Nguyễn Nam
(VNTB) – “Không giới thiệu người xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu… vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.”
“Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước” – ông Trần Quốc Vượng từng phát biểu nhấn mạnh như vậy lúc còn là Thường trực Ban Bí thư.
Giảng viên Khoa Đông Nam Á học tại Đại học Mở TP.HCM, ông Đinh Kim Phục nhấn mạnh rằng, “đại biểu Quốc hội là bàn về quốc kế dân sinh chớ không phải nịnh lãnh đạo để giữ ghế”.
Vậy thì thế nào sẽ được coi là “nịnh lãnh đạo”?
Tham gia thảo luận ngày 29/3 tại hội trường Diên Hồng về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, tường thuật của báo chí quốc doanh cho biết, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) khẳng định trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại và là biểu tượng của niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc.
“Mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Câu khen tặng ở trên là một điển hình của xu nịnh bất chấp sự thật, vì kể từ sau chuyến công cán ở Kiên Giang vào tháng tư, 2019, dân chúng – đặc biệt là cử tri Hà Nội gần như không thể tiếp xúc với đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều sự kiện chính trị có nghi thức mang tính truyền thống “viếng lăng Bác”, người dân cũng không thấy hình ảnh hiện diện của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Gần đây nhất, các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Thông báo với cử tri 3 quận, ông Trần Quang Đạo, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc quận Tây Hồ cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng do bận công tác nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri.
Tuy nhiên tin tức về hoạt động của lãnh đạo Đảng Nguyễn Phú Trọng trên trang web báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ở tuần đầu tháng 3, đã không đưa bất kỳ tin tức nào về hoạt động nào có thể gọi là “bận công tác” của ông Nguyễn Phú Trọng. Tương tự, ghi nhận trên Thông Tấn xã Việt Nam vào các ngày đầu tháng 3-2021 cũng không thấy tin tức về Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, kể từ tuần cuối tháng 4-2019 đến tận hôm nay, ngoại trừ Hà Nội, người ta chưa thể tìm thấy tin tức nào liên quan đến các chuyến vi hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Do đó, hiểu thuần theo ‘nghĩa đen’ của “mỗi khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu…”, cho thấy vị đại biểu đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã khen tặng không đúng sự thật, qua đó có thể đưa đến nhiều suy diễn bất lợi, là vì có công nịnh nọt nên ông Ngọ Duy Hiểu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Báo chí từng đăng, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, phát biểu tại hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…”.
“Kiên quyết Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm…” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12, tháng 5/2020.
Ông Ngọ Duy Hiểu hiện là phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.