Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Niềm tin chính trị”

AFR Dân Nguyễn (VNTB) Ngày 3/12/2015, báo chí nhà nước đưa tin “thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc với Liên minh châu Âu (EU)”.

Người ta còn nhớ, đúng thời điểm này cách đây một tháng, phía VN đón tiếp ông Tập Cận Bình bằng một nghi lễ long trọng “xưa nay hiếm”. Có 21 loạt đại bác. Có duyệt binh.Thảm đỏ được trải còn rắc thêm hoa. Rượu vang được khui. Rồi diễn văn với những ngôn từ thể hiện tình hữu nghị thắm thiết. Trong diễn văn của mình mà cả hai bên, nhất là phía “bạn” Trung Quốc dùng cả hình ảnh “cùng dắt tay nhau” để diễn tả cho tình bằng hữu giữa hai đảng CS…Dường như thế vẫn cảm thấy chưa đủ, phía (Khách) còn đọc thơ tặng chủ nhà.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Nhưng đó là “nói”. “Làm” lại là chuyện khác. Trong nụ cười, trong cái bắt tay, cả cái ôm hôn, người ta không nhận thấy sự thân thiện, cũng chẳng thấy sự chân thành. Tất cả chỉ là phép ngoại giao hết sức xã giao. Quả nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau “Tuyên bố chung”, phía TQ đã chứng minh cho “lòng tin” của họ đáng tin tới đâu. Báo chí TQ nói về cuộc tấn công tpHCM từ Trường Sa nay mai. Máu đỏ ngư dân VN tiếp tục hòa vào màu xanh BĐ. Tiếp tục làm căng thẳng thêm bằng tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ từ thời cổ đại. Hay tuyên bố của một quan chức TQ “Lẽ ra TQ phải chiếm lấy các đảo ngoài BĐ từ lâu rồi”…

Vậy mà họ- phía TQ vẫn được đảng CSVN xác định là Đối tác chiến lược, tin cậy chính trị, hợp tác toàn diện…

Quy chế kinh tế thị trường


“…Đề nghị sớm công nhận VN có nền kinh tế thị trường…” là điều người ta hay được nghe mỗi khi phái đoàn VN công du nước ngoài, cụ thể công du các nước tư bản phát triển. Trong chuyến thăm EU lần này, một lần nữa, người ta lại được nghe TT VN “xin” (hay đề nghị) EU công nhận VN có nền kinh tế thị trường…

Điều này có ý nghĩa gì? Tại sao VN cứ phải “Đề nghị” hoài đến cái “Quy chế kinh tế thị trường” vậy?

Muốn có sự hợp tác thương mại sâu rộng toàn diện, các đối tác phương tây yêu cầu VN cũng như bất cứ đối tác nào khác phải có nền kinh tế thị trường. Muốn “làm ăn” với tư bản giàu có và tiên tiến, nhưng VN vẫn muốn giữ lại cái đuôi “định hướng XHCN”. Bằng mọi giá giữ lại cái “đuôi” trong khi cứ nài nỉ người ta công nhận mình có nền kinh tế thị trường đầy đủ là điều không thể và thật nực cười. Một câu hỏi đặt ra là, cái “đuôi” ấy có giá trị cỡ nào mà đảng và chính phủ VN cứ khư khư giữ như giữ ấn? Kinh tế thị trường trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo chính là Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo là điều luôn được khẳng định từ nghị quyết của đảng, đến khẩu hiệu ngoài đường. Tuy được xác định “đóng vai trò chủ đạo”, nhưng thực tế nó chỉ như cái “đuôi”. Các thống kê cho thấy kinh tế quốc doanh chỉ chiếm 30 phần trăm GDP; nhưng ngay cả những con số thống kê đó cũng không đáng tin cậy. Thua lỗ nặng và thua lỗ dài dài là đặc trưng của khu vực kinh tế quốc doanh (hay còn gọi là cái đuôi “Định hướng XHCN”). Vậy tại sao không cắt phăng cái “đuôi” ấy đi để các đối tác không còn lý do gì mà không công nhận VN có nền kinh tế thị trường đầy đủ?

Vì cái đuôi “doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo” chính là “cây khế ngọt” cho nhóm lợi ích trèo hái.

Còn bởi vì “kinh tế gắn với chính trị”. Kinh tế mà mất “chủ đạo” thì chính trị có nguy cơ “chệch hướng”…

Biển Đông trên bàn hội nghi


Trong các chuyến công du của các quan chức đứng đầu đảng, nhà nước, chính phủ hay quốc hội VN sang cá nước phương Tây, “Vấn đề Biển Đông” luôn được đề cập, được phía VN lồng ghép vào các chương trình nghị sự. Phía VN mong muốn, mong mỏi các chính phủ ở đó có những động thái, ít thì lời tuyên bố, nhiều thì hành động thiết thực can thiệp vào BĐ. Nói cách khác, VN luôn muốn quốc tế hóa vấn đề BĐ.

Nhưng lạ một nỗi, mỗi khi đối diện với các đồng chí của mình- những người tuyên bố chủ quyền hầu hết lãnh hải BĐ, những người tuyên bố các hòn đảo trên BĐ thuộc về họ từ thời cổ và không cần tranh cãi, đặc biệt họ chính là những kẻ đã và đang là mối đe dọa ngư dân VN hàng ngày…thì phía VN như “ngậm hột thị”. Họ tỏ ra nhu nhược, yếm thế. Họ không biết noi gương láng giềng của mình là Philippines. Hành động của Phi kiện TQ ra tòa quốc tế, hay những hành động phản kháng quyết liệt khác chống lại sự bành trướng của TQ trên BĐ là cuộc đấu tranh công khai, minh bạch.

Không dám kiện TQ ra tòa quốc tế.

Không có động thái chống trả quyết liệt hành động ăn cướp của TQ trên đời sống của chính ngư dân VN.

Trong khi lại thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống TQ của các tầng lớp Nhân Dân VN…

Những động thái này vẫn luôn được phía VN duy trì, liệu có giá trị gì khi TT NTD kêu gọi EU can dự vào vấn đề BĐ? Ngay cả bằng chứng TQ dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo HS của VN cách đây chưa lâu, tháng giêng năm 1974, cũng chưa bao giờ được phía VN dùng làm “bằng chứng sống” để kiện TQ ra tòa quốc tế, trong khi “định hướng” sưu tầm các bản đồ cổ…

Trong “Tuyên bố về quan hệ VN-EU” có ghi:

Hai bên cam kết triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ tư pháp và pháp luật tại VN do EU tài trợ


Nếu sự hỗ trợ này đến từ TQ là điều đáng buồn cho người dân VN. May mà nó đến từ EU, nơi có nền văn minh hàng đầu thế giới. Tuy nhiên người ta băn khoăn không biết EU “triển khai chương trình hỗ trợ” thế nào, khi mà nền chính trị “hai bên” là rất khác nhau- một bên có nền dân chủ gấp vạn, còn bên kia nền dân chủ chỉ đúng bằng một phần vạn(!)…EU hỗ trợ thế nào về tư pháp và pháp luật cho đối tác VN, khi mà ở đó “Quyền im lặng” vẫn còn khó hiểu tới mức các nghị sỹ tranh cãi nảy lửa; khi mà luật sư muốn bào chữa cho ai đó phải chờ chính quyền cấp phép…

EU hoan nghênh quá trình cải cách thể chế, pháp luật đang diễn ra ở VN


Kỳ họp thứ 10, QH khóa 13 kéo dài hơn một tháng vừa kết thúc. Trước khi kỳ họp được khai mạc, QH công bố sẽ có nhiều bộ luật được sửa đổi hay bàn thảo, khiến người dân hy vọng, vì cho rằng, đây có thể là một sự “chuyển mình” của QHVN, vì lẽ đây là kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13.

Nhưng chờ cho đến phiên bế mạc, những điều người dân mong mỏi như Luật biểu tình, Luật lập hội, hay vấn đề báo chí tư nhân…vẫn bặt vô âm tín. “Hết phim…” là tiếng thở dài của cử tri khi “Hội nghị Diên Hồng” không đưa được ra một nghị quyết cho hướng đi đúng đắn và sáng sủa cho vấn đề BĐ, mà ngay cả những vấn đề nhỏ như vấn đề bỏ hay không bỏ môn lịch sử cũng làm tốn thời gian nghị sự. Trong khi đó QH tung hê việc “cải tiến” cung cách chất vấn. Thực tế, với cách chất vấn như kỳ họp này, QH đã tạo điều kiện cho các bộ trưởng, các PTT có cơ hội “làm bài tập thể” bằng cách người này “bí”, người kia sẽ có quyền trả lời thay…Nói cách khác, thành viên này kém bao biện, đã có thành viên khác ngụy biện giỏi hơn đứng vai lĩnh xướng cho cùng một vấn đề…

Không biết TT VN NTD “khoe” với EU “quá trình cải cách thể chế và pháp luật” cách nào mà EU đã vội mừng mà “hoan nghênh”?

Cải cách thể chế phải diễn ra ở hai lĩnh vực: kinh tế và chính trị


Về kinh tế, sau ĐH đảng lần này, liệu có thay đổi gì đáng kể? Cơ chế thị trường sẽ vận hành thế nào? Cái gì, kinh tế tư nhân, hay kinh tế quốc doanh sẽ đóng vai trò chủ đạo?

Về chính trị. Đa đảng vẫn là điều cấm kỵ. Tự do báo chí, tự do lập hội vẫn chỉ có trong…Hiến pháp. Biểu tình vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Chống tham nhũng là điều “nhạy cảm”, chỉ được bàn luận kiểu rỉ tai!…Like, share trên mạng xã hội còn bị phạt, bị quy tội “nói xấu cán bộ”(?) (Dù cái xấu đó ở cán bộ là có thật và người nói mới nói được một góc”,… Ngay cả việc “cải cách” dễ nhất là giảm biên chế bộ máy hành chính, thì giảm chỗ này, trong khi tăng chỗ kia, một kiểu “đánh bùn sang ao”…

Cải cách pháp luật ở đâu và bao giờ, chứ ở VN thì tuyệt nhiên không (hoặc chưa); hoặc có “cải cách”, nhưng là theo hướng tồi tệ hóa. Cứ xem vụ xử án mới đây tại Long an mà bị cáo là một thiếu niên 15 tuổi thì biết “cải cách pháp luật” diễn ra theo hướng nào.

Một điều đáng nói nữa là, trong thời gian diễn ra kỳ họp QH, luật không những không được sửa đổi hay bàn thảo mà còn bị chà đạp nghiêm trọng qua việc giới luật sư bị “khủng bố trắng”, bị “bắt như bắt súc vật”!…

Qua chuyến công du lần này, gặp một đối tác tốt hơn cả “đồng chí”, hy vọng TT NTD nếu chưa thể “cải cách thể chế” được trong lúc này, thì hãy “cải cách” từ cá nhân TT.

Không phải cải cách về lề lối làm việc, song cải cách về tư duy…

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhìn từ Sơn Trà: Quy trình đua đòi xin lỗi.. vô trách nhiệm

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự mãn đe dọa cải cách ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – So Nguyễn Xuân Phúc với ‘khai phóng Phan Chu Trinh’: Người nịnh ta là kẻ hại ta

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo