Dân Trần
(VNTB) – Việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính chính là thực thi nhân quyền và bình đẳng giới.
Các cầu thủ là người đồng tính không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Theo một phân tích của Out Sports thì có tới 12% cầu thủ dự World Cup nữ 2023 thừa nhận là đồng tính. Phân tích này dựa trên hành vi ứng xử trên mạng xã hội, các thông tin riêng biệt về từ cầu thủ trong tổng số 736 tuyển thủ dự World Cup nữ 2023 để rút ra kết luận rằng có ít nhất 88 cầu thủ dự World Cup nữ 2023 là đồng tính.
Theo Out Sports, con số 88 cầu thủ công khai đồng tính đã chứng tỏ rằng “sân chơi thể thao của phụ nữ đã tiến bộ rất xa, vì con số này gấp đôi so với tại World Cup nữ 2019”.
Ở Việt Nam, những ngày qua dư luận xôn xao với việc nữ cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia cưới vợ. Cụ thể, ngày 06/1, trung vệ Trần Thị Thu của đội tuyển nữ Việt Nam và CLB nữ TP HCM tổ chức đám cưới với bạn gái Nguyễn Thị Thương. Được biết, cặp đôi này đã công khai hẹn hò từ năm 2022. Đây là lần đầu tiên một cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam công khai kết hôn đồng giới.
Mặc dù Việt Nam là một xã hội khá cởi mở với vấn đề LGBT, nhưng đám cưới này cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Việc công khai làm lễ cưới của người LGBT luôn luôn là một quyết định mạnh mẽ và vượt qua nhiều định kiến. Bên cạnh đó là các vấn đề pháp lý liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ mà những cặp vợ chồng phải có được khi kết hôn.
Nếu chỉ có thể sống chung mà không thể đăng ký kết hôn thì sẽ gặp nhiều rắc rối với các thủ tục, giấy tờ tại Việt Nam. Chẳng hạn như việc quyền đồng sở hữu tài sản chung hay phân chia tài sản riêng. Bên cạnh đó là các khó khăn khi phải chứng minh quyền lợi của mình trong việc thừa kế, hay việc nuôi con sau khi ly hôn. Bởi vì người đồng tính vẫn có thể xin con nuôi hoặc thụ tinh nhân tạo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hôn nhân đồng giới vẫn chưa được hợp pháp hóa. Tuy nhiên, Nghị định 82/2020/NĐ-CP hiện đang có hiệu lực đã bãi bỏ khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, không còn cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tức là nhà nước không ngăn cản các cặp đôi LGBT sống chung với nhau như vợ chồng, không cấm tổ chức đám cưới. Nhưng vẫn chưa cho phép người LGBT được đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện chưa có thống kê chính xác số người đồng tính tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu cho thấy số lượng người LGBT thường chiếm 3-5% tổng dân số. Căn cứ theo tỷ lệ này thì với 100 triệu dân hiện nay, Việt Nam có khoảng 3-5 triệu người LGBT. Đây là một con số không hề nhỏ.
Trong thời gian qua, cộng đồng này cũng đã nỗ lực thúc đẩy các chính sách để hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính. Đáng chú ý nhất là từ năm 2013, Viện iSEE và trung tâm ICS đã phát động chiến dịch “Tôi Đồng Ý – I Do” để kêu gọi sự ủng hộ của người dân Việt Nam với hôn nhân đồng tính. Tính đến thời điểm viết bài (ngày 08/01/2024), số liệu trên trang web của chiến dịch này cho thấy đã có 53.378 chữ ký hợp lệ.
“Đồng tính cũng là một dạng giới tính, còn kết hôn là quyền con người, cho việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính chính là thực thi nhân quyền và bình đẳng giới. Việc thông qua luật hôn nhân đồng tính sẽ góp phần bảo vệ và giúp hàng triệu người LGBT tại Việt Nam khỏi sự kỳ thị giới tính. Đặc biệt là quốc tế sẽ có cái nhìn tốt hơn về chính sách nhân quyền của Việt Nam. Việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính sẽ có lợi cho nhiều bên, không chỉ người LGBT mà còn là đảng cộng sản. Tôi nghĩ không vấn đề gì mà nhà cầm quyền không sớm thông qua luật này”. Anh N.T. nói với phóng viên VNTB”.
____________
1 comment
Rất hoan nghênh . Cho ké . Việt Nam cũng nên soạn thảo bộ luật về hôn nhân đồng chí