Phạm Viết Đào
Phạm Chí Dũng bị tòa sơ thẩm thành phố Hồ Chí Minh kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế; Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Anh Tuấn bị kết án 11 năm tù, 3 năm quản chế; Cả ba anh đều bị Tòa kết tội vi phạm Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. …
Các tội danh mà tòa sơ thẩm TPHCM về các hoạt động của Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Anh Tuấn;
Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy là những người tham gia thành lập Hội Nhà báo Độc lập; Hội này được lập và ra đời sau “Văn đoàn độc lập” do nhà văn Nguyên Ngọc khởi xướng. Phạm Chí Dũng xưng nhận chức danh là Chủ tịch còn Nguyễn Tường Thụy là Phó Chủ tịch của Hội Nhà báo độc lập…Sản phẩm của Văn đoàn độc lập là trang web “Văn chương Việt”, còn sản phẩm của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là tờ “Việt Nam Thời báo”; đây là trang mạng được điều tra kết luận là blog…Còn Phạm Thành chưa được đưa ra xét xử nhưng chắc rồi cũng bị khép vào khung hình phạt trên vì anh công bố một số bản thảo có nội dung chỉ trích, phê phán đích danh ông Nguyễn Phú Trọng…
Theo báo Công an TP Hồ Chí Minh đưa tin dựa theo cáo trạng: “Từ năm 2014, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó, Dũng nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên đã khởi xướng thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”.
(http://congan.com.vn/…/pham-chi-dung-bi-tuyen-an-15-nam…)
Theo dõi trang blog này thấy Phạm Chí Dũng gần như là cây bút chủ lực thường lên tiếng về những vấn đề chính tri-kinh tế, các quan hệ đối nội đối ngoại của Việt Nam; Còn Nguyễn Tường Thụy thì viết ít hơn mà chủ yếu anh tham gia hoạt động thăm hỏi các dân oan, các tù nhân lương tâm trước và sau khi mãn hạn tù…
Sự ra đời của các hoạt động của “Văn đoàn độc lập” và “Hội Nhà báo độc lập” trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ Barack Omaba-Joe Biden; Trong một chuyến thăm Việt Nam, Obama đã có một phát biểu nổi tiếng tại một cuộc gặp sinh viên đại ý: Ngày nào tôi cũng bị báo chí Mỹ phê phán, chỉ trích và nhờ thế mà nước Mỹ mạnh lên…Không biết kỳ này Biden làm tổng thống ông còn nhớ tới các chuyến thăm và tiếp khách Việt Nam và câu Kiều ông từng lẩy:” Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”…
Sự ra đời của “Văn đoàn độc lập”, “Hội Nhà báo Việt Nam độc lập” cùng với 2 trang blog: “Việt Nam Thời báo” và “Văn chương Việt” là thời kỳ Việt Nam được Tổ chức thương mại thế giới WTO đồng ý kết nạp. Do việc Tổ chức Thương mại thế giới WTO đồng ý kết nạp Việt Nam, trong đó có một điều khoản Việt Nam cam kết với tổ chức này của Liên hiệp quốc: Nhà nước cho phép thành lập các tổ chức đoàn thể tư; không nằm trong hệ thống chính tri do Đảng CS Việt Nam lãnh đạo…
Như vậy, đứng về phương diện tổ chức, việc một số anh chị em sốt sắng thành lập ra hai tổ chức tư nhân nay là dựa vào cam kết pháp lý được Nhà nước Việt Nam công nhận là hợp pháp, cam kết với Liên hiệp quốc. Không biết có phải do vì có sự cam kết này nên trong bản án dành cho Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy, cơ quan chức năng chỉ nhắc tới các nội dung của các bài viết mà không đề cập tới việc họ thành lập tổ chức, hội đoàn; Thường ở Việt Nam việc các cá nhân, hội nhóm thành lập hội đoàn thường bị trấn áp, khép tội nặng vì các cơ quan an ninh cho rằng đây là mầm mống của “ đa nguyên, đa đảng”, đe dọa và uy hiếp quyền lãnh đạo tuyệt đối, độc tôn của Đảng CS Việt Nam.
Việc tờ báo công an TPHCM cho rằng: Việc một số người đứng ra thành lập “Hội nhà báo độc lập” do bất mãn chính trị là không đúng bản chất sự việc cũng như hành vi của nhóm người đứng ra thành lập tổ chức này. Do việc nhà nước đồng ý cho các cá nhân được thành lập các hội, đoàn thể là cam kết của Nhà nước Việt Nam với Liên hiệp quốc, và có sự cam kết này thì Liên hiệp quốc mới đồng ý kết nạp Việt Nam vào Tổ chức thương mại thế giới WTO?
Tôi có đọc một số bài của Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy thấy nếu kết tội họ là phần tử bất mãn, chống phá chế độ làm giảm uy tín của Đảng Nhà nước thì thiếu sức thuyết phục. Nếu là người bất mãn thì giỏi lắm chửi đổng được vài câu; Còn nói là họ tuyên truyền chống phá chế độ, nhà nước thì đây là những khái niệm, phạm trù cần được bàn trao đổi vì những bài các anh viết đều được người đọc cho là loại thông tin phản biện; Vì họ có hiểu sâu sắc và có trách nhiệm với thông tin thì mới phản biện được. Đám dư luận viên hưởng tiền ngân sách thấy lên mạng có phản được gì đâu mà chỉ thấy chửi đổng.
Về hình thức thì các bài viết trên trang blog “Việt Nam-Thời báo” do một nhóm người của tổ chức Hội Nhà báo độc lập, tự thành lập; Nếu họ vi phạm pháp luật như kết án thì tại sao các tờ báo của nhà nước không viết bài tranh luận, phê phán chứng minh rằng những thông tin đó là vi phạm pháp luật, vì hoạt động của các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy là thông tin trên không gian mạng chứ họ không buôn lậu vũ khí, heroin, phát tán virus ra cộng đồng hay các vật chất gây nguy hiểm cho nhà nước, chế độ…Cơ quan công an có các tổ chức thanh tra, điều tra giữ gìn trật tự công cộng sao không áp dụng các hình thức hành chính trước khi xử lý hình sự khi Hiến pháp công nhận quyền tự do ngôn luận của công dân!
Đọc các bài viết trên trang này các cây viết thường dựa vào một thông tin nào đó, một sự kiện chính trị xã hội họ đưa các ý kiến bình luận, thậm chí phê phán, chứng minh bằng chính kiến của cá nhân. Hoạt động thông tin này thường được gọi là phản biện, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có lần kêu gọi trí thức, cá nhà báo, văn nghệ sĩ tham gia phản biện các chủ trương, chính sách, các quyết sách của nhà nước để Chính phủ có biện pháp quản lý sát đúng.
Bản thân tôi từ năm 2012 có lần làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Công an ( A 83), tôi đã đề đạt với lãnh đạo cơ quan này và được ghi nhận: Là trí thức nhiều khi tôi muốn góp ý với các quyết sách của Đảng và Nhà nước mà theo tôi là không có lợi cho đất nước, thậm chí theo nhận thức là sai; Thế nhưng tôi không biết đưa ý kiến của mình ở đâu? Đưa cho báo chí công khai thì họ không dám đăng; Viết thành kiểu kiến nghị gửi đâu đó thì chưa chắc đã được đọc, bị xếp ngăn kéo thậm chí cọn bị cho là kiện tụng, đòi hỏi quyền lợi cá nhân…Tôi đề xuất nên có một trang Web do Bộ công an làm chủ quản, chỉ cấp thẻ đọc cho một lượng độc giả có trách nhiệm được vào đọc trang này để chúng tôi gửi bài, phát biểu ý kiến của mình. Nếu ý kiến đúng thì tiếp thu, nếu sai thì tranh luận, bác bỏ, thuyết phục trong nội bộ. Chúng tôi chỉ mong suy nghĩ của mình đến được nơi cần đến để đóng góp…Ý kiến này của tôi chỉ được ghi nhận và không được tiếp thu nên tiếp tục tôi đưa ý kiến của mình lên không gian mạng…
Vậy nội dung, tôn chỉ của “Việt Nam Thời báo” theo tôi là muốn chứng minh cái ngõ cụt, nhiều hệ lụy của cái gọi là cơ chế thị trường định hướng XHCN; Việt Nam thời báo đã có một số bài chứng minh nếu tiếp tục theo định hướng đó thì Việt Nam ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, bế tắc và bị đẩy vào quỹ đạo lệ thuộc Trung Quốc dẫn tới mất chủ quyền quốc gia.
Quan sát các đường đi nước bước, cách sắp xếp tổ chức thì theo tôi Đảng CS Việt Nam, Nhà nước Việt Nam bằng đa phương hóa quan hệ đang tìm cách tách dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực; Nếu đúng như vậy thì những bài viết trong “Việt Nam Thời báo” đâu có xuyên tạc chống lại nhà nước? Hay Đảng và Nhà nước Việt Nam khônh muốn xa lìa ĐCSTQ nên các bài viết của Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy là chống chủ trương này? Có điều về phương diện thông tin báo chí thì các bài của Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy nóng rát hơn, cấp bách hơn, trực diện hơn còn các bước đi của nhà nước thì từ từ, từng bước. Như vậy ở đây đặt ra hai lỗi nếu có của Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy:
– Các anh đã hiểu sai, ngộ nhận điều cam kết trong WTO và hiểu sai chủ trương kêu gọi phản biện của Đảng và Nhà nước nên đã phản biện quá đà thành ra bị xếp vào diện chống phá. Cả ba anh đều bị kết án tột khung hình phạt…
– Các anh đã làm rối loạn nhân tâm do việc “ cầm đèn chạy trước ôtô”; Nhân vụ Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy bị xử phạt kịch khung hình phạt khiến cho chúng ta nhớ câu chuyện Dương Tu bị chém trong chiến dịch đánh vào Hán Trung của Tào Tháo thời Tam Quốc. Sau hơn 6 tháng đưa quân và Thục không thu được chiến thắng nào; Đánh thì không được mà lui thì sợ người Thục chê cười…Đang lưỡng lự giữa đánh tiếp hay rút lui, trong một đêm, Tháo ra khẩu lệnh cho quân sĩ “ Kê Cân”, nghĩa là gân gà. Khi nhận khẩu lệnh này, Dương Tư tham mưu cho Hạ Hầu Đôn cho quân sửa soạn tư trang rút lui. Dương Tu giải thích cho Hạ Hầu Đôn hiểu: kê cân là gân gà, nuốt không được mà cứ ngậm thì không béo bở gì cho nên phải nhá ra thôi. Hạ Hầu Đôn liền làm theo ý của Dương Tu…
Chuyện này đến tai Tào Tháo, Tháo tức điên lên vì không ngờ ai đó hiểu được bụng dạ của mình liền bắt Dương Tu chém vì tội làm rối loạn lòng quân giống như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy…Sau đó thì Tào Tháo cho rút quân thật chứ đâu phải do Dương Tu phảo tin fack news. Thực ra Dương Tu bị chém vì đây không phải là lần đầu làm Tháo lo sợ do vì kẻ đó đoán tỏng được tim đen của mình làm mình mất thiêng. Dương Tu là người được Tào Tháo giao kèm cặp Tào Thực; Còn Tư Mã Ý được giao cho kèm cặp Tào Phi…Giai đoạn đầu Tào Tháo rất yêu Tào Thực vì do Dương Tu gà cho những điều hay lẽ phải đột xuất; Còn Tư Mã Ý thì cáo già hơn khuyên Tào Phi phải ứng xử với Tào Tháo thế nào để Tháo tin, không nghi ngờ, kết cục Tào Phi được lên ngôi thái tử, còn Dương Tu thì bị ghét…
Trong Tam Quốc còn có một viên tùy tướng bị chết oan do tội “ cầm đèn chạy trước ôtô” đó là viên tùy tướng trong trận Xích Bích; Trong một đêm trăng trên sông Trường Giang, sau khi đắc chí mắc mưu Bàng Thống, kết nối các chiến thuyền, Tháo cho mở tiệc rượu khoản đãi chư tướng. Cao hứng Tháo đọc bài từ tới đoạn thấy một con quạ đen bay ba vòng trên doanh trại Ngụy, Tháo ứng khẩu:” Quạ đêm đông bay về nam đậu; Bay ba vòng biết đậu vào đâu”…Thấy nhắc đến quạ đen, một viên tùy tướng liền đứng lên can: Ngô-Ngụy đang dàn trận đánh nhau sao Thừa tướng lại nhắc tới điềm gở “quạ đen”…Đang ngà ngà lại bị tên tùy tướng làm bẽ mặt, Tháo quát; Sao mày dám chê thơ tao, lập tức lấy giáo của thuộc hạ đâm chết tùy tướng, là loại tướng tâm phúc chứ có phải loại vừa đâu…Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy phản biện cái cơ chế thị trường định hướng XHCN khác gì viên tùy tướng chê thơ Tào Tháo có điềm gở…
Qua 2 điển tích này cho thấy Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy bị án kịch khung, may mà không bị tội chết như Dương Tu và viên tùy tướng vì dám phơi bày ruột gan, chỗ khó nói của chủ tướng làm chủ tướng mất thiêng kiểu trứng khôn hơn vịt; Thời Tam quốc gọi là tội làm rối loạn lòng quân; còn ngày nay gọi là “tội chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Vụ án Phạm Chí Dũng-Nguyễn Tường Thụy làm cho chúng ta nhớ lại “vụ án xét lại chống đảng” giai đoạn 1967-1968; Đây là giai đoạn đất nước đang dồn sức vào chiến trang thì tại Hà Nội 300 người đã bị bắt trong đó có 30 cán bộ cao cấp như Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Nguyễn Vĩnh, Lê Trọng Nghĩa…
Giai đoạn cuộc chiến tranh với Mỹ lên đỉnh điểm, là năm Liên Xô viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam; Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và nhiều ủy viên BCT khước từ yêu cầu của Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Liên Xô. Thế nhưng trong nội bộ Đảng lại phát động vụ án, cho bắt giam hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng mặc dù họ không liên quan gì tới vấn đề chống chủ nghĩa xét lại, được hiểu là chống ảnh hưởng của Liên Xô…
Có lần tôi có hỏi Vũ Thư Hiên, con trai cụ Vũ Đình Huỳnh: Lý do vì sao cánh Lê Đức Thọ thù ghét ông bố anh thế? Theo Vũ Thư Hiên thì thấy những người bị chụp cho mũ xét lại phần lớn đều là tù bị Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Hồi đó, Lê Đức Thọ được quản tù giao cho chân tự giác, thường ngày làm chân sai vặt cho giám thị. Nhiều hoạt động của nội bộ tù CS bị giám thị phát hiện, ngăn chặn hoặc đề phòng…Nhiều người nghi sự lộ này chỉ có thể từ nguồn Lê Đức Thọ tâu báo…
Giai đoạn 1967-1968 là giai đoạn chuẩn bị cho trận Tết Mậu Thân, chuẩn bị đánh lớn; Hy vọng vào chiến dịch này nên Lê Đức Thọ theo bài học của Tào Tháo khi xưa và của Lâm Bưu sau này:” Thà ta phụ người chớ để người phụ ta” và binh pháp “ Tam tiên”-chiếm đỉnh cao lợi thế trước, nổ súng trước và xung phong trưới để xác lập lợi thế chiến lược cho mình trong các trận tranh giánh quyền lực sắp tới…
Nhân vụ án xét lại chống Đảng xin liên hệ thêm tới cái chết đầy uẩn khúc của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người được ông Hồ Chí Minh tin cậy giao Quyền Chủ tịch nước năm 1946 khi đi Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng mất ở quê năm 1947 nhưng gần đây khoảng chục năm Cụ Huỳnh Thúc Kháng mới được công nhận là liệt sĩ, theo báo chí đưa tin. Nên nhớ năm 1945, khi về Hà Nội trong nước chưa ai biết ông Hồ Chí Minh là ai, để giúp mình ông Hồ Chí Minh mời ông Huỳnh Thúc Kháng ra làm Phó Chủ tịch nước.
Còn chuyện Cụ Huỳnh về quê rồi rồi mất năm 1947 mãi tới sau năm 2000 mới được công nhận là liệt sĩ không thể không làm nhiều người băn khoăn, vì Cụ là Phó Chủ tịch nước…Thông thường cán bộ, quan chức chết trong khi đang tại nhiệm thì được gọi là tử sĩ; Tại sao cụ Huỳnh Được phong là liệt sĩ sau 50 năm? Cái chết của cụ Huỳnh có điều gì uẩn khúc, không bình thường? Nếu chết bệnh do tuổi già sao lại phong liệt sĩ mà sau năm chục năm mới được công nhận?!
Giai đoạn đầu năm 1946, trong Hồi ký của Trần Trọng Kim có viết: để trục xuất quân Tưởng chính phủ Việt Minh đã phải mang vàng hối lộ cho Lư Hán. Một nguồn tin cho biết: Ông Phạm Văn Đồng là người trực tiếp cân 20 kg vàng của tuần lễ vàng giao cho cụ Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng đem hối lộ cho Lư Hán, hồi đó đóng tại bản doanh ở Cửa Nam, gần rạp Kinh Đô sau này. Sau vụ hai ông Chủ và Phó đi hối lộ vàng bọn Tàu về, Tổng Bí thư Đảng CS Đông dương đã lên tiếng trách tại sao không bàn với Đảng. Ông này đã bị cụ Huỳnh mắng át đi là chỉ biết một mà không biết hai…
Trở lại vụ án Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy có ý kiến cho rằng các anh bị hình phạt nặng do trong Đảng có hai cánh: một cánh chủ trương ngả sang phía Mỹ, có phải vẫn bám chắc vào Tàu; bắt nhốt Phạm Chí Dũng-Nguyễn Tường Thụy là một cái tát, răn đe gây bất lợi cho nhóm ủng hộ trương ngả sang phương tây và Mỹ…
Còn đối với trường hợp Phạm Thành thì nhiều người cho là Phạm Thành giống như Nễ Hành, kẻ dám cởi truồng chửi Tào Tháo thời Tam Quốc ngay tại Phủ Thừa tướng; Tháo đã không bắt tội mà còn trọng dụng, cho đi sứ sang Kinh Châu gặp Lưu Biểu; với tính khí của Nễ Hành, Lưu Biểu hiểu thâm ý của Tào Tháo nên đã đẩy Nễ Hành gặp Hoàng Tổ mượn tay Hoàng Tổ giết đi…Liệu Tô Lâm có là Hoàng Tổ để tiếng ác nhỏ nhen lan khắp châu Á suốt hai ngàn năm nay…
Đại hội Đảng hôm nay khai mạc, chắc kỳ này ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm TBT, điều đó có thể kết luận rằng: Phạm Thành có viết một cuốn hay 100 cuốn chỉ trích, phê phán thậm chí cỏ chửi ông thì tôi tin không ngăn được Đại hội Đảng bầu ông làm Tổng Bí thư? Vậy thì ông bảo Tô Lâm nhốt, phạt tù Phạm Thành làm gì để mang tiếng như Lưu Biểu-Hoàng Tổ thời Tam Quốc; Trong khi Tào Tháo lại biết rút kinh nghiệm sau vụ giết Dương Tư và tùy tướng…
Chính cái bọn tia ông ông Kiên Giang làm cho ông suýt mất mạng mới là bọn cần nghiêm trị theo pháp luật. Đến giờ đây vụ đó có vẻ cũng chìm xuồng. Tin vỉa hè cho thấy, hàng ngày ông ở ngay trong khu Đông Hùng Vương, tối tối chị nhà vào thăm ông vài tiếng rồi quay về nhà; Ông không dám tự tiện ngẫu hứng đi đây, la cà đây đó vì sợ chúng nó tia.
Tình cảnh của ông có vẻ cũng chẳng khác chi “cá chậu chim lồng “ như Dũng, như Thụy, như Thành, đâu có được tự do. Đắc cử Tổng Bí thư thêm nhiệm kỳ này, ông nên ban một cái lệnh đặc xá thả Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành và Lê Hữu Anh Tuấn; ông nên cho xem lại vụ án Đồng Tâm…Theo tôi họ không có tội, nếu họ có gây cho ông điều gì đó khiến ông bực mình thì bất quá cũng như Dương Tu, Nễ Hành, viên tùy tướng dám đòi biên tập thơ của Thừa tướng…Ông cũng đang trong cảnh “ cá chậu chim lồng” nên tôi viết đến đây chắc ông hiểu!