Nguyễn Thị Huyền
(VNTB) – “Ôn bài” ở đây trong mùa dịch không phải là học trò, mà là những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Ngô Huy Cương nhắc nhở các đảng viên cần phải luôn nhớ đến những điều đã được học ở mái trường xã hội chủ nghĩa, cũng như ở những khóa ‘đối tượng đảng’ mà họ từng trải qua. Đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân vì sự nghiệp cách mạng; sống là phải đấu tranh: “Đấu tranh là lẽ sống” hay “sống là đấu tranh”; phải biết thương yêu, quí trọng những người lao khổ.
Để làm được những huấn thị ở trên, các đảng viên phải có bổn phận giúp người dân thực hiện “quyền làm chủ tập thể”, “quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa”; đặc biệt là giúp người dân hiểu rõ ràng về quyền của người dân trong giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức.
Quyền giám sát này từng được rao giảng trong rất nhiều ở các tiết dạy về Tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng “Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Quyền này được ghi bằng giấy trắng, mực đen ở bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 5, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, trang 60.
Giảng viên Ngô Huy Cương cũng lưu ý là tất cả những điều ở trên, trong rất nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở mức lý thuyết, ‘nói vậy mà không phải vậy’.
“Tôi xin gặp các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm như Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội để trình bày cực nhiều ý kiến đóng góp, nhưng họ không cho gặp và cũng chẳng hồi âm. Tôi nghĩ tôi là người đã từng làm việc cho Văn phòng Quốc hội, và rất nhiều người ở đó biết tôi mà tôi còn khó gặp họ như vậy, thì không biết liệu người dân chân lấm tay bùn có gặp được không? Tôi luôn luôn tâm niệm đó là những người đại biểu của dân chứ không phải là “quan Quốc hội”.
Vậy tôi phải dùng phương thức nào để đóng góp cho đất nước, để thực hiện những gì mình đã được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa?
Có người nói rất lý thuyết rằng mỗi người cứ làm tốt công việc của mình là đóng góp cho đất nước rồi. Tôi luôn luôn giảng dạy pháp luật tốt. Nhưng tôi không thể dạy khoa học pháp lý một đằng trong khi các đạo luật lại làm sai một nẻo. Nếu cứ dạy như vậy thì học viên sẽ nghĩ gì về pháp luật, về đất nước hay về giáo dục?”. Ông Ngô Huy Cương chia sẻ sự bất lực của mình trong chuyện ôn bài ở mùa dịch virus Vũ Hán đến từ quốc gia đồng minh cộng sản.
Ông Nguyễn Phước Tương, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhắc về ‘bài ôn tập’ với các đảng viên từ thực tiễn Tiên Lãng trước đây và Đồng Tâm mới vừa qua.
Theo đó, lập trường của các công bộc của dân trong “sự kiện Tiên Lãng, Đồng Tâm” nên hiểu là lập trường của ai? Còn nhớ “Sự kiện Thái Bình” năm 1997, ở đây không hề có chuyện “địch ta”, ở đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nói như nhận xét khi ấy của thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) đã chỉ thẳng ra: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”!
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một cựu đảng viên cộng sản đang bị giam giữ, có lẽ vì cùng cách nhìn như giảng viên khoa luật Ngô Huy Cương, như cựu viện trưởng Nguyễn Phước Tương…, khi ông nhà báo này vẫn cần mẫn phản biện khoa học qua những bài viết trong bổn phận giúp người dân thực hiện “quyền làm chủ tập thể”, “quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa”; đặc biệt là giúp người dân hiểu rõ ràng về quyền của người dân trong giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức.