Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phái đoàn thương mại của tiểu bang Washington đến Việt Nam

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Văn phòng Thống đốc tiểu bang Washington (Mỹ) đến thăm Hà Nội và Sài Gòn từ ngày 8 đến ngày 12-04-2024.

 

Thông tin báo chí cho biết hoạt động của phái đoàn bao gồm các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Việt Nam, thăm các cơ sở sản xuất và trung tâm đổi mới, gặp các nhà lãnh đạo văn hóa và giáo dục đại học, cũng như các sự kiện kết nối doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm. Phái đoàn bao gồm Bộ trưởng Thương mại tiểu bang Michael Fong, Bộ trưởng Nông nghiệp tiểu bang Derek Sandison, Văn phòng Giám đốc Quản lý Tài chính David Schumacher, các Thượng nghị sĩ tiểu bang Joe Nguyễn và June Robinson, và các Nghị sĩ tiểu bang My-Linh Thai và Steve Tharinger.

Đại diện từ các ngành giáo dục và các ngành công nghiệp khác nhau cũng sẽ tham gia vào phái đoàn.

Các công ty của tiểu bang Washington có mặt tại Việt Nam gồm Amazon, Microsoft, Boeing, Brooks và SSA Marine. Trong năm 2023, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của tiểu bang Washington khi tính cả các sản phẩm nông nghiệp như táo, lúa mì và sữa.

Có hơn 90.000 người Việt Nam và người Mỹ gốc Việt hiện đang sống tại tiểu bang Washington.

Theo Văn phòng Thống đốc, những người tham gia sẽ dành hai ngày rưỡi tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Họ sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam và thăm các cơ sở sản xuất nhằm tăng cường thương mại và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo.

Phái đoàn Thương mại tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa tiểu bang Washington và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, lâm nghiệp, hàng hải, cũng như một lực lượng lao động ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) mạnh mẽ. Trong khi đó, phái đoàn Nông nghiệp tập trung vào việc mở rộng kết nối kinh doanh, quảng bá các sản phẩm nông sản của Washington và tìm hiểu thêm các cơ hội ở thị trường Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ và làm việc với đại diện Bộ NN-PTNT Việt Nam ngày 8-4 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp tiểu bang Washington, ông Derek Sandison cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của tiểu bang, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 là 157 triệu USD cho các các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu là táo, sản phẩm từ sữa, lúa mì, hải sản, cherry, khoai tây chiên, thịt bò…

Ông Derek Sandison đề nghị  Việt Nam giảm thuế hoặc dỡ bỏ thuế quan với một số sản phẩm nông nghiệp để đưa những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá cả phải chăng của Mỹ như táo, rượu vang, cherry đến cho người Việt Nam.

Đáp lại,  Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Hoàng Trung “đề nghị tiểu bang Washington tạo điều kiện cho các cán bộ trong ngành nông nghiệp Việt Nam được sang đào tạo sau đại học tại các trường đại học của Washington“; “đề nghị Microsoft hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình chuyển đổi số và đóng góp các khuyến nghị để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Xoay quanh mối quan hệ hợp tác Mỹ – Việt, ngày 4-4-2024 (giờ địa phương), tiếp theo Chương trình Lãnh đạo cao cấp năm 2024 (VELP, Boston), tại thủ đô Washington DC, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái đã gặp Cố vấn cao cấp về chính sách khí hậu quốc tế John Podesta và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein.

Tại cuộc gặp với ngài John Podesta tại Nhà Trắng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện các cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Ngài Podesta cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong phát triển năng lượng sạch, hạ tầng lưới điện bền vững, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo. Cố vấn cao cấp về chính sách biến đổi khí hậu quốc tế John Podesta tại Nhà Trắng cũng khẳng định tiếp tục trợ giúp Việt Nam về tài chính và kỹ thuật thông qua các cơ chế đa phương, trong đó có JETP.

Theo ghi nhận, quan hệ chính trị ngoại giao Mỹ – Việt ngày càng được củng cố, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi động. Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ… tiến triển tích cực, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là điểm sáng, điển hình là dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày càng tăng…

Các lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn được hai bên quan tâm thúc đẩy.

Tuy nhiên theo nhận xét của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, thì các công ty của Mỹ mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ cần có môi trường pháp lý, được tiếp cận nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy một cách dễ dàng hơn, có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được cung cấp bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy. Họ cũng cần lực lượng lao động công nghệ cao. Các vấn đề này cần được giải quyết trong thời gian từ 12 đến 18 tháng tới đây.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tin ai?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ukraine tịch thu tài sản tập đoàn dầu khí Nga

Trương Thế Tử

VNTB – Làm gương

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 12.04.2024 5:24 at 05:24

“nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy một cách dễ dàng hơn, có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được cung cấp bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy. Họ cũng cần lực lượng lao động công nghệ cao”

Việt Nam mún có được những thứ này thì cần Trung Quốc . Nên chăng thỏa thuận với Trung Quốc để tạo ra những thứ này trước, sau đó mới để Mỹ vô

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo