Lâm Viên
(VNTB) – Phiên tòa xét xử 100 người Thượng chỉ kéo dài 4 ngày
Tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với 100 bị cáo về tội khủng bố. Phiên tòa đã kết thúc sớm một tuần lễ so dự kiến.
Đây là vụ án có 53 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Hình sự; 45 bị cáo bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố về tội “Khủng bố” theo khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự; 01 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” theo khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự và 01 bị cáo bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Chiều ngày 20-01-2024, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án xử phạt tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt các bị cáo khác mức án từ 09 tháng tù đến 20 năm tù. Ngoài ra Bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Hội đồng xét xử nhận định: tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng; xâm phạm đến an ninh quốc gia, chế độ chính trị, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây hoang mang, bất bình dư luận. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội liều lĩnh, táo bạo, bất chấp đạo lý và luật pháp, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Vì vậy, cần có một Bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe các bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã cơ bản khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải; các bị cáo đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế nên bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Một số bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; có thân nhân là người có công với cách mạng. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt, thể hiện sự khoan hồng, độ lượng của pháp luật Nhà nước ta.
Đối với các bị cáo Y Sôl Niê và H Wuêñ Êban là người chỉ huy, cầm đầu đã lôi kéo, kích động và chỉ đạo toàn bộ các bị cáo khác thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên các bị cáo phạm tội là do bị lôi kéo xúi giục từ các đối tượng ở nước ngoài, đến nay các bị cáo đã nhận thức được sai lầm của mình, tỏ ra ăn năn, hối cải và vì chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước nên Hội đồng xét xử áp dụng loại hình phạt là tù không thời hạn đối với các bị cáo.
Các bị cáo Y Jŭ Niê, Y Thô Ayŭn, Y Tim Niê là các đối tượng cầm đầu, cốt cán, có vai trò tích cực trong việc thực hiện tội phạm; đã cầm đầu, chỉ huy các hoạt động tấn công, chống phá, bạo động vũ trang. Các bị cáo Nay Yên, Y Chun Niê, Y Giốp Mlô, Y Chanh Niê, Y Nơt Siu, là những người thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt, xâm hại sức khoẻ, tính mạng của các cán bộ, chiến sĩ và người dân, đốt phá nhiều tài sản. Tuy nhiên các bị cáo phạm tội là do bị kích động, lôi kéo từ tổ chức phản động bên ngoài, nên cần áp dụng loại hình phạt tù không thời hạn đối với các bị cáo.
Đối với các bị cáo khác, Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 09 tháng tù đến 20 năm tù tùy theo tính chất mức độ, vai trò, hành vi cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của từng bị cáo.
Không có bất kỳ bản án tử hình nào ở vụ án trên.
1 comment
Phiên tòa xét xử khủng bố ở Đắk Lắk kết thúc sớm hơn dự định
Tốt . Đỡ tốn tiền thuế của dân