(VNTB) – Cấp xã được trao nhiều quyền hạn hơn thì tham nhũng sẽ nhiều hơn, dân càng khổ hơn
Theo dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, thì số xã, phường trên cả nước sẽ giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000. Cùng với việc bỏ hết cấp quận, huyện và phình to phường, xã thì có thể hiểu rằng sắp tới mỗi xã sẽ như một huyện nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết “cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn”. Có thể hiểu rằng, một vấn nạn xảy ra là các quan xã sẽ có quyền lực không khác gì quan huyện. Cơ chế cộng sản xưa nay vẫn là “giảm chỗ này phình chỗ kia”, cho nên việc giảm số lượng phường xã này chưa chắc sẽ làm giảm số lượng ghế trong biên chế nhà nước. Nhưng khi quyền lực của các quan xã tăng lên thì rất khó kiểm soát.
Trước đây quan xã có sai sót gì thì dân còn tìm ra huyện để kiện cáo, dù không chắc giành phần thắng, nhưng dù sao cán bộ xã cũng sợ thanh tra huyện. Còn sáp nhập xong, dân mà bất bình các quan ở xã thì phải đi thẳng lên tỉnh để nộp đơn. Mà các tỉnh cũng đã sáp nhập, rộng lên gấp đôi, đi lại xa xôi, ý kiến mà không được giải quyết thì quay về xã lại bị “ăn hành”.
Câu chuyện khiến người dân mệt mỏi nhất vẫn là quy trình xử lý góp ý, bức xúc của dân, tham nhũng vặt ở cấp xã phường… Bình thường xã nhỏ, dân ít mà làm giấy tờ còn khó khăn, bây giờ xã rộng, dân đông hơn thì lại càng đáng lo hơn, nhất là với năng lực các quan xã hiện nay.
Kèm đó là lo ngại về nhiều vấn đề lãng phí các trụ sở, xây mới bỏ cũ. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thuận tiện.
Còn “đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ đơn thuần là điều chỉnh địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy mà còn là sự điều chỉnh về không gian kinh tế, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế. Mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới”.
Thế thì sẽ có một số lượng lớn trụ sở hành chính, uỷ ban xã, phường, quận, huyện cũ bị bỏ hoang (đây là chuyện xảy ra thường xuyên mỗi lần sáp nhập). CSVN vốn quen xài phung phí ngân sách quốc gia, cho nên khó có chuyện sẽ tận dụng trụ sở cũ, mà chắc chắn sẽ có một lượng lớn trụ sở khác sẽ được xây mới, hoặc mở rộng. Với lý do “thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”. Dĩ nhiên, kèm theo trụ sở bỏ hoang thì sẽ là đất vàng bị bỏ hoang, vì các trụ sở nhà nước vốn được xây dựng trên những phần đất đắc địa. Rồi những trụ sở mới cũng phải dùng đất vàng để xây lên. Hoang phí là điều không thể tránh khỏi.
Gộp hai câu chuyện này lại, quyền lực quan xã tăng lên, kết hợp chuyện xây mới bỏ cũ, thì tham nhũng vặt biến thành tham nhũng lớn là điều chắc chắn. Những trụ sở mới được dựng lên là cơ hội để các quan chức đục khoét ngân sách, đó là chuyện người dân Việt Nam đã quá quen thuộc. Nhưng quan chức địa phương đục khoét mà không có thanh tra cấp trung thì càng khủng khiếp hơn. Chẳng lẽ chuyện gì cũng đem lên tỉnh, lên trung ương giải quyết. Mà có đem lên tỉnh, lên trung ương thì khi nào mới giải quyết xong. Chưa kể việc các quan xã nhiều quyền hạn, ăn hối lộ nhiều hơn, thì càng đút lót lên tỉnh, ra trung ương mạnh hơn. Như vậy người dân có bức xúc gì với quan xã thì khác nào con kiến kiện củ khoai….
___________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/cap-xa-se-co-trung-tam-hanh-chinh-cong-4870743.html