Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Hữu Thỉnh có giúp tổ chức Đảng vững mạnh?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Nhà thơ Hữu Thỉnh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.

 

Những tán tụng trên sàn diễn chính trị

Báo chí đưa tin, tối 8-5-2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh và chương trình nghệ thuật “Nhà thơ Hữu Thỉnh – Sức bền của đất”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh.

Theo tường thuật thì phát biểu tại buổi lễ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định Hữu Thỉnh mang hồn thơ nồng đượm trữ tình, đậm nhạc tính, nhịp điệu.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét nhà thơ Hữu Thỉnh đã “mang tới thi ca Việt Nam một giọng thơ riêng biệt, làm nên con đường thi ca mang tên của chính mình”.

Trong phát biểu đáp tạ, ông Hữu Thỉnh đại khái nói rằng phần thưởng cao quý được nhận lần này sẽ tiếp thêm động lực, quyết tâm để nhà thơ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học nước nhà.

Gác qua cảm xúc, hãy theo luật mà hành xử

Cá nhân tôi nghĩ rằng các tụng xướng như kể trên qua tường thuật của báo chí cho thấy rất rõ một điều là họ không chịu tìm hiểu trước coi quy định về tiêu chuẩn ra sao mới được xét trao Huân chương Độc lập hạng Nhì?

Thứ nhất, Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26-11-2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14-6-2005, tại Điều 37, ghi:

1. “Huân chương Độc lập” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

2. “Huân chương Độc lập” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 25 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng ba phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 20 năm trở lên.

Thứ hai, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng:

“Điều 23. “Huân chương Độc lập” hạng nhì

1. “Huân chương Độc lập” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phạm khuyết điểm lớn, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng và chức vụ tương đương, Phó bí thư tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương 1 nhiệm kỳ (từ 3 đến 5 năm);

b) Tham gia hoạt động liên tục trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (từ 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975), có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phạm khuyết điểm lớn, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ:

Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Bộ trưởng và chức vụ tương đương, Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương, 1 nhiệm kỳ (từ 3 đến 5 năm);

Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng và chức vụ tương đương, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương, liên tục 2 nhiệm kỳ (từ 8 đến 10 năm);

c) Tham gia hoạt động liên tục trong thời kỳ chống Mỹ (từ 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975) hoặc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay), đã có nhiều thành tích xuất sắc, không phạm khuyết điểm lớn, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ:

Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Bộ trưởng và chức vụ tương đương, Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương, 2 nhiệm kỳ (từ 8 đến 10 năm); hoặc được phong quân hàm Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân từ 5 năm trở lên;

Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng và chức vụ tương đương, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương, 3 nhiệm kỳ (từ 13 đến 15 năm);

d) Có thành tích, có công trình, tác phẩm xuất sắc có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ở một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các lĩnh vực khác, được cấp có thẩm quyền công nhận, đề nghị;

đ) Người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích xuất sắc đối với Nhà nước Việt Nam được các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận, đề nghị”.

Ông Hữu Thỉnh là người góp phần khiến Đảng bị suy yếu

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ 4-5-2022 đến 10-5-2022, trong phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Như vậy, với việc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh cho thấy Đảng đã nói không đi đôi với làm, khi vào đầu tháng 5-2015, giới văn chương chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử : gần 20 văn sĩ – trong đó có nhiều cây bút tên tuổi – tuyên bố rút khỏi Hội Nhà văn, tổ chức chính thức duy nhất cấp quốc gia của những người sáng tác văn chương.

Khi ấy, nhà thơ Ý Nhi nhắc lại chuyện bà đã chính thức gửi đơn rút tên ra khỏi hội này từ năm 2002: “Tôi bất tín nhiệm Tổng thư ký, tôi cảm thấy anh Hữu Thỉnh là người không trung thực cho nên chữ tôi dùng “Biến hình trùng” là cái chữ chính xác của một nhà thơ Hà Nội nói về anh là đúng, tức là người nay nói tròn mai nói méo, mốt nói dài làm mình có cảm giác một người như thế mà lãnh đạo một cái hội mà mình tham gia thì tôi thấy nó xúc phạm tới cá nhân mình”.

“Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy.

Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.

Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút.

Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà Văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015” – trích tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Quang Lập…

Trước đó, trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5-5-2015, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam là ông Hữu Thỉnh đã đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP.HCM với lý do họ tham gia Văn đoàn độc lập.

Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và những lỗ hổng

Do Van Tien

VNTB – Tổng bí thư nương tay với ông Phùng Xuân Nhạ?!

Do Van Tien

VNTB – Vì sao lại e ngại Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị?

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Văn Bảo 10.05.2022 11:39 at 11:39

Sao quốc gia VN không làm hồ sơ đề nghị với quốc tế trao giải NoBen văn chương cho Nguyễn Hữu Thỉnh mà chỉ trao huân chương hạng 2 cho ông ta. Đọc bài viết tôi thấy ông ta xuất sắc độc nhất vô nhị trong giới văn chương Việt Nam cơ mà.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo