Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phê bình sinh thái- trào lưu mới trong văn chương (Kỳ 3)

Chim Báo Bão

Kỳ 3: Sinh thái trong văn chương Việt Nam
(VNTB) – Khi các học giả phương Tây của trào lưu phê bình sinh thái tiếp cận văn chương Việt Nam, họ đã rất ngạc nhiên. Một đất nước nhỏ bé như thế, lắm tệ nạn như thế mà lại có những tác phẩm văn học thực sự lỗi lạc, đến mức khó  tìm được một bản thứ hai ở nơi nào khác.
   Đất rừng phương Nam…

Đất rừng phương Nam- Đoàn Giỏi

Ở Việt Nam, người lớn ai ai cũng đều nhớ bộ phim Đất rừng phương Nam. Đây là bộ phim cùng tên dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, xung quanh cuộc đời luân lạc của chú bé An. Từ đầu đến cuối khắp câu chuyện thấm đẫm tinh thần sinh thái của miền Nam những ngày đầu lập ấp lập làng. Những cây xoài cao vút, những cây nhãn sum suê quả, dòng sông trong xanh bất tận, tiếng hò ơi trên con đò gỗ, bên dưới là những con cá sấu, những con trăn khổng lồ bò như bay qua cánh đồng ngô, những đàn trâu nước bơi qua sông như vũ bão…Tất cả hấp dẫn, muông thú như chạy đi chạy lại thật trong trang sách. Đất rừng phương Nam là hiện tượng một đi không trở lại trong nền văn học Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu phải gật gù khen rằng Đất rừng phương Nam hoàn toàn có tư cách sánh ngang với những câu chuyện về vùng rừng núi Amazone và  các bộ tộc da đỏ thuở còn nguyên vẹn. Dọc vùng sông nước Đông Nam Á, không thể tìm được một một tiểu thuyết miêu tả thiên nhiên sống động hơn Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Nhiều người khi nhìn về miền Tây bị băm vùi tan nát như ngày hôm nay đã có ý tưởng, rằng nếu một mai sông nước Nam Bộ mất đi thì có thể đọc Đất rừng phương Nam để khôi phục lại nguyên trạng.
Có một điều lạ: Một tác phẩm có tầm vóc như Đất rừng phương Nam, tại sao lại không có trích đoạn nào trong chương trình văn học nhà trường? Đồng ý rằng Đoàn Giỏi không phải là một văn hào, nhưng Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết quan trọng bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Đó thực sự là một kiệt tác, không những vậy câu chuyện phiêu lưu của hai chú bé Cò và An còn có tác dụng giáo dục thiếu niên rất tốt, tương đương với câu chuyện về chú bé giang hồ Tam Mao của Trung Quốc. Những người trưởng thành đều thấy tuổi thơ của mình trong bé Cò và bé An, tuổi nào coi phim Đất rừng phương Nam cũng không thấy chán.  Mong rằng những nhà cải cách giáo dục sớm nhận thức được điều này. Đất rừng phương Nam nhận được sự yêu thích của toàn dân tộc, người của Hà Nội và người của Sài Gòn đều yêu thích. Đó là thiên nhiên, muông thú, con người của miền Tây sông nước. Đất rừng phương Nam xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn ở vị trí trang trọng nhất.
Truyện Kiều – Nguyễn Du

Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu đọc Truyện kiều và các tác phẩm khác của đại thi hào Nguyễn Du bằng phương pháp phê bình sinh thái. Khi môi trường khắp cả nước bị hủy hoại tan nát, nhu cầu tái cân bằng sinh thái tất yếu sinh ra trong giới học thuật Việt Nam.

Các hàn lâm viện phương Tây, nhất là ở những nước thuộc khối Tây Âu, hầu như chẳng bao giờ phong danh hiệu gì cho ai một cách bừa bãi. Khi phong danh hiệu đại thi hào cho Nguyễn Du, họ đã rất cẩn thận.  Họ đọc đi đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Du và thấy dù xét theo tiêu chí nào thì ông cũng là một tư tưởng văn chương, một tác gia kiệt xuất quan trọng của nhân loại, về đạo đức học, về luân lý. Bất ngờ thay, khi xét trên phương pháp phê bình sinh thái thì cũng thấy những vần thơ của Nguyễn Du tả cảnh thiên nhiên hết sức tươi đẹp, ví dụ những câu lục bát trong Truyện Kiều.

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
“Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.”
“Đêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương.”
Tư tưởng của dòng họ danh gia vọng tộc, dân tộc tính của người An Nam yêu thiên nhiên như thế đã được thể hiện trọn vẹn đầy đủ ở trong Truyện Kiều. Truyện Kiều chính là tâm hồn của dân An Nam, là số phận của dân này, theo một nhà nghiên cứu văn học lớn ở Nhật. Khi ông dịch Truyện Kiều, bản địa hóa Truyện Kiều giống như một câu chuyện của Nhật Bản, Truyện Kiều mất đi hết vẻ đẹp. Đó là vì chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Nhật khó hơn rất nhiều so với chuyển ngữ từ tiếng Trung hoặc các tiếng khác sang tiếng Nhật. Bởi lẽ, trong khi tiếng Trung và các tiếng khác hay về thực từ ( những từ tả thực) thì tiếng Việt rất hay về hư từ, đặc biệt là những tính từ mang kèm sắc thái biểu cảm.

Cũng là tả đêm trăng, nước nào cũng có, nhưng cách tả trăng trong Truyện Kiều có tầm cao lỗi lạc:

Đêm khuya gió lọt song đào.
Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời

Ba nét phẩy, một nét xuyệt, đây là vẽ bằng lời chữ Tâm ( ), trong đôi câu thơ lục bát, tác giả vừa tả được đêm trăng, vừa hàm ý nhắc đến chữ tâm (trong Đạo học hoặc trong Phật học), vừa nói được nỗi lòng văn nhân An Nam. Có muốn bắt chước Nguyễn Du trong các tiếng khác cũng không thể được, bởi trình độ sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du có chỗ đã đạt đến mức hòa hợp với thiên nhiên. Trên thế giới, rất hiếm có thi nhân nào làm được như thế, nếu không muốn nói là chưa từng thấy điều này.
Những  từ láy như trong trong, xanh xanh… biểu thị sắc thái của sự vật. Đây là đặc trưng của tiếng Việt, đã được sử dụng ở một trình độ cao trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

“Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
“Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.
Cách sử dụng từ láy linh hoạt để miêu tả các cấp độ khác nhau của sự vật hiện tượng trong thiên nhiên như màu sắc, kích thước, kèm theo sắc thái biểu cảm. Đây cũng là nét đặc trưng trong sử dụng từ của Việt tộc, về mặt này ngôn ngữ Việt vượt so với nhiều dân khác trên thế giới. Truyện Kiều là đỉnh cao của ngôn ngữ Việt Nam,  tiếng Việt đã được chứng tỏ rằng không phải là thứ tiếng man di mọi rợ trong đó. Một nhà văn hóa là Phạm Quỳnh có lý khi nói rằng “Truyện Kiều còn là tiếng ta còn, tiếng ta còn là nước ta còn”.
Hai tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và Truyện Kiều của Nguyễn Du là hai kiệt tác của văn học dân tộc. Thiên nhiên thấm đẫm tình người trong hai tác phẩm đó, là tinh thần mà giới phê bình sinh thái đang muốn nói đến. Là người Việt, chúng ta có quyền tự hào về hai tác phẩm lớn đó.  Như một cẩm nang hữu ích để bảo tồn thiên nhiên, giữa lúc môi trường Việt Nam bị giới tư bản bất lương băm vằm tan nát. 
———————
Xem lại kỳ 1 và kỳ 2:

Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Mùa tư vấn tuyển sinh và nhu cầu có thật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn: Kênh Suối Nhum đang hấp hối

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính sách nhập khẩu ô-tô đang bóp chết ngành công nghiệp ô-tô?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.