VNTB – Không ưu tiên cái lâu dài, lại xài cái tức thời…

VNTB – Không ưu tiên cái lâu dài, lại xài cái tức thời…

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Ứng dụng PC-Covid hoàn toàn “thua xa” hai ứng dụng VN-eID và Sổ Sức khỏe điện tử

 

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin Truyền thông cho biết,  “thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã thống nhất sử dụng chung 03 ứng dụng.

(1) Ứng dụng PC-Covid do Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng, là ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

(2) Ứng dụng VN-eID do Bộ Công an quản lý, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

(3) Ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng, do Bộ Y tế quản lý, là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

Theo thông tin trên, có thể dễ dàng nhận thấy, VN-eID và Sổ Sức khỏe điện tử là hai ứng dụng có cùng mẫu câu “tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội”.

Về xác nhận định danh người dân, đã có VN-eID; về quản lý thông tin sức khỏe cá nhân, cũng như có thể dễ dàng khai báo y tế, kiểm tra chích ngừa Covid19, đã có Sổ Sức khỏe điện tử.

Thêm vào đó, PC-Covid chỉ là ứng dụng được phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Xét về chức năng, xét về thời gian sử dụng được thông báo cũng như thời gian ứng dụng ra đời, sự quen thuộc của người dân, PC-Covid hoàn toàn “thua xa”  hai ứng dụng kia. Vậy thì việc ra đời của PC-Covid liệu chăng là hành động thừa thãi?

“Nếu đem so với ứng dụng cấp thành phố là Y tế HCM, thì một ứng dụng được đầu tư cấp quốc gia như PC-Covid còn thua hẳn ứng dụng cấp thành phố. Có thể bạn thấy lạ, ủa mình thấy cấp quốc gia nó nhiều chức năng hơn mà. Khác nhiều, vì PC-Covid được đầu tư theo chỉ đạo, còn các ứng dụng khác thì quy định rằng: ‘Đồng thời đề nghị các địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng phòng, chống dịch khác, thống nhất sử dụng chung ứng dụng phòng chống COVID-19 để tránh gây rắc rối cho người dân’…”, một bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.

“Đồng ý là sử dụng chung 3 ứng dụng, song có một thực tế, nhiều nơi, chỉ sử dụng mỗi PC-Covid. Điều đó liệu có đi ngược lại với thông báo? Tôi muốn vô siêu thị, lúc trước còn có thể quét mã QR bằng Zalo, sau đó khai báo rồi vào. Nếu không có điện thoại thông minh, tôi có thể viết giấy.

Nhưng chỉ một tuần sau trở lại siêu thị, buộc người dân phải khai báo thông qua ứng dụng PC-Covid ngay từ cửa. Mà siêu thị nằm tầng trên, khai giấy cũng tầng trên. Không khai PC-Covid thì không cho vào. Mà tôi thì xài điện thoại bình thường. Thống nhất ứng dụng để tiện cho người dân nhưng lại vô cùng bất tiện”, bức xúc khi bị buộc phải khai báo bằng PC-Covid, một người dân kể.

Với ít nhất hai phản ứng dễ bắt gặp ở trên, thêm vào đó ứng dụng PC-Covid lại được tuyên truyền rằng đây là ứng dụng thống nhất được sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Vậy thì câu hỏi được đặt ra: Thay vì tốn tiền để tạo ra ứng dụng mới, sau đó là tốn thời gian, “khấu hao” máy móc để cài ứng dụng mới là PC-Covid, chức năng tương tự những ứng dụng đã có, lại là xài chỉ để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, vì sao không nâng cấp những tính năng của các ứng dụng đã có sẵn để tiện cho người dân hơn?

Nếu nói đây là chỉ đạo từ Thủ tướng trong việc thống nhất ứng dụng để người dân dễ dàng sử dụng, không sai. Nhưng, với tư cách là phó thủ tướng đồng thời là phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (khoảng thời gian dài trước đó, ông là trưởng ban), suy nghĩ cho ngân sách cũng như nên dùng nguồn tiền đó đầu tư vào hệ thống y tế khi các tỉnh thành mở cửa lại, sống chung với dịch, ông Vũ Đức Đam hoàn toàn có thể kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề nên nâng cấp, hoặc sử dụng luôn cái đã có, bởi dầu sao, ứng dụng cũng chỉ để chủ yếu nhằm mục đích khai báo và “show” cái gọi là thẻ xanh covid.

Ông Đam lại không làm như thế, liệu rằng, có ẩn giấu gì bên trong hay chăng? Dù có hay không đi chăng nữa, không ưu tiên xài cái lâu dài, lại lựa chọn cái tức thời, xem ra, hoàn toàn không hợp lý tí nào…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)