Kiều Phong
(VNTB) – Có một quán cà phê đặc biệt nằm ẩn mình phía cổng sau của trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Tên quán là “ DLV”, một cơ sở kinh doanh lạ lùng bán những thứ lạ lùng.
Quán DLV, ngang lưng đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Ảnh Kiều Phong -VNTB
Quán cà phê không có khách
Trong trên dưới một trăm quán cà phê ở làng đại học Linh Trung- Thủ Đức, đây là một quán duy nhất chẳng giống ai. Sự lạc loài thể hiện ở ít nhất các điểm sau:
– Là quán cà phê duy nhất ở làng đại học Thủ Đức treo cờ đỏ, nhân viên quán luôn mặc áo đỏ.
– Là quán cà phê duy nhất không ghi địa chỉ. Địa chỉ cũ trên tấm biển bị xóa đi, nhưng địa chỉ mới không được ghi lên.
– Quán không bao giờ treo biển tuyển nhân viên, cũng không nhân viên nào của quán nói với gia đình và xã hội rằng mình là nhân viên của quán.
– Bố cục quán kém thẩm mỹ, nội thất xuống cấp, lác đác vải bạt rơi xuống rất lâu rồi nhưng không được nâng lên.
Đặc điểm thứ năm, sự đặc biệt về tài chính: quán này không bao giờ có khách.
DLV là viết tắt của Dư Luận Viên. Slogan của quán đã nói lên hoạt động tạo thu nhập cho quán: Giải trí- giải nhiệt- “giải độc”.
Không phải ngẫu nhiên mà Quán DLV đặt ngay sau lưng trường đại học thuộc loại đầu não về lý luận như trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (trường hay được gọi là trường Nhân văn). Khác với những trường khác do bộ ngành quản lý, trường Nhân văn do đích thân chính phủ quản lý.
Anh N. một sinh viên năm thứ hai khoa Triết của trường đại học Nhân văn chia sẻ: “ Bây giờ khoa Triết cũng không dám tin tưởng sinh viên do mình đào tạo ra nữa. Tụi nó ( sinh viên khoa Triết) dùng chính lý luận của Marx-Lenin để chứng minh là Marx-Lenin đã sai. Khoa Triết phải mời thầy cô khoa khác về dạy. Quán Dư luận viên mọc ra để đối phó với sinh viên trong trường, chủ yếu là với sinh viên khoa Triết.”
Riêng tại trường Nhân văn, vào đầu mỗi năm học, sinh viên phải kê khai facebook cá nhân. Có được danh sách tài khoản này, hàng ngày các dư luận viên vào thăm dò tư tưởng của các sinh viên trong trường. Nếu phát hiện những sinh viên có tinh thần đa nguyên, dư luận viên sẽ làm báo cáo, một công việc đồng thời với quản lý các khoa. Trong trường hợp “khó bảo”, dư luận viên sẽ báo cáo lên phòng công an chuyên biệt, phòng này gây áp lực trở lại lên khoa, kéo theo những phiền phức mà khoa không hề muốn. Có thể nói rằng, dưới sức ép của đội ngũ dư luận viên, quản lý khoa cũng miễn cưỡng phải làm việc không có trong quy định.
Những cơ quan nào rót tiền nuôi dư luận viên?
Sau vụ dư luận viên gây rối những người dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma năm 2015, tướng Nguyễn Đức Chung tuyên bố “nhóm người trên không thuộc quản lý của Công an thành phố và Ban tuyên giáo”. Phát ngôn của tướng Chung vô tình tiết lộ một sự thật, rằng hẳn phải tồn tại những nhóm dư luận viên được đài thọ bởi Công an và Ban tuyên giáo.
Nếu chỉ dựa vào nguồn tiền từ Công an và Ban tuyên giáo thì khó mà đủ để nuôi con số dư luận viên ngày càng phình to, vì hiện tại số lượng người tiếp tư tưởng tự do của phương Tây đã tăng lên chóng mặt và không dễ gì ngăn cản. Thêm một sự thật dở khóc dở cười được phát hiện: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng đóng góp ngân sách và nhân lực cho lực lượng này. Nghĩa là, đoàn phí của thanh niên Việt Nam bị trích ra đáng kể mà đoàn viên không hề hay biết.
Ngoài ra, tiền thuê trụ sở – “đại bản doanh” lấy từ đâu? Nhà tài trợ chính là Đại học quốc gia TP.HCM. Mỗi mét vuông đất trong khu dịch vụ bao quanh đều thuộc sở hữu của Đại học quốc gia. Thay vì đầu tư cho các dịch vụ dành cho sinh viên hiện đang dưới chuẩn nhân loại, Đại học quốc gia đi cấp miễn phí lô đất cho lực lượng không được pháp luật bảo hộ?
Với nhiều nguồn đài thọ như thế, hiển nhiên quán Dư Luận Viên không cần có khách.
Những thân phận đáng thương
Dư luận viên thật sự yêu chủ nghĩa Marx- Lenin hay không? Bức ảnh sau sẽ “giải ảo” cho tất cả:
Dư luận viên đang chơi bài để giết thời gian-
Ảnh Kiều Phong- VNTB
Bức ảnh cho thấy, trong giờ hành chính, dư luận viên chơi bài để giết thời gian. Ở “công sở” của mình, đây là những công chức cắp dù sáng đi, chiều về .
Trong từ điển nhiều nước, không thể tìm ra từ nào dùng để chỉ lực lượng “dư luận viên” như trong tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Cấu trúc xã hội tiến bộ không chấp nhận nghề này. Ở Trung Quốc, dư luận viên bị gọi là “Đảng viên 50 xu”, ứng với việc mỗi bình luận bảo vệ Đảng Cộng sản trên các mạng xã hội nội địa được trả công đúng 50 xu. Ở Việt Nam, dư luận viên bị gọi là “dân ba củ”, ứng với lương cứng của một tuyên truyền viên này là ba triệu VNĐ/tháng.
Ông Hải, từng là người trong ngành cho hay: “Khi người khác báo cáo vi phạm đối với tài khoản facebook của dư luận viên thì dư luận viên bị trừ lương 100 000 đồng. Tôi nói thế thế, không đứa nào dám cãi, không đứa dư luận viên nào dám comment thêm, tôi cũng từng là dư luận viên nên tôi biết.”
Khi không còn được trả lương nữa, họ sẽ trở nên rất kỳ cục. Ở Trung Quốc cuối thế kỷ XX, nhà nước bất nghĩa không cho dư luận viên vào biên chế, đến khi bị quỵt lương thì họ kéo nhau đi biểu tình. Đây là một nỗi nhục của hệ tư tưởng Marx- Lenin- Mao. Ở Việt Nam, biết bao lần dư luận viên vất vả đi quấy rối, không cho người dân tiến hành các hoạt động tưởng niệm. Vậy mà cấp trên vẫn không thừa nhận họ. Báo Giáo dục Việt Nam, diễn đàn của hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam còn gọi họ là “những đứa con vong ân bội nghĩa”. Khi thấy mình bị vô thừa nhận, những người cộm cán nhất đã quay sang thanh minh rằng họ không phải dư luận viên.
Bộ phận ngồi văn phòng cũng chẳng sung sướng gì. Để đăng những bình luận theo kiểu cãi lấy được, dưới hàng trăm tài khoản facebook, những người này phải ngồi trước máy tính nhiều giờ, cho nên rất mệt mỏi. Một công việc không lý tưởng, có hại cho sức khỏe, với một mức tiền công rẻ mạt và không có tương lai.
Vì vậy, đừng nên căm ghét dư luận viên. Dù hành nghề ở thời đại thô sơ hay thế kỷ điện toán, dù ở nước lớn hay nước nhỏ, họ cũng là những thân phận đáng thương.