Chim Báo Bão
Phần 1: Sự bế tắc của văn minh phương Tây.
(VNTB) – Trong lịch sử nghiên cứu văn học, phê bình sinh thái là phương pháp xuất hiện muộn hơn những phương pháp khác. Sang thế kỷ XX, khi môi trường sống bị đe dọa, người ta mới nhận ra rằng cần phải ứng xử khác với thiên nhiên. Từ đó phê bình sinh thái phát sinh như một tất yếu, đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết mới của văn học.
Ảnh minh họa
Sự khủng hoảng của nền văn minh cơ khí
Khi khoa học phát triển đến mức độ nào đó, người phương Tây thấy rằng con đường phát triển của họ quá nhiều rủi ro: lợi ích do máy móc- kỹ thuật mang lại không đủ bù cho tác hại nó gây ra. Người ta bắt đầu truy vấn kho lịch sử. Nhân loại buổi ban đầu, mỗi lần chặt cây cối là một lần dân trong các bộ tộc thờ lạy , gặp cái cây nào to quá họ đều cúng bái trước khi giơ nhát rìu. Người cổ đại không chặt rừng để làm giàu, nhưng để cho những mục đích thiết yếu như xây nhà mà thôi. Người hiện đại tự nhận mình là văn minh, nhưng khi thế hệ con cháu chịu hậu quả môi trường do cha ông vắt kiệt thiên nhiên thì họ mới nhận ra rằng văn minh đó chỉ là nhãn dán.
Văn minh phương Tây tự hào là cái nôi của triết học suy luận hiện hành trên giới học thuật toàn thế giới. Một đỉnh cao mà các triết gia phương Tây theo đuổi và xây dựng là chủ nghĩa nhân văn, coi con người là trung tâm vũ trụ. Đã có thời người ta tưởng đó đã là lẽ sống tối thượng rồi, nhưng các nhà tư tưởng phương Tây đã phải tự phủ nhận chính mình. Xuất hiện nhiều kẻ nhân danh lợi ích con người chặt trụi những cánh rừng để trồng cây công nghiệp, điều chỉnh dòng nước sông theo ý riêng con người. Hoặc vô tình hoặc cố ý, chủ nghĩa nhân văn được sử dụng tối đa. Cho đến lãnh đủ hậu quả khi cân bằng sinh thái bị phá vỡ đe dọa trở lại chính con người, các nhà tư tưởng phương Tây mới biết rằng chủ nghĩa nhân văn là chưa đủ. Thay vào đó, họ bắt đầu nhận ra rằng để con người sống hạnh phúc thì động vật, chim muông cũng phải được sống.
Những phát minh của loài người, những thứ máy móc kỹ thuật càng tiếp tay cho hủy diệt sự sống của loài người một cách gián tiếp. Phải chăng nhân loại đã tiến đi sai đường? Triết lý và lịch sử dưới cách diễn dịch của phương Tây tại sao lại chậm pha so với thực tế một cách đáng tiếc đến như vậy? Nền văn minh phương Tây càng nỗ lực cải tiến đời sống thì hóa ra càng dẫn đến giảm chất lượng sống, rõ ràng họ bế tắc. Chậm còn hơn không, các nhà tư tưởng, các nhà đạo đức học thời gian này đang đổ công sức vào nghiên cứu ý nghĩa của thiên nhiên như là một cần thắng ga cho “cỗ xe cơ khí”. Họ thấy một mảnh đất để loan truyền những thông điệp đó là văn học. Phê bình sinh thái được đưa vào nghiên cứu văn chương cho mục đích đó.
Sơ lược về Phê bình sinh thái
Danh từ Ecocriticism ( Phê bình sinh thái) xuất hiện sớm ở nền văn học Mỹ vào những năm 90 của thế kỷ XX. Thuật ngữ Ecocriticismlà kết hợp các thuật ngữ ecology(sinh thái học) và criticism ( phê bình). Đứng từ quan điểm này, thiên nhiên được đề xuất để làm tiêu chuẩn, làm thước đo cho đạo lý.
Trải qua hàng trăm năm phát triển, sinh thái học có nhiều định nghĩa nhưng phổ biến nhất là ngành học nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, mối tương tác giữa cơ thể sinh vật sống và môi trường, cây cỏ chung quanh. Ngày nay, sinh thái học len lỏi vào nhiều ngành học khác, trong đó có triết học và văn học- hai ngành nhân văn. Triết học về sinh thái, đạo đức sinh thái được xây dựng càng ngày càng khẩn trương. Phê bình sinh thái dẫn nhập những quan niệm cơ bản nhất của triết học sinh thái-đạo đức sinh thái vào đọc văn học. Cơ sở lý luận dựa vào thiên nhiên. Nghĩa là đối với những mẫu thích hợp, không cần phải lý luận, phân tích gì nhiều, chỉ cần lấy cách thiên nhiên để đánh giá một bản chất đúng/sai, tốt/xấu. Nếu một cá nhân- đoàn thể hủy hoại thiên nhiên hay tiếp tay tàn phá thiên nhiên, dưới bất kỳ hình thức nào, trong thời bình, thì không có gì bào chữa được. Hành động đó ắt hẳn là vô đạo, theo các nhà chủ trương phê bình sinh thái. Nhiều nhà trí thức còn dùng danh từ đạo đạo để chỉ riêng về một thứ phỉ tặc xuất hiện trong thời hiện đại, tức là thứ phỉ tặc đi tàn phá thiên nhiên. Loại tội phạm mới này, tức là đạo đạo, thù định với nhân sinh nhân loại. Chúng núp bóng rất kỹ dưới lý cớ phát triển kinh tế và lại thường nắm quyền lực chính trị, ngoài ra còn hay lợi dụng tình trạng dốt nát hay hèn yếu của những cư dân bản địa. Vừa phải ngăn ngừa chúng bằng các chế tài, luật pháp, vừa phải cung cấp đầy đủ nhận thức cho dân cư để phòng xa. Vì vậy cần trang bị lòng yêu thiên nhiên ngay từ trẻ nhỏ, thông qua các tác phẩm văn học thấm đẫm cỏ cây hoa lá trong nhà trường, và kể cả cho tầng lớp thanh niên.
Khuynh hướng phê bình sinh thái nở rộ khi môi trường sinh thái trên toàn thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng . Các hội nghị khoa học quốc tế hàng năm được tổ chức để bàn về môi trường thiên nhiên trong văn học. Nhiều tổ chức gồm các khoa học gia, các nhà nghiên cứu văn học có trách nhiệm được thành lập. Hiệp hội nghiên cứu Văn học và Môi trường (Association for Study of Literature and Environment- ASLE) thành lập năm 1992; tạp chí Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường ( Interdisciplinary Studies in Literature and Environment- ISLE) xuất bản số đầu tien năm 1993. Nhiều quốc gia đã tạo điều kiện để các trường đại học mở phong trào phê bình sinh thái hàn lâm.
Phê bình sinh thái đang là một trào lưu mạnh mẽ trong giới học thuật. Đây đích thị là trào lưu có sức lan tỏa nhất đối với giới phê bình văn học trong thập kỷ này.
Những người phát động trào lưu đó- phương Tây, nhận thấy rằng trong truyền thống phương Đông có những quan niệm về thiên nhiên cực kỳ minh triết, vượt lên trên khoa học và bao trùm khoa học .
—————–
Kỳ tiếp theo: Phê bình sinh thái trong văn học phương Đông.