(VNTB) Khi một sự độc quyền thấy được sự cạnh tranh, nó lồng lộn lên và bắn đầu cắn xé mọi thứ không hề suy tính.
Petrotimes – tờ báo điện tử thuộc Hội Dầu khí Việt Nam nhưng luôn có những bài mang tính chất Đỏ, đỏ cả về cách sử dụng ngôn từ, đỏ về cả cách mà họ tấn công đối tượng.
Hội nhà báo Độc lập Việt Nam vừa ra đời nhưng đã được trang tin nhanh Petrotimes ưu ái đề cập 2 lần trong một thời gian ngắn. Mới đây lại được Petrotimes tấn công trực diện qua bài viết Ngụy Độc lập.
Petrotimes và Hội nhà báo Độc lập: Ai “ngụy độc lập”?
Một mô-tip thường thấy ở những bài viết nhằm biểu đạt “tình trạng tự do báo chí tại Việt Nam” là thường đem số lượng tạp chí, hội viên, nhà xuất bản… ra để minh dẫn. Và Petrotimes cũng không ngoại lệ, cụ thể báo dẫn chứng: sau 64 năm, Hội Nhà báo Việt Nam có trên 18.000 hội viên làm việc tại 800 cơ quan báo chí…
Thực ra, Petrotimes đã trích dẫn thiếu. Đúng ra phải là 906 cơ quan báo chí; trong đó có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia, 95 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử; trên 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ.
Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc Petrotimes cố tình không hiểu một điều là sự biểu đạt về mặt báo chí, trong đó sự tự do – độc lập trong tìm kiếm sự thật và trung thực ngòi bút còn quan trọng hơn những con số đầy ấn tượng sau 64 năm đó. Bởi những con số đó chỉ là một phần của sự phát triển báo chí, nó không phản ánh đầy đủ về quyền tự do – độc lập trong báo chí tại Việt Nam. Nếu bản thân nền báo chí chỉ có số lượng mà đánh mất tính tự do – độc lập cần có thì nó chỉ là công cụ tuyên truyền đơn thuần của một tổ chức, đảng phái đang muốn lũng đoạn thông tin mà thôi.
Tiếp đó, Petrotimes cho rằng, Hội nhà báo Độc lập là của một số người không-phải-nhà-báo, không công tác ở cơ quan báo chí nào? Tôi tự hỏi, tại sao Petrotimes lại biết rõ về điều đó, nhất là dám chắc Hội viên Hội nhà báo Độc lập không phải-là-nhà-báo?
Rõ ràng, Petrotimes đủ khôn lỏi để dùng câu chữ “dòm ngó”, “soi kính lúp”, nhưng lại không có đủ dẫn chứng rõ ràng để củng cố câu phán xét “cũng không thấy ai là người có quá trình hoạt động báo chí ra tấm ra món, đủ chuẩn để vào hội cả”.
Làm báo ở Petrotimes dễ dàng đến vậy sao? Không cần bất kỳ dẫn chứng cụ thể nào mà chỉ cần một sự quy chụp vu vơ? Hay Petrotimes tài giỏi đến mức để truy được từ tên người gia nhập và biết các bút danh của họ trên các mặt báo sao? Hay là vì Petrotimes đang cuống quá hóa liều, dẫn đến sự hời hợt trong nội dung bài viết, không có một lập luận chặt chẽ, chỉ biết tự suy – tự diễn với những quan điểm yếu đuối nhằm cho ra đời một bài viết đả phá Hội nhà báo Độc lập theo chỉ đạo?
Chưa kể, nếu quan niệm của Petrotimes theo kiểu khuôn rập là nhà báo phải-là người đang-công-tác trong các cơ quan báo chí tại Việt Nam thì đó là cách Petrotimes cố tình áp đặt và hiểu sai lệch trầm trọng về nghề báo, khi cố tình gán ghép khiên cưỡng giữa cá nhân người viết báo và tổ chức sinh hoạt nhà báo. Càng sai lệch trầm trọng hơn nữa khi Petrotimes cố tình không hiểu rằng, ngay từ khi ra đời, Hội nhà báo Độc lập đã xác định trở thành cơ quan sinh hoạt của anh em nhà báo, tạo điều kiện tốt nhất cho anh em phản ánh lại những khiếm khuyết của nên xã hội – chính trị quốc dân, khác hẳn đường lối báo chí mang tính tuyên truyền cứng nhắc, rập khuôn của nhà nước.
Vì vậy, Hội nhà báo Độc lập không giấu ý định trở thành hội chuyên nghiệp về báo chí, góp phần làm nên một xã hội dân sự với tư cách là một tổ chức dân sự, lấy một phần cảm hứng từ Câu lạc bộ (CLB) nhà báo tự do – vốn là CLB có hành vi phổ biến quyền tự do báo chí, phản kháng nền báo chí tuyên truyền. Việc thành lập Hội là thể hiện khát khao, nhu cầu, nguyện vọng ngày càng mở rộng về quyền tự do, độc lập báo chí tại Việt Nam.
Chính cái nhu cầu bức thiết đó, chính nền tảng tạo mọi điều kiện cho quyền tự do – độc lập trong báo chí của Hội nhà báo Độc lập sẽ đảm bảo một tương lai không xa, trang báo có được đẳng cấp quốc tế. Đẳng cấp quốc tế đó bao hàm tính sự thật của báo chí được tôn trọng và không bị can thiệp, tính cạnh tranh về mức độ thông tin, không vùng cấm dẫn đến quyền thông tin của người dân được đảm bảo một cách tốt nhất. Hội sẽ đưa tờ báo trở về đúng bản chất của nó – đó là quyền lực thứ tư của xã hội để ngăn cản sự lạm quyền trong xã hội, đưa công bằng pháp lý trở về đúng vị trí của nó.
Đó cũng là điều mà báo chí quốc doanh với 18.000 hội viên sau 64 năm vẫn chưa làm được. Lý do nằm ở chính vòng kim cô mang tên Tuyên giáo. Chính cái vòng đó đã “ưu đãi” những khoản tù đày cho anh Nguyễn Văn Hải, cho nhà báo Trương Duy Nhất như Petrotimes đã tự hào nêu ra.
Báo chí không tự do là báo chí bịt bịt miệng
Albert Camus từng đề cập: “Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do, báo chí chỉ có thể là xấu.”
Chính vì thế, một lần nữa, 906 cơ quan báo chí; trong đó có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia, 95 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử cung cấp thông tin; trên 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ có ý nghĩa gì nếu chỉ là những con số vô hồn, nơi những bài viết được chỉ đạo sát sâu, những bài viết được đặt hàng. Nơi những bài viết về tham nhũng khi chạm với quan lớn phải rút xuống; nơi mà nhà báo phải bị chỉ đạo về nội dung, tư tưởng vào buổi giao ban đều đặn đầu tuần; nơi mà từng có thời gian những nhà báo tâm huyết phải thậm thụt viết về chủ quyền biển đảo với Hoàng Sa – Trường Sa; hay cuộc chiến tranh bảo vệ Biên Giới năm 1979? Hội nhà báo Việt Nam hiện tại với số hội viên khổng lồ đã và đang bị chịu sự chi phối của một nhóm người thuộc Ban Tuyên giáo, vậy hội đó độc lập kiểu gì? Tự do với ai? Hội đó đã làm gì để bảo vệ nhà báo Võ Thanh Tùng, Hoàng Khương, Nguyễn Đắc Kiên… khi họ mất việc, tù đày vì muốn thực thi vai trò tiên phong của báo chí trong chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền?
Báo chí quốc doanh Việt Nam hiện nay đang gặp phải chứng bệnh nan y: Có tai- như điếc; có mắt-như mù; có miệng – như câm. Bệnh nan y này càng trở nặng hơn khi báo chí chạm vào các chủ đề thuộc lĩnh vực chính trị quốc gia trong đó bao gồm sự tham nhũng; sự lạm quyền trong hệ thống chính trị. Một căn bệnh mà chính người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam (Nguyễn Ái Quốc) đã từng chỉ ra trong chương IX – Bản án chế độ thực dân Pháp; nhưng nay lại núp dưới cụm từ đẹp đẽ “Định hướng báo chí và tự do báo chí trong khuôn khổ”.
Chính vì mắc phải căn bệnh “bịt miệng” trầm kha đó, cộng thêm sự cố tình không hiểu cái nghĩa độc – lập tự do trong báo chí, cố tình quên mất nền báo chí Cách mạng Việt Nam vốn được khởi xướng từ những trăn trở về nền báo chí “lệ thuộc và kiểm duyệt” mà Nguyễn Ái Quốc từng chỉ ra, đã dẫn đến việc Petrotimes suy diễn một cách thô-thiển, tùy tiện rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang “độc lập” với nhân dân, với đất nước… Đó là sự bôi-nhọ trắng trợn, là hành vi lắp ghép câu từ bỉ-ổi nhất.
“Việt Tân” hay cơ hội mở miệng?
Cuối cùng, con bài “Việt Tân” lại được đem ra xài như một minh chứng cho sự cùn và đuối hơi lý lẽ. Đây vốn là con bài phép dùng để biện hộ cho những sai trái, yếu kém, sai phạm, quan liễu, tham nhũng… do tổ chức Đảng gây ra, nay trở thành con bài để biện hộ cho cái “độc lập, tự do” báo chí quốc doanh. Một trạng thái đổ tội vô căn cứ xuất phát từ những mơ hồ – hoang tưởng có mục đích.
Nhưng Petrotimes và một số tờ báo đang bảo vệ cho nền báo chí “tự do – độc lập” của Đảng đang quên rằng, con bài Việt Tân đang trở thành trò cười của nhiều người và nó vô nghiệm từ lâu. Cách tốt nhất là Petrotimes nên chuyển sang: Mĩ Tân, Trung Tân, Hàn Tân, Nhật Tân… thì có khi nó lại có hiệu lực hơn.
Cũng xin nhắc lại, không biết Petrotimes có còn nhớ đến câu nói bất hủ của ông cựu Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khi phê bình báo SGTT là: “Vì sao báo tiếp thị mà lại đi viết chuyện chính trị?”
Đó là sự khốn quẫn của một nền báo chí “độc lập – tự do” mà Petrotimes đang cố tình bưng bít, bảo vệ đấy. Nếu thay chữ SGTT bằng Petrotimes thì liệu “quý báo” sẽ trả lời ông Cựu Bộ trưởng Tài Chính – hiện là Trưởng ban Kinh tế T.Ư – như thế nào?
Sẽ không có câu trả lời nào cả, vì bản thân Petrotimes và hơn 800 tạp chí còn lại đang mắc vào vòng tròn kiểm duyệt dẫn đến thiếu sự tự do – độc lập trong viết bài. Đó cũng chính là lý do tại sao mà Hội nhà báo Độc lập cần phải ra đời. Ra đời để phá vỡ cái thế độc quyền thông tin, bưng bít thông tin. Đó cũng là cách để cho báo Petrotimes có cơ hội được mở miệng ra, dõng dạc trả lời về quyền tự do – độc lập báo chí của chính mình.
Liên Sơn
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.