Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phá rừng làm hồ thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận

Thới Bình

(VNTB) – Hệ lụy của việc mất rừng dễ thấy nhất và cũng thấm thía nhất là dẫn đến thảm họa lũ lụt do “nhân tai” chứ không còn là “thiên tai” nữa.

 

Sau khi rừng được đốn hạ để nhường đất cho hồ thuỷ lợi Ka Pét, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Tiếp theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ trồng hơn 1.844 ha rừng thay thế với kinh phí 177 tỷ đồng.

Căn cứ pháp lý cho tiến trình tóm lược trên, theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, vì đây là dự án đã được Quốc hội có quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26-11-2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Tức nơi giữ quyền lập pháp đã phê chuẩn.

Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 520 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng.

Vẫn theo chính quyền tỉnh này, hồ chứa nước Ka Pét có ý nghĩa cung cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Ngoài ra hồ chứa nước còn giúp tỉnh Bình Thuận phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Khi hồ làm xong sẽ giúp tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận.

“Dự án hồ Ka Pét là mong muốn của bà con từ nhiều năm qua. Công trình hoàn thành là nhân dân vùng hưởng lợi sẽ không còn lo lắng về vấn đề nước cho sản xuất, cho sinh hoạt mà hàng năm cứ đến mùa khô là chồng chất nổi lo, vì không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và cuộc sống” – trích văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận.

Phản biện dễ hình dung nhất ở đây về chuyện được – mất cùng hệ lụy liên quan là hãy so sánh từ chuyện… thủy điện.

Theo một tài liệu của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), thì tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến khoảng 200 ha rừng bị mất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học vì tiếng ồn của các nhà máy, dự án làm đứt gãy nhiều con đường di cư của động vật.

Riêng dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ngày 30-10-2008 được cấp phép xây dựng với công suất lắp máy 11 MW trên sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha.

Năm 2016, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với dự án này. Trong lần điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án được thay đổi từ Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3. Tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên gần 409 tỉ đồng. Dự án được thay đổi công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng theo đó nâng lên hơn 46,25 ha.

Sau hai đợt tiến hành thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2016 và  2019), UBND tỉnh đã thu hồi tổng cộng 46 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý là 44,4 ha. Đất sông ngòi, kênh rạch, suối là 1,7 ha. Như vậy, một thủy điện với công suất 13 MW đã khiến 44,4 ha diện tích đất rừng trong khu bảo tồn bị mất.

Tương tự, tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh thông tin theo quy hoạch của Bộ Công Thương, trên sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định có đến 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW. Trong đó có đến 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã và đang triển khai.

Một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết để xây dựng các công trình thủy điện trên đã có hàng trăm hecta rừng đầu nguồn bị xóa sổ, triệt hạ. Chẳng hạn, thủy điện Trà Xom làm mất hơn 633 ha rừng phòng hộ, các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 lấy đi hàng trăm hecta rừng nguyên sinh, thủy điện Vĩnh Sơn 2 làm mất hàng trăm hecta rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai.

Phá rừng làm thủy điện, và phá rừng làm thủy lợi đều có chung một điểm là khiến diện tích rừng ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Hệ lụy của việc mất rừng dễ thấy nhất và cũng thấm thía nhất về những thiệt hại mất mát tai ương, là dẫn đến thảm họa lũ lụt do “nhân tai” chứ không còn là “thiên tai” nữa.


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam trước bờ vực làn sóng Covid-19 lần thứ tư

Phan Thanh Hung

VNTB – ​Hồ sơ: Vụ án Tamiflu

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần chấm dứt coi ‘dịch’ là ‘giặc’ để doanh nghiệp còn có thể làm ăn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo