Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phải làm gì để học trò được quyền đi học, thưa Chủ tịch nước?

Mai Lan

 

(VNTB) – Chủ tịch nước: ‘Không để một trẻ em nào mất cơ hội học tập vì đại dịch’.

 

“Quyết tâm cho năm học 2021 và xa hơn của tất cả chúng ta, không riêng gì ngành Giáo dục, là không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam, vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và nhân dân” – trích bức thư với tiêu đề “Niềm tin và hy vọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2021 – 2022”.

Thưa Chủ tịch, cần phải làm gì để niềm tin không một trẻ em nào bị thất học vì đại dịch Covid được thực thi?

Dường như bộ phận thư ký báo chí khi soạn bức thư này với nhân danh Chủ tịch nước, có nội dung phù hợp với đăng báo cho cổ đọng chính trị, hơn là viết gửi đến học trò.

Đơn cử ở đoạn dưới đây, nếu không chú thích là trích từ bức thư nói trên, sẽ nhầm lẫn sang việc lược thuật của thể loại báo chí:

“Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa với các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội cùng cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động với ngành giáo dục vì tương lai đất nước, vì tương lai con em chúng ta”.

Lẽ ra ở đây, bức thư cần nhấn thêm một cam kết về việc làm cách nào để không một trẻ em nào bị thất học vì đại dịch Covid như hiện tại – sở dĩ gọi là hiện tại, vì thực tế ngay tại TP.HCM, nơi được coi là trung tâm văn hóa của cả nước, đang có hơn 75.000 học sinh không có điều kiện học online.

Nói về năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhìn nhận, đây là một năm học khó khăn, học sinh phải thực hiện hình thức học trực tuyến ngay từ đầu năm học. Việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp, bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều phụ huynh phản ánh muốn mua thiết bị điện tử cho con em nhưng không có nơi bán hoặc muốn sửa nhưng không có nơi sửa. Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM, sau khi các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện việc rà soát thì có khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến và bậc tiểu học thì có khoảng 8,5%.

Cụ thể trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet.

Còn ở bậc tiểu học, theo cán bộ phụ trách của sở này, số liệu thống kê đến sáng ngày 3-9, cụ thể trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 591.764 học sinh đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, và số học sinh không đủ điều kiện học trong thời gian này là 53.349 học sinh. Trong số học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến thì theo sở rà soát có 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…

Thưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với những số liệu cụ thể ở trên của TP.HCM, theo ông thì ngoài chuyện hô hào trong các diễn văn, chúng ta cần phải làm gì để chính ông tiếp tục niềm tin không một trẻ em nào bị thất học vì đại dịch Covid?


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam muốn sở hữu công nghệ vũ khí sinh học?

Do Van Tien

VNTB – Ai đang làm khó vắc-xin Nanocovax?

Phan Thanh Hung

VNTB – An dân

Phan Thanh Hung

1 comment

Anonymous 04.09.2021 9:21 at 09:21

Ong noi cho xom tu thoi ma, cu di sau qua chu tit buc minh bay gio?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo