Nguyễn Gia Việt
Danh nhân lịch sử người Miền Nam Lương Khê Phan Thanh Giản (1796 – 1867) là một nhân vật lịch sử mà người Lục Tỉnh nào cũng thương mến vì đức độ và tấm lòng của ông với quê hương.
Là ông tiến sĩ đầu tiên của Lục Tỉnh, làm quan vẫn nghèo vì quá thanh liêm, đức độ, không ngại gian khó.
Cả đời làm quan có lúc bị biếm phạt làm anh lính quét công đường. Có năm lần bị vua giáng chức. Có khi bị ra tận Thái Nguyên.Cả một triều đình Huế mà chuyện lớn nhỏ gì khi có chiến tranh với người Pháp cũng đẩy ông ra, một ông già lụm cụm trên thất thập chịu trận. Có lúc ông già trên 70 tuổi đó phải lụm cụm qua tận Paris Pháp Quốc.
Từ năm 1862 đến năm 1867, Tiến sĩ Phan Thanh Giản được vua Tự Đức giao nhiệm vụ khó khăn nhứt là thương lượng với Pháp để đòi đất,đòi ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ, để “thương nghị” trong chiến tranh trong khi Pháp hùng mạnh võ khí hiện đại tận răng, còn trong tay ông không có tấc sắt, cùng một triều đình có binh lực vô cùng lạc hậu.
Trung tuần tháng 6/1867 Đô đốc De la Grandière dẫn 1.800 lính thủy quân lục chiến Pháp đi trên 16 tàu chiến từ Mỹ Tho qua áp sát thành Vĩnh Long.
Vừa neo bến De la Grandière cho mời quan Kinh lược sứ Nam Kỳ (ba tỉnh Miền Tây) Phan Thanh Giản lên tàu hội đàm rồi bất thần đưa quân chiếm lấy thành Vĩnh Long ngay trong đêm.
Khi bước lên bờ coi như việc đã rồi, nhắm không thể trứng chọi đá đánh lại, sự việc tới nước này rồi nên quan Phan đưa thư kêu tổng đốc An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng để không đổ máu vô ích, hy vọng giữ nguyên sức lực của quân triều đình nhằm tính kế lâu dài.
Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản biết mình sẽ phải làm gì, chỉ còn cái chết, vì ông là một mệnh quan triều đình.
Quân lính dân tình có thể sống nhưng phận quan triều đình với chức trách mà không chu toàn thì phải chết.
Ông tuyệt thực 17 ngày.
Trước đó ông ngoáy về Huế lạy mấy lạy,thảo một tờ sớ gửi vua Tự Đức, gửi lại ấn tín, áo mão trả về Huế , một lời tạ từ cuối cùng.
De la Grandière rất kính ông nên sai đem đồ ăn thức uống,thuốc bổ lại thuyết phục ông ăn uống lại, ông biểu đem về.
Rủi , nhịn ăn không chết, ông bèn uống thuốc phiện với dấm thanh tự kết liễu cuộc đời.
Ngày 4/8/1867 ông qua đời.
Trước đó Phan Thanh Giản gọi hết con cháu lại giường trối :
”Ta chết đi thì nhớ đem hòm ta về chôn tại quê nhà Gãnh Mù U làng Bảo Thạnh cạnh tổ tiên ta bên . Còn tấm triện thì bỏ, nếu không hãy đề : “quan tài của một học trò già họ Phan gốc ở miền bể Đại Nam. Bia mộ cũng như vậy thôi.”
Rốt cuộc ông tự đề bia cho ông luôn, ông viết: “Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô ưng thư: ”Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu, diệt dĩ thử chi mộ.”
Rốt cuộc sau khi mất ba tỉnh Miền Tây, người học trò già họ Phan bị vua Tự Đức lên án ,bị truy đoạt chức tước, phẩm hàm, đục bia tiến sĩ.
Vua Tự Đức xuống chiếu kết tội ông nặng nề.
“Tuy đã đắc nhất tử, nhưng cái chết vẫn không đủ che được tội.Vậy Phan Thanh Giản đã quá cố phải bị truy đoạt hết tước hàm, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm hậu. Giết kẻ đã chết để răn người đời sau vậy”.
Sau đó những vị vua Nguyễn sau đã thấy cái sai nên phục hồi cho ông từ từ, người quốc gia hiểu ông.
Ai dè sau 1975 mới kinh khủng với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản.
Sách viết hạ nhục Phan Thanh Giản, đường Phan Thanh Giản bị xóa toàn Miền Nam. Từ một nhân vật được người Nam Kỳ kính trọng, thương mến sau 1975 vì mục đích chánh trị đã biến TS Phan Thanh Giản thành một tên tội đồ, đáng khinh trong chủ đích sách báo ,tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ học sinh Miền Nam.
Thực ra “bản án” với quan Phan đã có từ 1963 và được viết ở …HN :”Tội bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc…”
Ông Vương Hồng Sển nói lúc sanh tiền:
“Bấy lâu nay (1990), tôi nghe đầy tai lời trách quan Phan làm cho mất nước và vua Tự Ðức đứng đầu tội ấy.Thấp cổ bé miệng, tôi có dại gì cãi họ duy trong thâm tâm riêng tưởng họ chưa tới mắt cá quan Phan”.
Trước 1968 tại ngã ba đường Phan Thanh Giản và Lê Lai, phía trước mặt Tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long có một bức tượng bằng đồng đen của quan Kinh Lược Sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản.
Quan Phan cứ ngồi đó nhìn hậu thế và thế sự xoay vần.
Sau Tết Mậu Thân, bức tượng đồng đen được chuyển về thờ tại Văn Thánh Miếu. Sau đó một ngọn tháp hình cây bút lông nhìn lên trời xanh được dựng lên tại ngã ba Cần Thơ ngay bùng binh Nguyễn Huệ quốc lộ 4 dẫn vào trung tâm Vĩnh Long.
Tháp Phan Thanh Giản là nơi tôn vinh một người Vĩnh Long kiệt xuất, một người Nam Kỳ vĩ đại.
Mặt chánh tháp ghi dòng chữ Hán là: 前朝大臣潘清簡
(Tiền trào đại thần Phan Thanh Giản)
Nghĩa là: Cái đài này tưởng nhớ quan lớn của trào trước tên Phan Thanh Giản.
Sau 1975 đài biến mất. Thị xã Vĩnh Long xóa đại lộ Phan Thanh Giản mà nay là đường 3 tháng 2.
Phước thần Vĩnh Long, người có công tạo lập, xây dựng, bảo vệ Vĩnh Long là đại thần Tống Phước Hiệp cũng bị xóa tên đường,miếu thờ không còn tồn tại.
Kỳ lạ cái nữa, là Vĩnh Long xóa đường Võ Tánh thay bằng đường Lê Văn Tám.
Đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn bị xóa thẳng, thế bằng một trận “chiến thắng” có tên Điện Biên Phủ.
Đường Phan Thanh Giản ở thị xã Vũng Tàu bị xóa đổi thành Lý Tự Trọng.
Tại Cần Thơ, đường Phan Thanh Giản sau 1975 mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tại thành phố Bến Tre Đại lộ Phan Thanh thành Đồng Khởi.
Miền Nam ta có hai đứa con yêu quý nổi tiếng nhứt nhì là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký thì cả hai đều bị hạ bệ sau 1975.
Hàng loạt đường , trường học bị xóa tên, dẹp tượng. Ngẫm thế sự buồn vô kể!
Năm 2008 có một vài thông tin rằng “Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”. Nhưng hình như là chơi chữ, lời nói cho vui. Tên đường và các trường học vẫn chưa thấy trả lại cho TS Phan Thanh Giản.
Có một bài nhạc có những sâu vầy:
“Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Sài Gòn ơi sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi
Nụ cười còn tươi nét môi hay áo màu phai úa rồi“
Trong tim con người, trong lòng con người Miền Nam. Mà lòng dạ là cái không bao giờ thay đổi được.