Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Lưu Bình Nhưỡng phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Trường Sơn

(VNTB) – Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc trục lợi hàng trăm ngàn đô la Mỹ

Quyền lực chính trị của một cựu dân biểu đến đâu để mà dễ dàng phạm tội?

Cuối giờ chiều ngày 26-12-2023, Công an tỉnh Thái Bình đã phát hành thông cáo báo chí cập nhật về tin tức liên quan vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng. Toàn văn thông cáo như sau:

Ngày 26-12-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ-CSĐT, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 05/QĐ-CSĐT đối với Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật hình sự. Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Đây là diễn biến trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thụ lý, ngày 14-11-2023 đã khởi tố bị can đối với Lưu Bình Nhưỡng về tội Cưỡng đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho thấy: Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm nghìn đô la Mỹ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án; đồng thời mở rộng điều tra vụ án, đảm bảo xử lý toàn diện, triệt để đúng quy định của pháp luật”.

Bàn luận về tội danh trên, luật sư N.L.P. thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần làm rõ yếu tố “trục lợi” ở cáo buộc đối với cựu dân biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Phân tích pháp lý quen thuộc lâu nay thì ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” được hiểu là hành vi khách quan của người phạm tội dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn quyền hạn làm một việc thuộc trách nhiệm, hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ, hoặc làm một việc không được phép làm.

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mối quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Nếu chỉ dùng ảnh hưởng trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, họ hàng, bạn bè… không liên quan gì đến chức quyền hạn thì không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Lý lịch ghi công khai trên trang web của Quốc hội, thì ông Lưu Bình Nhưỡng là Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: khóa XIV, XV (đến 11/2023); Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ khóa XIV (đến 11/2023); Đại biểu Quốc hội: Khóa XIV.

Quá trình công tác của ông cũng khá ngắn gọn: Giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Năm 2010: Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

Tháng 6-2016 : Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên rồi Ủy viên Thường vụ Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ. Đến ngày 17-9-2018: Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Công việc của một chính khách có chức “Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV” là gì?

Ban Dân nguyện được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác Dân nguyện. Đây là cơ quan thường trực tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; làm đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri; tham mưu giúp Ủy ban thường vụ quốc hội giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo…

Như vậy, liệu có phải ở chức trách chuyên môn trên nên ông Lưu Bình Nhưỡng đã ‘nhúng chàm’ trong tiếp nhận hồ sơ dân nguyện nào đó; hay ở đây là ông ấy chủ động ‘ngã giá’ cho các mặc cả mang tính trục lợi?

Trên thực tế, quyền lực của Ban Dân nguyện ở Quốc hội lâu nay thuộc “có tiếng nhưng không có miếng”, và chủ yếu mang tính dân chủ hình thức giúp ‘xả xì trét’ công luận trước bức bối nào đó của xã hội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bầu ngược?

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuống đường biểu tình mừng thắng lợi của bầu cử Quốc hội khóa XV

Phan Thanh Hung

VNTB – Cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia trục lợi từ 8 chuyến bay giải cứu tù nhân

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo