Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nịnh “thể chế”

Phùng Dương

(VNTB) – “Hèn” luôn đi liền với “hạ”, trong một thể chế mà quyền đường nói thẳng và thật luôn bị cho là “nhạy cảm, xuyên tạc” thì một trí thức có thể “hèn” khi họ không đứng lên chống lại sự bất công, vô lý đó. Nhưng nếu trí thức đó “hạ” mình để nâng cái “đểu giả, vô lý” đó lên thành “chân lý”, thì đó là một trí thức vứt đi.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright nói cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được trao tấm huy chương vàng thứ 100 của Việt Nam tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với doanh nghiệp.

Nhiều người nhận định quan điểm đó là “nịnh”.

Facebooker Nguyễn Thiện, người trong chia sẻ sự kiện này cho rằng, dù ông không phải là một tri thức, nhưng ông “ngượng” vì phát ngôn của một tri thức như ông Tuấn.

Facebooker cũng dẫn lại một “tư cách luồn cúi” của một vị tri thức sau giải phóng trong Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, tại trang 685: tháng 8.1975, Đại hội trí thức yêu nước ở Nhà Hát Thành phố, tôi được mời dự với tư cách nhân sỹ. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải – từng là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc năm 1966 – 1967 – bước lên bàn chủ tọa trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý: “Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi mới một tuổi, mới sanh ngày giải phóng“. Cử tọa im lặng, vì cảm động hay vì buồn cho Cụ”.

“Phẩm gia của trí thức” có thể được xây dựng trong một thời gian dài nhưng dễ dàng bị phá nát bởi chữ “nịnh”.

Câu chuyện “nịnh” nếu nhìn ở một góc cạnh khác là hình thức của một thời kỳ mà người nói ngay và thẳng luôn bị thiệt thòi. Thậm chí sâu hơn, những người nói thẳng đến mức gay gắt sẽ trở thành những người bất đồng chính kiến.

Và tất nhiên, kẻ biết nịnh trở thành “rường cột quốc gia” theo một nghĩa nào đó.

Đó phải chăng là lý do để “kết nạp” ông Nguyễn Đức Kiên, một “trí thức” biết cách diễn giải bằng mọi lối chính sách, chủ trương của nhà nước – dù cho sai lầm, vào “Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ”?
“Hèn” luôn đi liền với “hạ”, trong một thể chế mà quyền được nói thẳng và thật luôn bị cho là “nhạy cảm, xuyên tạc” thì một trí thức có thể “hèn” khi họ không đứng lên chống lại sự bất công, vô lý đó. Nhưng nếu trí thức đó “hạ” mình để nâng cái “đểu giả, vô lý” đó lên thành “chân lý”, thì đó là một trí thức vứt đi.

Trong lịch sử, chúng ta có một Chu Văn An đứng thẳng giữa đám thần cúi đầu, khịu gối; chúng ta cũng có một Nguyễn Trường Tộ dám đứng lên nói về tiên tiến Tây phương giữa đám cận thần hủ nho; chúng ta cũng có một tướng Trần Độ bắn toạc sự giả dối về một chân lý xã hội chủ nghĩa.

Khác nhau về thời đại, chức vị, nhưng giống nhau ở hoàn cảnh lời thẳng thật không hề được lắng nghe, và đất nước cũng sớm rơi vào điêu tàn từ khi “thẳng” xuống và “nịnh” lên ngôi.

Khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền 2 nhiệm kỳ, ông ghi dấu ấn với Quyết định 97/2009/QĐ-TTg, gián tiếp tán Viện nghiên cứu phát triển (IDS).

IDS hoạt động trên cơ chế độc lập và mở. Và kết quả của những tiếng nói độc lập, thẳng thắn lại là những phán xét từ phía “an ninh quốc gia” với những luận điệu không bao giờ cũ: nhận tiền nước ngoài, chống đối nhà nước.

Kết quả giáo dục, y tế, giáo dục nát trong giai đoạn 2009-2016, riêng nguồn tiền đổ vào ngành giáo dục trở thành trò chơi thử nghiệm về sách giáo khoa và đổi mới giáo dục.

Tư duy chuyên quyền khiến cho các góp ý thẳng thắn không còn đất sống. Nạn “chảy máu chất xám” diễn ra ngay trong cơ chế, và điều đáng đau xót, chất xám đó lại là chất xám của những trí thức dám đặt lợi quyền dân tộc lên trên hết.

Khi ông Nguyễn Xuân Phúc đưa 5 thành viên là các chuyên gia kinh tế từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore vào Tổ tư vấn kinh tế của mình, ông chắc chắn đang muốn “chỉnh đốn” lại nền kinh tế trì trệ từ người tiền nhiệm. 5 người là nguồn gió mới, đưa Tổ tư vấn Kinh tế thời kỳ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kế thừa một phần tinh thần “độc lập” của IDS. Và kết quả, chính sách này đã khiến nền kinh tế Việt Nam tươi hơn so với nhiệm kỳ trước đó.

Nhưng, giáo dục vẫn trì trệ, y tế có điểm sáng nhưng vẫn đang chịu sức ép nặng của hệ thống quan liêu hành chính. Do đó, cuộc cách mạng 4.0 hay Chính phủ kiến tạo chưa tiệm cận được 0.4.

Khoa học – công nghệ có vẻ đang dựa vào con bài chủ chốt – Vingroup. Doanh nghiệp nổi lên bất động sản và những sản phẩm ô-tô lẫn điện thoại, xe đạp điện còn lắm khuyết điểm nhưng lại thừa hiệu ứng PR “mãnh liệt tinh thần Việt”.

Vào ngày 23-12-2019, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp nhằm “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hiệu quả, hội nhập, bền vững”. Nhưng cả ba yếu tố “hiệu quả, hội nhập, bền vững” có tồn tại được hay không đều xuất phát từ cải cách thể chế, từ những tư vấn kinh tế… có tâm và tầm.

Tâm không thể xuất phát từ những ông Nguyễn Đức Kiên, tầm càng không thể xuất phát từ những người như thế. Và cải cách thành hay không càng không thể đến từ những “trí thức nịnh”.

Khi nào viện IDS còn chưa được tái lập, chừng nào những trí thức như Trần Huỳnh Duy Thức còn ngồi trong tù, chừng nào Chính phủ ứng xử với những bất đồng chính kiến bằng nhà tù thì chừng đó, mảnh đất thể chế chỉ mọc lên những loài cỏ dại cơ hội. Và không sớm thì muộn, hiện tượng “nát” sẽ sớm trở lại với nền kinh tế – văn hoá – xã hội Việt Nam. Bởi lẽ, trong lời tri mệnh diệt chủng Việt Nam của cụ Phan Bội Châu cũng đề cập hành vi, “làm cho dân ta không biết phải trái đúng sai, chỉ biết luồn cúi, vâng lời giai cấp có tiền, kẻ cho tiền và bổng lộc, chỉ còn biết say mê vật chất, cúi đầu trước kẻ đè nén xác thịt người.”

Tin bài liên quan:

VNTB – Bánh ít đi để bánh quy lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phá rừng ở miền Trung và trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phan Thanh Hung

VNTB- Phò thịnh, không ai phò suy

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo