Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nổi bật trong tuần: Trắng đen xoay quanh lao động và việc làm

Lê Kiên tổng hợp (VNTB) Thị trường lao động và việc làm Việt Nam vừa đón nhận những mảng màu trắng đen pha lẫn. 

Lao động Việt Nam, một nửa là thanh niên 
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong tổng số lao động làm công ăn lương, gần một nửa (47%) là thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24. Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho rằng đây là một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam hiện nay. Phần đông lao động hiện đang làm trong ngành dệt may và điện tử, hai ngành đang có triển vọng tại Việt Nam. Lao động di cư trong nước chiếm xấp xỉ 38% lao động làm công ăn lương, với tỷ lệ lao động nữ (48%) rời quê hương đi làm việc cao hơn nam giới (32%). Giám đốc ILO Việt Nam cho biết. ILO dự báo số lượng lao động làm công ăn lương sẽ đạt mức 25 triệu người, tương đương 44% tổng số lao động, vào năm 2025 so với con số 18,2 triệu người hay 35% tổng số việc làm hiện nay, theo Điều tra Lao động việc làm Việt Nam 2013. 
Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT lên đến 1.440 tỉ đồng 
Sau cuộc thanh tra Chính phủ về việc chấp hành BHXH, BHYT trên toàn quốc đã phát hiện 1.440 tỉ đồng nợ BHXH và BHYT của 1.261 doanh nghiệp. Trong đó, tổng số người không được đóng hoặc bị đóng thiếu là hơn 13.500 người với tổng số tiền gần 67,5 tỉ đồng.Nhiều doanh nghiệp tìm cách lách tiền BHXH, BHYT của người lao động bằng cách ký hợp đồng lao động dưới ba tháng. 
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý 4/2014 vào ngày 26/12/2014 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đã cho biết. Việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đăng ký số người tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn so với lương thực tế; tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội xảy ra ở tất cả các địa phương. Do đó, tính hết ngày 30/11/2014, con số nợ BHXH, BHYT lên đến 11.115 tỷ đồng, chiếm 6,24% so với tổng số phải thu; tăng 455,3 tỷ đồng (4,3%) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, BHXH trên 7.800 tỷ đồng, nợ BHYT 2.759 tỷ đồng, còn lại là nợ bảo hiểm thất nghiệp 530 tỷ đồng. 
Việc xử lý tình trạng nợ BHXH, BHYT còn hạn chế do vướng mắc, thủ tục kéo dài (thi hành án kéo dài 5 năm theo luật định) khiến hàng trăm nghìn người lao động vẫn đang bị ảnh hưởng. 
Có 6,6% thanh niên thất nghiệp, trong đó 177.000 sinh viên đại học 
Lực lượng lao động thanh niên có tỉ lệ làm công ăn lương cao nhất nhưng đây cũng là khu vực có tỉ lệ thất nghiệp lớn nhất, với tỉ lệ khoảng 6,6% trong khi tỉ lệ thất nghiệp chung chỉ có 2,43%, theo bản tin mới nhất về thị trường lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới công bố. 
Trong đó, tỷ lệ trình độ chuyên môn của người thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Số sinh viên có trình độ đại học và trên đại học vẫn tiếp tục tăng, với hơn 177.700 người (tổng số 400.000 lao động qua đào tạo đại học và trên đại học), tăng 7,3% so với quý 4 năm 2014 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động này lên tới gần 4%. 
Tăng lương cơ bản: niềm vui chẳng tày gang 
Theo thông lệ, vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho năm tiếp theo. Tổng LĐLĐ Việt Nam – một trong ba thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có văn bản gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức tăng dự kiến từ 350.000 – 550.000 đồng mỗi vùng, tức là tăng khoảng 16% so với mức hiện có. Mức tăng này của Tổng LĐLĐ Việt Nam dựa trên chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng từ 3-3,5%/năm. Và căn cứ theo Điều 89, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 kể từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật. 
Tuy nhiên, theo báo giới, việc tăng lương lần này lại một lần nữa chạy chậm so với mức tăng của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là giá điện nước, giá thực phẩm, xăng dầu… 
Tăng lương tối thiểu, phải giảm việc làm 
Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 20/7 cho biết, hiện nay mức lương tối thiểu thay đổi theo vùng, tính đến tháng 1/2015, lương tối thiểu dao động trong khoảng 2.150.000 đồng đến 3.100.000 đồng/tháng. Quy định về lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa tác động trực tiếp tới 22% lao động Việt Nam làm công ăn lương “chính thức” – những người có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. 
Trong trường hợp, “nếu lương tối thiểu vượt năng suất của người lao động” thì với việc thực thi không chặt chẽ dẫn đến việc, chủ lao động có thể tuyển lao động không chính thức, không ký hợp đồng, để tránh các quy định về lương tối thiểu, như vậy lương tối thiểu có thể làm dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức, báo cáo WB cho biết. 
Điều đó dẫn đến hiện tượng, tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thay đổi tư duy

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo