Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phát biểu Obama: Thắng lợi lớn cho công đoàn độc lập tại VN?

VNTB: Theo thông tin từ trang Danlambao, vào ngày 8/5, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hiện diện tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon), với một bài phát biểu rất đặc biệt không phải dành cho nước Mỹ mà chính Việt Nam.

Lần đầu tiên, ông Obama dùng thể khẳng định trong đoạn phát biểu để nêu ra vấn đề Công đoàn độc lập: “Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi”.

Ngày 8/5 (theo múi giờ Mỹ) lại chỉ cách VN khoảng một ngày rưỡi sau khi diễn ra sự kiện cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Hà Nội vào ngày 7/5 (giờ VN).

Trước khi cuộc đối thoại được coi là đặc biệt hệ trọng, liên quan mật thiết đến chuyến công du Mỹ dự kiến vào đầu tháng 6/2015 của TBT Nguyễn Phú Trọng, diễn ra, công đoàn độc lập luôn là một điều kiện tiên quyết mà với tư cách là một quốc gia chủ chốt trong Hiệp định TPP, Hoa Kỳ thẳng thừng yêu cầu VN phải tuân thủ.

Tuy nhiên, chủ đề công đoàn độc lập lại rất thường bị phía VN đánh giá như một công cụ nằm trong “diễn biến hóa bình” và tất mang nguy cơ diễn biến đe dọa sự tồn tại của đảng cầm quyền theo cách mà Công đoàn Đoàn kết đã từng tạo ra hiệu ứng chấn động ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Nhưng vào lần này, sự kiện lần đầu tiên tổng thống Mỹ đề cập đến việc “VN sẽ phải có công đoàn độc lập” cho thấy dường như cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vừa qua đã đạt được kết quả nào đó. Cũng có thể, phát biểu của tổng thống Mỹ được căn cứ trên cơ sở một văn bản nào đó (chưa công bố) giữa VN và Mỹ với cam kết của Nhà nước VN sẽ chấp thuận thực hiện công đoàn độc lập ở VN.

Trong vài tháng qua, theo một nguồn tin đáng tin cậy, phía VN hầu như đã chấp nhận điều kiện hình thành công đoàn độc lập do phía Mỹ nêu ra. Cụ thể, công đoàn độc lập sẽ được cho phép ra đời và hoạt động tại cấp cơ sở là các doanh nghiệp (chưa rõ doanh nghiệp thuộc thành phần nào – nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài). Hai vấn đề mà nói theo ngôn ngữ ngoại giao “vẫn còn những điểm khác biệt” mà phía VN chưa đồng ý là tính liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập giữa các doanh nghiệp với nhau, và tính quan hệ quốc tế của công đoàn độc lập tại VN với các tổ chức lao động, nghiệp đoàn quốc tế.

Nếu quả đúng phát biểu của Tổng thống Obama được dựa trên một văn bản thỏa thuận giữa VN và Mỹ về công đoàn độc lập (dù chỉ dự thảo), đây chính là thắng lợi lớn lao của cuộc vận động không mệt mỏi trong những năm qua của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là ở người Việt hải ngoại, cũng là một thành công nho nhỏ trên bàn đàm phán của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu với Nhà nước VN.

Cần nhắc lại, vào năm 2007, Nhà nước VN đã được gia nhập WTO mà hầu như không phải “trả giá” gì nhiều, ngoài việc cởi nới đôi chút không khí nhân quyền. Nhưng chỉ vài năm sau khi được thỏa mãn điều kiện kinh tế đối ngoại, chính quyền VN lập tức bắt giam và tù đày hàng loạt người hoạt động nhân quyền.

Một hiện tượng rất lạ sau đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần này là trong khi báo chí nhà nước nhanh nhảu đưa tin thì cho tới nay trên các đài Việt ngữ chủ yếu như VOA, RFA, BBC, RFI vẫn chưa có bất kỳ một tin tức nào về kết quả cuộc đối thoại trên.

Ngay sau lời phát biểu của Tổng thống Obama về chủ đề công đoàn độc lập ở VN, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng bắt đầu hé lộ khả năng TBT Trọng sẽ được tiếp bởi tổng thống Mỹ.


Tin liên quan: Obama: Không đáp ứng điều khoản TPP, Việt Nam sẽ bị loại

Hoàng Trần (Danlambao) – Muốn được gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà cầm quyền CSVN phải thay đổi chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc tôn trọng quyền tự do thành lập công đoàn của công nhân Việt Nam.

“Nếu Việt Nam, hay bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong hiệp định này không đáp ứng được các đòi hỏi đó, họ sẽ phải gánh chịu các hậu quả tương ứng”, đó là nội dung bài phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 8/5/2015, tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon).

Tuyên bố trên được đưa ra trước thời điểm TBT Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du đến Hoa Kỳ, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng. Trong chuyến đi lịch sử của người đứng đầu đảng CSVN đến nước cựu thù lần này, việc gia nhập TPP được nói sẽ là một vấn đề trọng tâm.

Để cứu vãn nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ sụp đổ, TPP được xem là một chiếc phao cứu sinh mang tính sống còn đối với chế độ CSVN. Dù vậy, việc vi phạm nhân quyền hiện vẫn đang là một cản trở lớn đối với Hoa Kỳ trong việc chấp thuận cho CSVN gia nhập TPP.

Công đoàn tự do

Phát biểu mới nhất của tổng thống Obama một lần nữa cho thấy nhân quyền vẫn đang là trọng tâm trong chính sách bang giao và thương mại của Hoa Kỳ.

Khẳng định TPP là một thỏa thuận thương mại cấp tiến và có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử, tổng thống Obama cũng đã nêu trường hợp Việt Nam làm ví dụ:

“Khi chúng ta xem xét một quốc gia như Việt Nam, vẫn đang trong quá trình đàm phán. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải thực sự thay đổi chính sách và cải thiện tiêu chuẩn cho người lao động.

Họ phải thiết lập được mức lương cơ bản. Họ phải thông qua luật về điều kiện an toàn lao động và bảo vệ công nhân.”

Trong đó, vấn đề thành lập công đoàn độc lập bảo vệ người lao động Việt Nam cũng được vị tổng thống Hoa Kỳ nêu rõ:

“Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi.

TPP sẽ giúp tạo ra sân chơi công bằng và mang lại lợi ích cho người lao động Việt Nam.

Đó chính là sự tiến bộ. Nhưng không có nghĩa là sự thay đổi điểu kiện lao động của công nhân Việt Nam sẽ ngay lập tức ngang bằng với điều kiện ở đây – Nike. Hay ở ngay Portland này. Nhưng đó là mục tiêu đúng đắn mà chúng ta đang hướng đến.”

TPP: Không đáp ứng sẽ bị loại

Tổng thống Obama cũng đưa ra lời cảnh báo trong trường hợp nếu không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của TPP, nhà cầm quyền CSVN sẽ phải gánh chịu hậu quả trừng phạt, hoặc thậm chí bị loại.

“Nếu Việt Nam, hay bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong hiệp định này không đáp ứng được các đòi hỏi đó, họ sẽ phải gánh chịu các hậu quả tương ứng.

Nếu một quốc gia muốn tham gia vào hiệp định này, quốc gia đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao hơn. Nếu không đáp ứng, quốc gia đó sẽ bị loại.

Nếu phá vỡ các quy định, quốc giá đó sẽ phải gánh chịu các hậu quả thực sự. Điều này tốt cho các doanh nghiệp và người lao động tại Hoa Kỳ, bởi vì chúng ta đã có những tiêu chuẩn cao hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới, giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng.”

Video liên quan đến lời phát biểu của OBAMA

             

Tin bài liên quan:

Thượng nghị sĩ bang California lên tiếng về trường hợp Nguyễn Chí Tuyến

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền tự do công đoàn ở Việt Nam: nhanh lắm cũng phải đến đầu năm 2025

Baraju T. Ogelefecejo

(VNTB)-Chọn trả phí công đoàn hay lập Công đoàn độc lập? (Bài 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo