Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông chủ tập đoàn Việt Phương buông mảng y tế sau hai năm Covid?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Ông chủ của VPG đã đăng ký bán toàn bộ 40,29 triệu cổ phiếu, tương đương 17% vốn điều lệ của Tổng Công ty Dược Việt Nam – Vinapharm

 

Ông chủ Tập đoàn Việt Phương đã quyết định tài trợ cho tỉnh Đắk Nông 1,2 triệu USD để thuê tư vấn nước ngoài tư vấn chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản tin trên báo điện tử Đắk Nông hôm 21-4 đưa tin, từ sự tài trợ về kinh phí đó, tỉnh Đắk Nông sẽ thuê các chuyên gia tư vấn nước ngoài Mckinsey để nghiên cứu các báo cáo đánh giá, tiến hành các chuyến thăm thực địa, làm việc với liên doanh tư vấn lập quy hoạch tỉnh.

Các chuyên gia sẽ phối hợp với các nhà tư vấn tổng thể, từ đó, đưa ra ý tưởng đột phá vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như chiến lược đầu tư của tỉnh.

Trên cơ sở này, đội ngũ chuyên gia sẽ lấy ý kiến của tỉnh Đắk Nông để thống nhất các ý tưởng đột phá dựa trên những phản hồi trong quá trình tham vấn.

Bản tin khá ngắn gọn và người đọc sẽ dễ thắc mắc vì sao Tập đoàn Việt Phương lại hào phóng đến vậy?

Với giới đầu tư trên sàn chứng khoán thì cái tên Việt Phương (VPG – Việt Phương Group) là không xa lạ, khi ông chủ của Tập đoàn này còn cả một hệ sinh thái rải đều ở nhiều lãnh vực từ khoáng sản, bất động sản, năng lượng, dược phẩm & y tế, cảng biển…

Tháng 9/2011, ông chủ của VPG bắt đầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Vị doanh nhân quê Bắc Ninh đã được bầu vào hội đồng quản trị VietABank từ trước đó vài tháng, sau loạt lùm xùm liên quan đến việc mang cổ phần của chính nhà băng này đi cầm cố vào năm 2010.

Hồ sơ đầu tư cho thấy ngoài Việt Phương Group, “đế chế” của ông trùm này còn có nhiều “group” khác như: Capella Group, Infinity Group và LEC Group. Nhóm doanh nghiệp này đang có vốn góp khá lớn vào cảng tổng hợp Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Phú Thái (Hải Dương), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Hồi quý 3 năm ngoái, sau hơn chục năm ngồi ghế chủ nhà băng, ông chủ của VPG đã ‘nhường’ ghế Chủ tịch hội đồng quản trị VietABank cho người cháu ruột thế hệ 8X. Vài tháng trước đó nữa, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội chấp thuận đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á. Số lượng cổ phiếu niêm yết là 444.963.567 cổ phiếu, tương đương giá trị chứng khoán giao dịch là hơn 4.449 tỷ đồng.

Đầu năm nay, VietABank phát hành 95 triệu cổ phiếu để chia cổ tức theo tỉ lệ 21,35%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21,35 cổ phiếu mới. Và trong cú áp phe trên sàn chứng khoán này đã mang về cho ông chủ của VPG là 4,3 triệu cổ phiếu VAB trong lần chia cổ tức này, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 24,5 triệu đơn vị.

Trong một diễn biến khác đang có ngờ vực là dáng dấp từ chuyện làm ăn mùa dịch giã Covid, ông chủ của VPG đã đăng ký bán toàn bộ 40,29 triệu cổ phiếu, tương đương 17% vốn điều lệ của Tổng Công ty Dược Việt Nam – Vinapharm – Mã chứng khoán: DVN.

VPG cho biết, giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, từ ngày 1/4 – 29/4/2022, mục đích nhằm ‘tái cấu trúc danh mục đầu tư’.

Tin tức cho hay ngày 23/3 vừa qua, DVN đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại của năm 2020 bằng tiền mặt với tỉ lệ 5,7%. Như vậy, về nguyên tắc thì VPG vẫn có thể nhận gần 23 tỉ đồng tiền cổ tức từ DVN trước khi thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

VPG trở thành cổ đông chiến lược của DVN từ năm 2016 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá. Cụ thể, DVN đã bán 40,29 triệu cổ phần cho VPG với mức giá thỏa thuận bằng mệnh giá, tương ứng 402,9 tỉ đồng. Đáng chú ý, số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm kể từ ngày 8/12/2016 – ngày DVN được cấp giấy chứng nhận chuyển sang hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần. VPG cũng là cổ đông lớn thứ hai tại DVN, chỉ sau Bộ Y tế (với tỉ lệ sở hữu 65% vốn điều lệ).

Ngoài ra, DVN cũng còn một cổ đông gần lớn khác, đó là Công ty cổ phần Sam Holdings (Mã chứng khoán: SAM), sở hữu lượng cổ phần tương đương 4,98% vốn điều lệ.

Nói thêm, Tổng công ty Dược Việt Nam là doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu ngành dược phẩm Việt Nam nhưng lợi nhuận khá thấp so với 1 số doanh nghiệp cùng ngành. Ví dụ, năm 2020 và 2021, DVN đều có doanh thu lớn hơn Dược Hậu Giang, nhưng lợi nhuận sau thuế chưa bằng 1/3 lợi nhuận của Dược Hậu Giang.

DVN đang quản lý, sử dụng một số khu đất như lô đất 95 Láng Hạ (Hà Nội), lô đất số 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), diện tích 2.670 m2, đã hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC để xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư (Dự án PVV – Vinapharm Tower); lô đất hơn 1.800 m2 ở số 12 Ngô Tất Tố (Hà Nội), lô đất 178 đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) diện tích 1.235 m2, sử dụng theo hợp đồng thuê đất từ năm 1996 đến 2046; lô đất số 126A đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM) diện tích 691 m2…

Không chỉ DVN mà các công ty con, công ty liên kết của DVN cũng nắm giữ nhiều đất “vàng”.

Ông chủ của VPG từng là một chính khách như Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ucraina, Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII.


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam đánh mất lợi thế chống dịch ra sao

Phan Thanh Hung

VNTB – Không ưu tiên cái lâu dài, lại xài cái tức thời…

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng vô can? (*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo