tấn công. Các tên lửa đánh chặn không chứa chất nổ. Chúng không thể va vào các vật thể trên bề mặt Trái đất mà chỉ hoạt động trong không khí. Ngoài ra, trung tâm Aegis Ashore không có hệ thống phần mềm, phần cứng và cơ sở hạ tầng cần thiết để phóng loại tên lửa tấn công.
NATO đã mời Nga hợp tác phòng thủ tên lửa, một lời mời không dành cho bất cứ đối tác nào khác cả. Đáng tiếc, Nga đã từ chối hợp tác và từ chối đối thoại về vấn đề này vào năm 2013. Những tuyên bố của Nga đe dọa các nước Đồng minh vì khả năng phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo của NATO hoàn toàn không thể chấp nhận được và phản tác dụng.
Hoang tưởng 3: NATO hiếu chiến và là mối đe dọa đối với Nga
Sự thật: NATO là một liên minh phòng thủ, chỉ có mục đích là bảo vệ các thành viên của mình. Chính sách chính thức của NATO là “Liên minh không chủ trương đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào cho Nga.”
NATO không xâm lược Georgia, không xâm lược Ukraine. Chính Nga là kẻ xâm lược.
NATO đã liên hệ với Nga một cách nhất quán và công khai trong hơn 30 năm qua. Hai bên làm việc cùng nhau trên nhiều địa hạt, từ chống ma tuý và chống khủng bố đến cứu hộ tàu ngầm và lập kế hoạch khẩn cấp dân sự – ngay cả trong thời kỳ NATO mở rộng. Tuy nhiên, vào năm 2014, trước những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, NATO mới đình chỉ hợp tác thực tế với Nga. NATO không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng NATO không thể bỏ qua việc Nga vi phạm các quy tắc quốc tế, phá hoại sự ổn định và an ninh chung.
Để đối phó với việc Nga xử dụng lực lượng quân sự chống lại Ukraine, NATO đã triển khai 4 nhóm tác chiến đa quốc gia tới các nước Baltic và Ba Lan vào năm 2016. Các đơn vị này, không có mặt thường trực trong khu vực mà chỉ phù hợp đúng với cam kết quốc tế của NATO Với khoảng 5.000 quân, các đơn vị này không hề là mối đe dọa cho lực lượng quân đội 1.000.000 người hùng mạnh của Nga. Trước khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp, không hề có quân đội Đồng minh hiện diện tại các nước Đồng minh phía đông.
NATO vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga. Đó là lý do tại sao Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời tất cả các thành viên của Hội đồng NATO-Nga tham dự một loạt cuộc họp để thảo luận về an ninh châu Âu, bao gồm tình hình trong và chung quanh Ukraine, quan hệ NATO-Nga, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hoang tưởng 4: Sự bành trướng của NATO đe dọa Nga
Sự thật: NATO là một liên minh phòng thủ với mục đích là bảo vệ các quốc gia thành viên của mình. Mọi quốc gia gia nhập NATO cam kết tuân thủ các nguyên tắc và chính sách của NATO. Điều này bao gồm cam kết “NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga”, như được tái khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng 12/2021.
Sự bành trướng của NATO không nhằm chống lại Nga. Mọi quốc gia có chủ quyền đều có quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh của riêng mình. Đây là một nguyên tắc cơ bản của an ninh Âu châu, một nguyên tắc mà Nga cũng đã ký kết và Nga cần phải tôn trọng.
Trên thực tế, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã cam kết xây dựng một cấu trúc an ninh bao trùm toàn châu Âu, gồm thông qua Hiến chương Paris, thành lập Tổ chức An ninh và Hợp tác tại Âu châu (OSCE Organisation for Security and Co-operation in Europe), thành lập Hội đồng Đối tác Âu châu và Đại Tây Dương, và Đạo luật Căn bản NATO-Nga.
II/ Những hoang tưởng của Nga liên quan tới những lời hứa và cam kết:
Hoang tưởng 5: NATO chuyển giao kỹ thuật hạt nhân và vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân
Sự thật: Các thỏa thuận về hạt nhân của NATO luôn phù hợp với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). NPT là nền tảng của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Nó có một vai trò thiết yếu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của một số thành viên NATO tại Âu châu để tạo khả năng răn đe và phòng thủ cho NATO. Những vũ khí này vẫn luôn nằm dưới sự quản lý và kiểm soát của Hoa Kỳ. Hơn nữa, các thỏa thuận hạt nhân của NATO có trước NPT. Chúng đã được giải quyết đầy đủ khi hiệp ước được thương lượng.
Chính Nga đang xử dụng vũ khí hạt nhân của mình như một công cụ đe dọa. Nga xử dụng một cách vô trách nhiệm những luận điệu về hạt nhân và đã tăng cường các cuộc tập trận hạt nhân. Nga cũng đang mở rộng khả năng hạt nhân của mình bằng cách đầu tư vào các loại vũ khí mới và gây bất ổn. Hành động này và những luận điệu xử dụng đã không đóng góp tích cực vào tính minh bạch và khả năng dự đoán, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường an ninh thay đổi hiện nay.
Hoang tường 6: NATO tăng cường sự hiện diện và vi phạm Đạo luật Căn bản NATO-Nga?
Sự thật: NATO hoàn toàn tuân thủ Đạo luật Căn bản NATO-Nga.
Để đối phó với sự sát nhập Crimea không chính đáng và bất hợp pháp của Nga cũng như tụ hợp quân đội sát biên giới Liên minh, NATO đã triển khai 4 nhóm tác chiến đa quốc gia – khoảng 4.500 quân – tại Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan.
Các lực lượng này có tính chất luân phiên, phòng thủ và thấp hơn nhiều so với bất kỳ định nghĩa hợp lý nào về “lực lượng chiến đấu đáng kể”. Không hề có sự đồn trú thường xuyên của các lực lượng chiến đấu đáng kể trên lãnh thổ của các nước Đồng minh phía đông. Trên thực tế, tổng số lực lượng trên toàn Liên minh đã giảm đáng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Bằng việc ký kết Đạo luật Căn bản NATO-Nga, Nga đã cam kết không đe dọa hoặc xử dụng vũ lực chống lại những Đồng minh NATO và bất kỳ quốc gia nào khác. Nga đã phá vỡ cam kết này, với việc sát nhập Crimea một cách không chính đáng và bất hợp pháp, vi phạm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Nga cũng tiếp tục hỗ trợ các thành phần chống đối ở miền đông Ukraine.
Hoang tưởng 7: NATO hứa với Nga sẽ không mở rộng sau Chiến tranh Lạnh
Sự thật: Chưa hề có một thỏa thuận như vậy. NATO đã mở rộng cửa cho các thành viên mới kể từ khi được thành lập vào năm 1949 – và điều này chưa bao giờ thay đổi.
“Chính sách Mở cửa” này được nêu trong Điều 10 của Hiệp ước Thành lập NATO “bất kỳ Quốc gia Âu châu nào khác, sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của Bắc Đại Tây Dương” đều có thể đăng ký xin làm thành viên. Các quyết định chấp nhận thành viên được thực hiện bởi sự đồng thuận của tất cả các nước Đồng minh. Không có hiệp ước nào được ký kết bởi Hoa Kỳ, Âu châu và Nga bao gồm các điều khoản có ảnh hưởng lên quyết định chấp nhận thành viên của NATO.
Ý tưởng về sự mở rộng của NATO vượt ra qúa biên giới nước Đức (thống nhất) đã không có trong chương trình nghị sự vào năm 1989, nhất là lúc đó Hiệp ước Warsaw vẫn còn tồn tại.
Điều này đã được khẳng định bởi Mikhail Gorbachev trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014: “Chủ đề ‘mở rộng NATO’ không hề được thảo luận và nó đã không được đưa ra trong những năm đó. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm khi nói điều này. Không một quốc gia Đông Âu nào đã nêu vấn đề, ngay cả sau khi Hiệp ước Warsaw chấm dứt tồn tại vào năm 1991. Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng không hề đưa ra vấn đề này. ”
Các bản ghi chép được Nhà Trắng giải mật cũng tiết lộ rằng, vào năm 1997, Bill Clinton đã liên tục từ chối đề nghị của Boris Yeltsin về một ‘thỏa thuận danh dự’ rằng không nước thành viên Liên Xô cũ nào sẽ gia nhập NATO: “Tôi không thể thực hiện cam kết thay mặt NATO, và tôi cũng không ở địa vị phủ quyết việc mở rộng NATO đối với bất kỳ quốc gia nào. Tôi lại càng không có quyền để ông hoặc bất kỳ ai khác làm như vậy… NATO hoạt động bằng sự đồng thuận. ”
* https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_111767.htm