Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phố của người Sài Gòn và Nam Kỳ

Hồ Phương Trình

 

(VNTB) – Với người Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung thì phố không phải là đường, người Nam nói nhà mặt tiền (đường) thì người Bắc kêu nhà mặt phố, khác nhau xa lắc xa lơ.

 

Với người Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung thì phố không phải là đường, dù người ta có dùng từ ghép “đường phố”. Người Nam nói nhà mặt tiền (đường) thì người Bắc kêu nhà mặt phố, khác nhau xa lắc xa lơ.

Hồi xưa, nửa đầu thế kỷ XX thì từ PHỐ rất phổ biến nhưng giờ thì không còn. Vậy PHỐ là gì với dân Nam kỳ và vì sao từ PHỐ bây giờ ít được dùng?

PHỐ xuất hiện ở nơi thành thị, thị tứ. Hồi xưa hầu hết dân chúng làm nghề nông, chủ điền hoặc tá điền hoặc trung nông. Những người công chức tư chức đi làm văn phòng hoặc thợ thuyền làm hãng xưởng hoặc tiểu thương thì cũng xuất thân từ nông dân. Họ ở quê lên thành phố làm, hoặc với công chức chính quyền thì từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác làm việc tùy sự bổ nhiệm của cấp trên. Vậy những người kể trên họ ở đâu? Họ không có tiền mua nhà hoặc không tiện mua nhà thì họ ở PHỐ.

PHỐ là nhà cho thuê để ở hoặc buôn bán, mà nhà này cất thành dãy sát nhau, mỗi căn một người hoặc một gia đình thuê. Phố có sang có hèn có mắc có rẻ. Sang thì ở nơi sạch sẽ cao ráo vách tường mái ngói hoặc vách ván mái ngói. Nghèo thì vách lá mái lá. Tùy theo sang hèn mà giá thuê mắc rẻ. Phố mà có lầu thì gọi là phố lầu. Nhà cất để ở còn phố cất để cho thuê. Nhà giàu nông thôn là điền chủ ruộng cò bay thẳng cánh. Nhà giàu thành thị thời đó ngoài chủ hãng chủ xưởng thì còn có chủ phố.

Diễn tả như vậy thì chắc ai cũng thấy phố giống như nhà trọ công nhân thời nay vậy. Vì sao tui biết phố là gì? vì tui đọc tuyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đọc hết tất cả truyện của ông, thấy ở Sài Gòn, ở các tỉnh, nơi đâu cũng có phố.

*Ở SÀI GÒN

Truyện “Cười Gượng” viết năm 1935 tả dãy phố thế này:

“Dãy phố thím giáo Điểu mướn mà ở đây chẵn mười căn, hồi trước có tám chủ ở, bây giờ thím giáo mướn một căn nữa, nên được chín, còn trống một căn.

Ở ngoài đi vô gặp căn đầu là căn của thím Hữu ở. Thím này có chồng hồi trước làm cặp rằng[1] coi cho mướn xe kéo, chồng theo vợ bé đi đâu mất hơn một năm rồi, không ai gặp, bỏ thím ở lại với một đứa con trai 12 tuổi và một đứa con gái mới 3 tuổi, thím mua bán rau cải ở bên chợ Bến Thành.

Căn thứ nhì thầy Đội Tiền ở với vợ và năm đứa con. Thầy làm đội đi giấy cho nhà băng ăn lương cũng trọng, ngặt hễ về nhà thì uống rượu say luôn luôn, rồi chưởi vợ mắng con làm rùm cả xóm.

Căn thứ ba là căn của ba Lân ở.

Căn thứ tư thì tám Tính ở. Người này không có vợ con, làm việc với Thành Phố, coi góp tiền thuế bến nước, nên đi sớm về tối, ít hay có ở nhà.

Căn thứ năm thì chú chệt Lùn ở với vợ Việt Nam và năm đứa con. Chú làm nghề bán mì thánh, bữa sớm mơi thì chú ở nhà làm mì, trưa chú mới gánh đi các nẻo đường mà bán cho đến mười hoặc mười một giờ khuya chú mới về.

Căn thứ sáu thì cô ký Hài ở. Cô này chồng chết cô mới 35 tuổi, ở làm thợ may mà nuôi ba đứa con.

Căn thứ bảy thì cô Hoàng Thị Diệm Xuân ở, cô này là người Bắc, chừng 24, 25 tuổi, đứng bán hàng tại một hãng buôn lớn, ăn lương mỗi tháng bốn chục đồng; cô ở với người dì, cô không có chồng, mà lại có đứa con trai chừng 4 tuổi.

Căn thứ tám là căn thím giáo Điểu mới mướn đó.

Căn thứ chín thì bỏ trống.

Còn căn chót thì vợ chồng anh Tám Sửu ở. Anh này làm cu li[2] vác đồ dưới tàu buôn, còn vợ thì bán chè thưng. Vợ chồng có hai đứa con, hễ chồng đi làm, vợ đi bán, thì hai đứa con để cho mẹ giữ.

Đây là kể nói dãy phố phía ngoài, còn vô trong thì có nhiều cái chòi nhỏ với mấy dãy phố lá, cái nằm ngang, dãy nằm dọc, hạng dân nghèo ở chật vật dơ dáy không kể xiết.”

* Ở CHỢ LỚN, truyện Kẻ Làm Người Chịu (1928)

“Xe qua đường Cây Mai, chạy được một khúc rồi, Cẩm Vân đưa tay và chỉ và biểu người đánh xe ngừng ngay số 82. Nàng mở cửa leo xuống, móc tiền trong túi mà trả tiền xe rồi mời Tố Nga vô nhà.

Tố Nga bước xuống thấy có một dãy phố lầu năm căn, mà căn số 82 ở về phía đầu dưới. Hai bên lan can ngoài cửa có để mỗi bên một chậu cau vàng, vì thèm nắng khát mưa nên lá không được tươi tắn. Ngay trước cửa giữa có treo một bức sáo xanh nhỏng nhảnh để cho người đi qua đi lại ngoài đường không thấy được trong nhà. Hai bên cửa sổ có cắm song sắt sơn màu xám, lại có treo màn bằng vải bố trắng kết hợp ren thêu.

…..

Tố Nga ngó Cẩm Vân. Rồi ngó hai khuôn hình miệng chúm chím cười. Chẳng hiểu Cẩm Vân nghĩ thế nào, mà nàng thấy Tố Nga ngó mình mà cười thì nàng cũng cười và nói rằng:

      – Tía em hồi trước có tiệm trà lớn ở đường Gia Long. Tía em về Tàu rồi mất luôn ở bển; má em mới sang tiệm cho người ta rồi mua dãy phố lầu nầy đây.

      – Bác gái mất hồi nào?

      – Mới mãn tang ít tháng nay.

      – Té ra phố lầu nầy của cô hay sao?

      – Thưa phải.

      – Được mấy căn.

      – Năm căn.

      – Cô cho mướn một căn được bao nhiêu?

      – Năm mươi lăm đồng.

      – Phố trong nầy có lẽ cho mướn mắc lắm há?

      – Thưa có người ta mướn luôn luôn, không khi nào mà bỏ trống bao giờ.

——-

Cẩm Vân và cười và bước vô sân. Nàng tưởng Tố Nga ở phố, hoặc ở một cái nhà trệt nho nhỏ, chẳng dè đến đây nàng thấy một cái nhà lầu đẹp đẽ, trước sân có bông có kiểng, hai bên có mận và xoài, bởi vậy trong ý nàng có ý hơi sụt sè ái ngại một chút. Tố Nga bước ra sân mà tiếp khách. Khi vô gần tới cửa, Tố Nga nói rằng: ”Bữa nay trời nắng khô ráo, tôi chắc sao cô cũng ra, nên từ hồi sáng đến bây giờ tôi nằm đọc nhựt trình mà tôi có ý trông cô”. (đoạn này cho thấy rõ phố khác nhà)

*

**Ở MỸ THO, truyện “Tơ hồng vương vấn” viết năm 1955. Đoạn kể về thầy thông ngôn Xuân quê Gò Công, mới ra trường về Mỹ Tho nhận nhiệm sở, tạm ở đậu nhà ông Kinh (cũng là phố) đang kiếm phố ở:

“Thầy đi xem phố hai bên đường, thấy dãy nào cũng tệ quá, phố lá thì nhiều, còn phố ngói thì cũ lại căn nào cũng có người ta ở buôn bán đồ lặt vặt, thấp thỏi, dơ đáy không phải chỗ mấy thầy ở được.

Thầy trở lại cầu Quây rồi đi dọc theo mé sông mà chơi. Thầy vô mấy đường trong có ý kiếm phố trống, té ra dãy nào cũng có người ta ở đủ, không thế gì chen vô được nữa.

Gần 6 giờ, Vĩnh Xuân mới về tới nhà. Tan hầu hồi 5 giờ, nên ông Kinh về đã lâu rồi, ông nằm trên ván coi truyện Tam Quốc Chí, còn bà Kinh đứng dựa bàn têm trầu ăn.

Thầy Xuân bước vô, ông Kinh ngồi dậy hỏi Xuân đi chơi phía nào. Xuân nói thăm trường cũ rồi qua Chợ Cũ kiếm phố, sau trở ra phía nhà ga nữa.

Bà Kinh nói: “Phố bên chợ cũ tệ quá, thầy ở sao được mà kiếm. Còn phía ngoài ga bao giờ có trống mà mong. Tôi biểu để thủng thẳng vậy mà, gấp làm chi. Tôi nghe phong phanh dãy mình đây có một người tính đi, họ về An Hoá. Vậy để đợi họ đi rồi tôi sẽ mướn giùm cho thầy, đặng bà con mình ở gần nhau cho vui”.

Xuân nói: “Nếu được vậy thì tốt lắm”.

Bà Kinh nói: “Phố nầy sạch sẽ lại thị tứ, mà một tháng có năm đồng, rẻ quá”.

**

*Ở CÀ MAU: Truyện “Thầy thông ngôn” viết năm 1926 một thầy thông đổi về Cà Mau, cũng đi kiếm phố để có chỗ ở.

“Lúc thầy Phong được cấp bằng làm thơ ký thì xứ Cà-mau điền địa còn hoang nhăn, nhơn dân thưa thớt. Tại chợ thì cuộc buôn bán tuy thạnh vượng, nhưng phố xá xịch-xạc, phố lá còn xen lộn với phố ngói, mà dầu ngói với lá căn nào cũng cũ, dãy nào cũng thấp, nên coi không có vẻ sung túc như cái chợ ở tỉnh thành.

         Thầy thông Trần Văn Phong xuống tới Bạc-liêu vào trình diện với Quan chủ Tỉnh rồi ngồi ghe mà đi Cà-mau. Quan phó tham biện, ngồi chủ quận Cà-mau đã có được dây thép cho hay trước rằng sẽ có thầy thông Phong xuống giúp việc, chừng thầy vào dinh thì ngài hỏi thăm sơ sài ít câu rồi cho phép thầy nghỉ hai ngày đặng kiếm chỗ ở yên rồi sẽ đi làm việc.

         Thầy thông Phong tới xứ lạ, không quen biết ai hết, nên lấy làm bối rối không biết chỗ nào mà nương ngụ. Thầy muốn dọn một căn phố mà ở, song thầy nghĩ tủ bàn ghế  không có, nếu mướn phố lấy chi mà dọn. Ðã biết mua đỡ ít vật cần dùng rồi dọn nhà sơ sài cũng được, mà có nhà rồi ai đi chợ nấu cơm cho mà ăn.

         Thầy tính tới nghĩ lui rồi mới quyết kiếm nhà ở đỡ một ít tháng rồi sẽ hay. Thầy tỏ ý ấy với thầy ký Của là người chơn chất ôn hòa, thầy thấy thầy thông Phong bối rối thầy cũng muốn rước về nhà thầy, ngặt vì thầy ở một căn phố chật hẹp mà tới bảy tám đứa con, lại vợ thầy mới sanh đẻ còn non ngày, sợ bất tiện cho bạn, nên thầy chỉ nhà bà Phó Mỹ và khuyên thầy Phong lại đó hỏi mà ở đậu, nói rằng nhà bà rộng rãi sạch sẽ, lại có hai mẹ con không có con nít rộn ràng.”

****

Truyện Cười gượng, một điền chủ ở Bạc Liêu lên Sài Gòn mua nhà mua phố:

“Thiệt vợ chồng ông Hương Sư Thiện lên Sài Gòn chuyến này đây là lên đặng mua nhà mua phố. Vả vợ chồng không có con mà mỗi năm góp huê lợi ruộng gần bốn mươi lăm ngàn giạ lúa, nên ăn xài theo thú phong lưu, mà xài cũng không hết một góc tư số huê lợi. Tiền bạc tích trữ mười mấy năm thành ra số lớn, lại cho vay đặt nợ đẻ lời thêm ra nữa.

Nay hai vợ chồng tuổi đã trọng, nghĩ có của mà lục đục dưới tỉnh thì bề ăn ở cực khổ, mà chỗ nghe thấy cũng hẹp hòi.

Bởi vậy mới tính đặt người coi ruộng đất đặng lên Sài-Gòn mua nhà ở chơi cho sung sướng tấm thân. Ông Hương Sư thấy nhựt trình rao bán một cái nhà lầu ở đường Mayer với hai chục căn phố gần chợ Tân Định. Vợ chồng ông dắt nhau lên coi nhà, phố ấy, đều ưng ý hết thảy, nên mấy bữa rày trả giá lên xuống, rồi họ mới nói dứt cái nhà lầu hai chục ngàn, còn dãy phố thì ba chục ngàn, kể về nhà về đất. Vợ chồng Hương Sư đành mua giá đó và đã giao cho quan Chưởng khế lập tờ mua bán cho rành, rồi sẽ ký tên chồng bạc.”

——

“Ông Hương Sư làm được nhân nghĩa, thì trong lòng thơ thới, nên ông cười mà nói rằng: “Việc tôi nuôi con Hảo với hai đứa nhỏ tính xong rồi. Bây giờ tôi còn nói với thím giáo việc này nữa. Tôi mua dãy phố hai chục căn đó, tôi muốn giao cho thím cho mướn và góp tiền giùm cho tôi. Thím ở bên Khánh Hội phố dơ dáy quá, còn bán quán cực khổ mà không lời bao nhiêu. Tôi cho thím một căn phố của tôi đó. Thím về đó ở coi góp tiền phố và muốn mua bán cũng được. Thím góp tiền phố hễ một trăm thì tôi cho thím mười đồng. Nếu phố ở đủ hết thì mỗi tháng thím được huê hồng ba mươi bốn đồng…”

Thời gian trôi qua, dân mướn phố ở lâu thành dân bản xứ, họ mua nhà chứ không còn mướn phố nữa, lần lần thì không còn khái niệm “phố” như hồi xưa nữa.

Dân Sài Gòn và Nam kỳ không có kêu đường là phố. “Phố đi bộ” là từ nhập từ miền Bắc vô, mà cũng được vì trước đây trong Nam chưa có khái niệm phố đi bộ này. Nhưng Chợ vải Soái Kình Lâm, chợ thuốc Hải thượng Lãn Ông có sẵn thì mắc gì đổi thành phố . Ở Sài Gòn có đường có hẻm chứ hông có phố có ngõ!

Ngoài lề về từ ngữ Bắc Nam: Bắc rán, Nam chiên. Bữa ghé tiệm đó thấy thực đơn có gà rán, gà chiên tui mới hỏi hai món này khác nhau sao thì quán trả lời gà chiên là đem gà đi chiên thôi, còn gà rán là tẩm bột rồi chiên như gà rán ở mấy tiệm ăn nhanh kakaka!

_________________

Nguồn: Facebook Hồ Phương Trinh

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đỉnh, Mãi Đỉnh, Đỉnh Điểm ???

Do Van Tien

VNTB – Mặt Trận Ngôn Từ (tiếp theo)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sứ Mệnh Văn Hóa

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo