Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ở Việt Nam, ai đang là “nguyên thủ quốc gia”?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Theo nghĩa “quyền lực cao nhất nước” thì “nguyên thủ quốc gia” ở Việt Nam hiện nay là Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

 

Về luật Hiến pháp, thì “nguyên thủ quốc gia” là… Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Giải thích cho rối rắm trên về mặt pháp lý như sau: Ở Việt Nam, thuật ngữ “nguyên thủ quốc gia” chưa được đề cập chính thức trong bất cứ bản Hiến pháp nào về chế định người đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 với Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, sau 4 lần sửa đổi và theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, dù là cá nhân hay tập thể (Hội đồng nhà nước – Chủ tịch tập thể) thì nội hàm “nguyên thủ quốc gia” ở giai đoạn nào cũng mang ý nghĩa là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Ở đây là phân tích theo chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Hiến pháp năm 1946 đã chọn mô hình Chính phủ do nguyên thủ quốc gia đứng đầu. Chính phủ gồm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch nước và Nội các. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại luật.

Hiến pháp năm 1959, Chính phủ được xây dựng theo mô hình nguyên thủ quốc gia chia sẻ quyền hành pháp với Thủ tướng. Mô hình này thường thấy trong chính thể cộng hòa lưỡng tính. Theo Hiến pháp 1959, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, nhưng Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Hiến pháp năm 1980, chế định Chủ tịch nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Liên Xô năm 1977. Chế định Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959 được nhập thành một chế định được gọi là Hội đồng nhà nước, một chế định nguyên thủ quốc gia tập thể.

Hội đồng nhà nước có quyền hạn rất lớn do thiết chế này thực hiện chức năng của 2 cơ quan là Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Hạn chế cơ bản của thiết chế Chủ tịch nước tập thể so với thiết chế chủ tịch nước cá nhân là sự kém nhanh nhạy, nguyên nhân chủ yếu bởi Hội đồng nhà nước là thiết chế tập thể, nên các quyết định đều phải trên cơ sở họp, thảo luận và phải được sự đồng thuận của đa số thành viên nên thường không đáp ứng được tình hình có tính khẩn cấp.

Mô hình nguyên thủ quốc gia theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã có sự thay đổi cơ bản, đó là quay lại mô hình Chủ tịch nước là cá nhân, mang tính biểu tượng.

Chế định Chủ tịch nước thuộc nhóm nguyên thủ quốc gia có quyền lực hạn chế, không có quyền phủ quyết dự luật, không có quyền giải tán một bộ phận nào của Quốc hội, không có quyền triệu tập hoặc chủ tọa các phiên họp của Chính phủ, chia sẻ quyền hành pháp với Thủ tướng.

Ngày 23-10-2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội ‘tín nhiệm’ bầu là Chủ tịch nước. Từ khi Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, vai trò, vị thế của Chủ tịch nước trên thực tế được tăng lên, địa vị chính trị cũng mạnh hơn bởi gắn liền với vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Bộ máy nhà nước cơ bản vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức.

Thế nhưng sau đó khi ông Nguyễn Xuân Phúc kế nhiệm làm Chủ tịch nước thì mọi chuyện lại trở về vạch xuất phát về quyền lực chính trị.

Hiện nay, việc xác định vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp năm 2013 về cơ bản là hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung vai trò kiểm soát quyền lực cho nguyên thủ quốc gia như bổ sung các quyền, cơ chế nhằm tăng cường sự giám sát của nguyên thủ quốc gia đối với lập pháp và hành pháp, đặc biệt là với Chính phủ.

Về nguyên tắc, những hoạt động kiểm soát quyền lực của nguyên thủ quốc gia với Chính phủ không cản trở hoạt động bình thường của Chính phủ, nhưng có khả năng ngăn chặn sự lạm quyền một cách kịp thời và hiệu quả.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhục hình

Phan Thanh Hung

VNTB – Rút kinh nghiệm một vụ tiền phạm tội được ‘chuyển hóa’ cho bên thứ 3

Do Van Tien

VNTB – Văn bản quy phạm pháp luật cần đồng bộ với các ‘mệnh lệnh’ của Đảng?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo