Hà Nguyên
(VNTB) – “Nhóm bị can tại tịnh thất Bồng Lai đã gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm của Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM)“
Thắc mắc chung nhất, thế nào là hành vi “xuyên tạc giáo lý, xúc phạm Phật giáo”?
Báo chí đồng loạt đưa tin rằng Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đã có kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố nhóm bị can tại tịnh thất Bồng Lai.
Những “án lệ” gì trong tương lai?
“Các tài khoản này được dùng để đăng tải các video clip chứa nội dung vi phạm pháp luật nhằm cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước xem, chia sẻ, bình luận, tạo sức lan truyền nhanh chóng gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, tổ chức Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP.HCM), gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của người có chức sắc trong Phật giáo, gây bức xúc trong giới tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo, dư luận xã hội” – trích kết luận điều tra.
Tình huống giả định là khi phiên tòa hình sự cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều tuyên bản án theo tội danh như cáo buộc, vậy thì sẽ tạo ra những “án lệ” gì trong tương lai?
Trong bài viết có tên “Cảnh báo những người xúc phạm nhân phẩm và vu khống tôi (Thích Nhật Từ)” đăng trên trang web Đạo Phật ngày nay, trụ sở đặt tại chùa Giác Ngộ, do Thượng tọa Thích Nhật Từ phụ trách, số phát hành ngày 23-3-2020 có phần mở đầu như sau:
“Trong mấy ngày qua, lợi dụng vào quyền tự do ngôn luận, một số người đã cố tình vu khống tôi (Thích Nhật Từ) phạm tội ăn cắp và xúc phạm nhân phẩm tôi dưới nhiều hình thức khác nhau. Về facebooker, có các ông, bà như Phạm Thị Yến (Chùa Ba Vàng), Minh Thạnh, Trần Hồng, Mộc Trù v.v… Về youtuber, có các ông, bà như Toán Trần, Hàng Độc PK, Thíck Lang Thang, Bà Ba Không Quên, DHK Tivi, Tony Phạm USA, Thuy To Channel, Tiên À Ơi v.v…
Các hành vi của những người nêu trên đã làm nhục tôi và vu khống tôi, tức đã vi phạm điều 16 của “Luật An ninh mạng” cũng như điều 155 và điều 156 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong tinh thần từ bi, tôi sẵn lòng tha thứ, bỏ qua, nếu các ông, bà nêu trên gửi thư xin lỗi chính thức trên các phương tiện truyền thông để thể hiện tinh thần trách nhiệm và sửa sai của bản thân. Các bài viết, clip của các ông, bà xúc phạm và vu khống tôi đã được xác lập vi bằng. Qua khỏi 48 giờ, tức sau 19:00 ngày 24/3/2020, nếu chưa nhận được thư xin lỗi của quý vị, luật sư của tôi sẽ yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố quý vị theo điều 155 và điều 156 của Bộ luật hình sự năm 2015”.
(Xem đầy đủ nội dung tại https://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/29535-canh-bao-nhung-nguoi-xuc-pham-nhan-pham-va-vu-khong-toi-thich-nhat-tu.html)
Chụp mũ chính trị?
Trong vụ án “tịnh thất Bồng Lai”, nhà chức trách mặc dù đề cập đến Thượng tọa Thích Nhật Từ, nhưng lại điều chỉnh hành vi theo nội dung của điều 331, Bộ luật hình sự 2015, tu chỉnh 2017.
“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Diễn giải về điều luật trên, nguyên tắc chung là việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình phải không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước. Nếu xâm phạm quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước thì đó lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Vậy thì ở vụ án “tịnh thất Bồng Lai”, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã bị xâm phạm những quyền và lợi ích cụ thể gì? Điều này cần phải làm rõ qua việc đối chất công khai theo quy trình tố tụng tại phiên tòa hình sự.
Nếu kết quả chung thẩm tuyên chấp nhận cáo buộc theo điều 331, Bộ luật hình sự 2015, tu chỉnh 2017, liệu có phải sẽ đưa đến kiểu “án lệ” là “hạ nhục” và “vu khống” liên quan đến chức sắc tôn giáo như lời của Thượng tọa Thích Nhật Từ (nguồn đã dẫn), đều đưa đến mức án theo điều 331 về chuyện nhân quyền có hơi hướm chính trị?