Lê Tự Do
(VNTB) – Chống dịch như chống giặc mà để mất mát quá nhiều, vậy sao gọi là thành công?
Lần hồi về quá khứ của cách đây hơn 1 năm về trước, khi Sài Gòn nói riêng cũng như miệt Nam Bộ nói chung phải sống trong cảnh “ai ở đâu ở yên đó”, mỗi ngày đều ngóng trông đến cái giây phút gọi là mở giãn cách để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường như cũ.
Tháng 1-2021, khi đợt dịch bùng ở khu vực phía Bắc, số lượng ca nhiễm xuất hiện nhiều ở Hải Dương, báo chí đưa tin, phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi ấy đã hứa dập dịch trong 10 ngày.
Là một nguyên thủ quốc gia, là một “chức sắc” quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia thời điểm ấy, là một thành viên của Chính phủ, có thể nói, với lời hứa ấy, thể hiện được sự quyết tâm cũng như niềm tin vào kinh nghiệm chống dịch của ông phó thủ tướng.
“Thật sự thời điểm đó, mình cũng lầm. Khi mà ông Dũng lên nói lại về phát ngôn của ông Đam, mình còn khó chịu mà. Vì sao lại không tin tưởng ông Đam? Vì sao lại tạt gáo nước lạnh vào ngọn lửa chống dịch? Cho đến khi Thành phố Hồ Chí Minh bùng dịch, từ những ca nhiễm đầu tiên ở O Thanh rồi Hội thánh truyền giáo Phục Hưng rồi lan ra toàn thành phố, với loạt hành động, thái độ của quý ngài phó thủ tướng Vũ Đức Đam, mình mới thấy ông Mai Tiến Dũng khi đó nói là có phần đúng.
Quá rõ ràng, cách chống dịch của ông Đam là có vấn đề và gây quá nhiều thiệt hại cho người dân. Chống dịch như chống giặc mà để mất mát quá nhiều, vậy sao gọi là thành công?” – một ý kiến.
Cũng xin được nói rõ thêm, sau tuyên bố của ông Đam, thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi ấy là ông Mai Tiến Dũng lại cho rằng Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch. Theo ông Dũng “Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, người công bố thông tin này không phải với danh nghĩa Chính phủ”.
Đúng như lời chia sẻ, theo ghi nhận, với cách chống dịch của ông Đam, trong suốt mấy tháng ròng, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội khiến kinh tế tăng trưởng âm vào quý III-2021, một điều hiếm lạ lùng trong suốt hơn 35 năm đổi mới.
Đến khi Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là kịp thời điều chỉnh, thực hiện chủ trương chuyển nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 cực đoan sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả thì kinh tế đất nước lập tức tăng trưởng 5,22% trong quý IV, để rồi mức tăng trưởng cả năm 2021 đạt 2,58%, một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ngặt nghèo đến từ ‘zero Covid’.
Bên lề cà phê, cũng có ý kiến cho rằng bùng dịch xuất phát là do lãnh đạo địa phương chống dịch kém, tạm cho là đúng đi thì nếu cựu chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đã bị chuyển công tác; chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh từng tuyên bố Hà Nội “toang”, sẽ chịu trách nhiệm, dù thực tế cũng chưa thấy ông Ngọc Anh chịu trách nhiệm gì; thì thiết nghĩ, cũng nên có cái gì đó gọi là buộc ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm sau tất cả những cái ông gây ra.
Chịu trách nhiệm trước những hành động duy ý chí của ông, để rồi hệ lụy ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế mà còn đời sống, đi lại, tinh thần của người dân. Những mất mát mà khó có thể cân đo đong đếm hết cho được.
Và mong rằng, cái gọi là chịu trách nhiệm, đừng đơn thuần chỉ là câu nói “tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, hay khiển trách. Chí ít, nếu tự trọng, như một số nguyên thủ khác, biết đâu chừng cũng nên từ chức…