1. 24h (Ngày 23/6/2024)
Tựa: “King Ryan” bị cấm thi đấu và thu tiền thưởng, đối thủ “sướng” ra mặt
Báo viết: “Ryan Garcia, võ sĩ người Mỹ đã bị Uỷ ban Thể thao New York (NYSAC) cấm thi đấu 1 năm do dương tính với chất cấm Ostarine. Chiến thắng của ‘King Ryan’ trước Devin Haney vì thế cũng được sửa thành kết quả bất phân thắng bại.
Trong trận đấu hồi tháng 4, Garcia đã knock-out Haney 3 lần và cuối cùng giành chiến thắng tính điểm”.
Vớ vẩn, làm gì có chuyện “Garcia đã knock-out Haney 3 lần”. Chỉ cần 1 lần knock-out là thắng rồi. Chính xác là trong trận đấu đó, Garcia đã knock down đối thủ 3 lần.
Knock down (đánh ngã), chứ không phải knock-out (đánh gục)!
2. Doanh Nghiệp Việt Nam (Ngày 26/6/2024)
Tựa: VinFast VF e34 tiếp tục bị bắt gặp trên đường chạy thử tại Ấn Độ
Báo viết: “Liên tục bị bắt gặp trên đường chạy thử tại Ấn Độ, VF e34 có thể sẽ là mẫu xe điện đầu tiên được VinFast giới thiệu đến thị trường tỷ dân này”.
Sao tác giả không viết “VinFast VF e34 tiếp tục được nhìn thấy” mà lại viết “VinFast tiếp tục bị bắt gặp”? Cứ như đây là kẻ có tội đang phải trốn tránh.
Được và Bị là hai điều rất khác nhau. Hay là tác giả có ý viết như thế ?!
3. Dân Trí (Ngày 5/7/2024)
Tựa: Con trăn 9m bụng phình to, siết chặt người phụ nữ rồi nuốt chửng nạn nhân
Báo viết: “Nhìn thấy đôi dép quen thuộc nằm cạnh con trăn dài khoảng 9m với phần bụng phình to, người đàn ông Indonesia nghi ngờ vợ đã gặp nạn.
Con vật đã siết chặt nạn nhân cho tới khi tử vong rồi mới nuốt chửng. Thời điểm đó, khu rừng vắng vẻ không có ai qua lại”.
Một cái tựa rất buồn cười. Con trăn nuốt chửng nạn nhân thì bụng nó mới phình to. Đằng này, với cái tựa như thế, người đọc buộc phải hiểu rằng bụng con trăn phình to rồi nó mới nuốt nạn nhân!
4. Thanh Niên (Ngày 24/7/2024)
Tựa: Vừa tranh cử tổng thống, bà Harris bị phe Cộng Hòa công kích dồn dập
Báo viết: “…Nếu được chính thức đề cử, bà Harris sẽ là người phụ nữ gốc Phi và gốc Nam Á đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống của một đảng lớn tại Mỹ”.
Được biết, bà Harris có mẹ là người Ấn Độ, thuộc nam Á, và cha là người Jamaica. Jamaica là một quốc đảo nằm ở biển Caribe, cách Cuba 150km về phía Nam và cách Haiti 180km về phía Tây.
Cho nên, nói bà Harris gốc Nam Á thì đúng. Còn nói bà ấy gốc Phi thì sai. Jamaica không nằm ở châu Phi!
5. Thế Giới & Việt Nam (Ngày 21/7/2024)
Tựa: Bầu cử Mỹ 2024: Đảng Dân chủ loay hoay tìm người thay thế, nữ phó TT dẫn đầu danh sách ứng cử viên
Báo viết: “Ngày càng nhiều thành viên của đảng Dân chủ tại Mỹ coi phó TT Kamala Harris là sự thay thế khả dĩ duy nhất cho ông chủ Nhà Trắng Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, theo thông tin mới nhất từ kêng truyền hình CNN”.
Thực tế là gần như ngay sau khi ông Biden tuyên bố rút lui và đề cử phó TT Harris thay mình, thì bà Harris đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của hơn 2.200 đại biểu, nhiều hơn mức cần thiết để được đề cử khi đại hội của đảng Dân chủ diến ra trong tháng 8.
Nghĩa là đảng Dân chủ đã sớm tìm được người thay thế ông Biden cho cuộc đua vào Nhà trắng. Không có chuyện “Đảng Dân chủ loay hoay tìm người thay thế” như tựa viết!
6. Người Việt (Ngày 13/8/2024)
Tựa: Đã tìm thấy linh mục giáo phận Orange bị thất lạc
Bài báo mở đầu: “Linh mục Anthony, người bị thất lạc từ hôm Thứ Hai, vừa được tìm thấy chiều Thứ Ba, 13 Tháng Tám, cảnh sát Santa Ana cho biết trên trang Facebook của cơ quan”.
Nhưng đoạn cuối của bài báo như sau: “Bất cứ ai có thông tin về linh mục này, xin báo cảnh sát viên A. Castorena tại số điện thoại (714) 245-8431 hoặc ban trực chỉ huy cảnh sát tại số (714) 245-8700”.
Thật là một bài báo kỳ lạ, đầu đuôi trái ngược. Rốt cuộc, vị linh mục đã được tìm thấy hay chưa?!
7. Thanh Niên (Ngày 14/8/2024)
Tựa: Tỉ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên sắp đổ bộ Việt Nam
Báo viết: “4.500 du khách Ấn Độ là nhân viên của Tập đoàn Sun Pharmaceutical Industries Limited sẽ được chia thành các đoàn nhỏ đến khám phá VN trong hơn 10 ngày”.
Một cái tựa gây khó chịu về mặt chữ nghĩa. Sẽ không vấn đề gì nếu sửa lại là: “Tỉ phú Ấn Độ sắp đưa 4.500 nhân viên đổ bộ Việt Nam”, hoặc “Tỉ phú Ấn Độ và 4.500 nhân viên sắp đổ bộ Việt Nam”. Nghĩa là chữ “sắp” phải được đặt đúng chỗ!
8. VNTB (Ngày 15/8/2024)
Tựa: Cuối cùng ông Trump sẽ cùng bà Harris sẽ có cuộc tranh luận
Báo viết: “Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris ngày 8/8 đã thống nhất tham gia cuộc tranh luận do đài ABC News tổ chức ngày 10/9”.
Một cái tựa khá lôm côm. Nên sửa lại cho gọn gàng: “Cuối cùng ông Trump và bà Harris sẽ có cuộc tranh luận”.
9. VietTimes (Ngày 25/7/2024)
Tựa: Cha mẹ của bà Kamala Harris là ai? Họ đã truyền cảm hứng cho ứng viên tổng thống Mỹ như thế nào?
Báo viết: “…Năm 1962, ông Donald J. Harris, gốc Jamaica, và bà Shyamala Gopalan, đến từ Ấn Độ, gặp nhau khi còn là sinh viên tại Đại học California, Berkeley và nhanh chóng có cảm tình với nhau…
Ở bên kia thế giới, ông Donald J. Harris đã quyết định theo học tiến sĩ với sự hỗ trợ của một học bổng danh giá”.
Khi viết “ở bên kia thế giới”, có lẽ tác giả bài báo muốn nói về nước Mỹ. Nhưng tác giả cần hiểu rằng khi nói về cụm từ này, người ta chỉ hiểu nó có nghĩa là cõi âm mà thôi. Chẳng lẽ ở cõi âm mà cũng theo học tiến sĩ ?!
10. Người Việt (Ngày 19/8/2024)
Tựa: Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề ở Quảng Ninh nhảy lầu tự tử
Báo viết: “Trường Cao đẳng nghề Việt-Hàn ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, vừa loan báo phát hiện thi thể ông Vũ Đức Minh, hiệu trưởng trường, tại khuôn viên trụ sở chính ở phường Hoành Bồ, hôm 19 Tháng Tám.
Báo Thanh Niên dẫn tin ban đầu cho biết khoảng 1 giờ 15 phút trưa cùng ngày, nhân viên bảo vệ của trường nghe tiếng động từ tòa nhà 19 tầng. Khi tới hiện trường, nhân viên bảo vệ thấy một ông nằm bất động trong tình trạng đa chấn thương, áo quần rách nát liền báo sự việc tới ban giám hiệu để trình báo Công an”.
Một cái tựa đầy chủ quan. Tác giả bài báo không thấy tận mắt thì dựa vào đâu mà bảo ông hiệu trưởng nhảy lầu? Ông ấy bị kẻ khác đẩy xuống thì sao?
Về cái chết của ông hiệu trưởng này, bảo Tuổi Trẻ viết “tử vong tại trường”, báo Tri Thức & Cuộc Sống viết “rơi nhà cao tầng, tử vong”, báo VOV viết “tử vong bất thường” và báo Dân Việt cũng viết “tử vong bất thường”.
Thiết nghĩ, cách viết của các báo trong nước như vừa nêu về cái chết của ông hiệu trưởng là khá khách quan, có cân nhắc. Còn từ “nhảy lầu” mà báo Người Việt sử dụng là quá vội vàng, thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là khi cái chết của ông hiệu trưởng còn trong vòng điều tra. Không nên cầm đèn chạy trước ô tô!