VNTB – Nước Mỹ chi 42 triệu Mỹ kim cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

VNTB – Nước Mỹ chi 42 triệu Mỹ kim cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Nguyễn Nam

(VNTB) – Ở miền Nam Việt Nam 45 năm về trước, người dân quen thuộc với logo ‘bắt tay Việt – Mỹ’ của tổ chức gọi là Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, tiếng Anh: United States Agency for International Development, viết tắt: USAID, là một đơn vị thuộc chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, được giao việc điều hành viện trợ dân sự cho nước ngoài.

Mãi đến năm 1989 USAID mới trở lại Việt Nam với Chương trình hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, thông qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ Vô gia cư và Trẻ mồ côi. Đến năm 2000, USAID Việt Nam mở văn phòng điều phối tại Hà Nội. Năm 2007, Văn phòng Đại diện của USAID Việt Nam được thành lập, và tới năm 2010, thì Văn phòng này trở thành Phái đoàn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phối hợp với Chính phủ Việt Nam, USAID tiếp tục thúc đẩy hội nhập thị trường sâu rộng hơn nữa, thông qua hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Tin tức mới nhất liên quan đến chuyện hỗ trợ, đó là việc USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ngày 15/4 đã tiến hành ký trực tuyến thỏa thuận 42 triệu USD nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái khởi nghiệp và củng cố nguồn nhân lực.

Phát biểu về thỏa thuận vừa được ký, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết: “Thỏa thuận này thể hiện cam kết không ngừng của Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trở thành một nền kinh tế bao trùm, đổi mới sáng tạo và cởi mở hơn. Thông qua hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đảm bảo rằng hỗ trợ phát triển của USAID sẽ đáp ứng tầm nhìn chung của hai nước về một Việt Nam thịnh vượng và độc lập”.

Có ít nhất hai vấn đề đặt ra từ phát biểu của ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink: Thứ nhất, người Mỹ có cách hiểu ra sao về cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong các văn kiện của đảng cộng sản Việt Nam? Liệu khu vực kinh tế tư nhân mà USAID ‘rót’ đến vài chục triệu Mỹ kim để giúp ‘tăng cường năng lực cạnh tranh’, vẫn sẽ phải đáp ứng theo ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà tiểu ban soạn thảo văn kiện đảng cho Đại hội 13 sắp tới đang chấp bút?

Thứ hai, ‘một Việt Nam thịnh vượng và độc lập’ như lời của ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, có phải là một Việt Nam không còn phải chịu lệ thuộc/ phụ thuộc vào Trung Quốc cả về nền kinh tế, cho tới ‘lép vế’ chính trị mặc dù cùng là đảng cộng sản giữa Bắc Kinh với Hà Nội?

“Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể về tăng trưởng kinh tế hướng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, các vấn đề về quản trị nhà nước và khả năng cạnh tranh vẫn là những thách thức tiềm tàng cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

USAID hỗ trợ Việt Nam cải thiện khuôn khổ pháp lý và các quy định để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập. Thông qua hợp tác trực tiếp với Chính phủ Việt Nam, khối tư nhân và các bên liên quan khác, USAID hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và dựa trên nền tảng pháp quyền và phù hợp với các thị trường và tiêu chuẩn quốc tế. Những hỗ trợ này bao gồm hỗ trợ tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy sự tham gia của người dân trong qúa trình xây dựng chính sách công có liên quan đến hoạt động thương mại và điều hành kinh tế” – https://www.usaid.gov/vietnam/economic-growth-and-trade

Tuyên bố với đoạn trích ở trên, có thể xem là câu trả lời cho cả hai vấn đề ‘thắc mắc’ như vừa đề cập.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)