Triệu Tử Long
(VNTB) – Vụ Đồng Tâm: Toà Hà Nội tuyên 2 án tử hình.
Lập luận buộc tội
“Hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, dùng tuýp sắt có gắn dao bầu chọc, bom xăng, gạch đá khiến 3 chiến sĩ cảnh sát rơi xuống dưới hố. Sau đó, các bị cáo còn tiếp tục đổ xăng xuống dưới hố nhằm thiêu sống các anh khiến 3 cảnh sát chết vô cùng thương tâm. Hành vi tàn bạo của các bị cáo đến mức mà thi thể của các bị hại không thể nhận dạng được.
Cơ quan chức năng còn phải khám nghiệm ADN mới xác định được danh tính của các nạn nhân” – Hội đồng xét xử đánh giá và cho rằng các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp với nhằm mục đích tiêu diệt các chiến sĩ càng nhiều càng tốt theo đúng tuyên bố của Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển đã đăng video lên mạng xã hội. Đối chiếu các quy định của pháp luật, việc thực hiện hành vi mất hết tính người của các bị cáo đã cấu thành tội Giết người và Chống người thi hành công vụ.
“Trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sự phân công, bàn bạc, nhiệm vụ công cụ, phương tiện phạm tội, thực hiện hành vi tàn bạc hậu quả làm 3 chiến sĩ bị tử vong. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố 6 bị cáo về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ”.
Hội đồng xét xử còn nhận thấy đã thực hiện hành vi phạm tội ném lựu đạn, đây là vũ khí có tính sát thương cao có thể gây chết nhiều người nhưng lựu đạn không nổ nằm ngoài tính toán của các bị cáo. Đối chiếu với quy định của pháp luật, ngoài các tình tiết định khung như cáo trạng đã truy tố cần xét xử thêm các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến tình tiết định khung có khả năng chết nhiều người.
Góc nhìn sinh viên trường luật
Lập luận buộc tội lúc tuyên án: “Hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, dùng tuýp sắt có gắn dao bầu chọc, bom xăng, gạch đá khiến 3 chiến sĩ cảnh sát rơi xuống dưới hố. Sau đó, các bị cáo còn tiếp tục đổ xăng xuống dưới hố nhằm thiêu sống các anh khiến 3 cảnh sát chết vô cùng thương tâm”, là không thuyết phục về cách đặt và hiểu vấn đề.
Tình tiết vụ án được công khai qua các phát biểu vào đầu năm 2020 của thứ trưởng Bộ Công an – ông Lương Tam Quang, và bài báo được cho là phỏng vấn Người Phát ngôn của Bộ Công an – ông Tô Ân Xô về vụ án Đồng Tâm, không có bất kỳ câu nào, ý tứ diễn đạt nào về một trận chiến dạng ‘xáp lá cà’ để người dân tấn công “khiến 3 chiến sĩ cảnh sát rơi xuống dưới hố”.
Tình huống nếu có việc ‘mặt đối mặt’ và người dân đã bị các vũ khí thô sơ tấn công khiến 3 chiến sĩ cảnh sát trang bị quân trang, quân dụng trong tư thế chiến đấu phải rơi xuống hố, thì đây là dấu hiệu hành vi chịu sự điều chỉnh của Điều 20, Bộ Luật hình sự 2015:
“Điều 20. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Vì sao nói là “sự kiện bất ngờ”? Vì cuộc tấn công vào nhà của người dân mà lực lượng cảnh sát thực hiện diễn ra vào thời điểm đêm về sáng. Đối với người dân thì đây là một sự kiện bất ngờ, họ phản ứng chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp là điều đang nhiên. Các diễn biến trong quá trình người dân tự vệ để chống lại sự xâm nhập của đám đông đó, được ghi rõ ở Bộ Luật hình sự 2015:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Ngoài ra, Bộ Luật hình sự 2015, cũng nêu các giới hạn:
“Điều 23. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Người dân không thể biết trước cuộc tấn công quy mô lên đến con số hàng ngàn người lúc nửa đêm của lực lượng vũ trang, do vậy lập luận như phát biểu hôm chiều 14-9-2020 của Hội đồng xét xử như đã trích ở trên, là không có tính chặt chẽ của cáo buộc: “Trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sự phân công, bàn bạc, nhiệm vụ công cụ, phương tiện phạm tội, thực hiện hành vi tàn bạo hậu quả làm 3 chiến sĩ bị tử vong”.