Tôn Phi thực hiện
(VNTB) – Tiến sĩ Phan Hồng Giang là con và cháu của hai nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh- Hoài Chân- tác giả cuốn Thi Nhân Việt Nam. Ông từng giữ chức viện trưởng Viện Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Ở tuổi xế chiều, nhà văn-dịch giả Phan Hồng Giang vẫn luôn đau đáu cho tình hình văn hóa và đạo đức của dân tộc. Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn ngắn với ông về chủ đề thoát Á- nhập Âu.
Tiến sĩ Phan Hồng Giang
Tôn Phi: Việt Nam Thời Báo xin được mến chào tiến sĩ Phan Hồng Giang. Việt Nam thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, được nhiều lợi ích nhưng cũng không ít tác hại. Là người quan tâm nhiều đến văn hóa dân tộc, theo tiến sĩ Phan Hồng Giang, dân tộc Việt Nam có nên làm một cuộc thoát Á-nhập Âu như Nhật Bản đã từng làm hay không?
Ts. Phan Hồng Giang: Việc nhiều nước láng giềng nhỏ hơn chịu ảnh hưởng văn hóa Hán là chuyện bình thường và tất yếu. Sẽ là ảnh hưởng xấu nếu nó diễn ra từ sự áp đặt của nước lớn. Nếu nó diễn ra một cách tự nguyện thì sẽ hòa hợp được với văn hóa bản địa. Nhiều ngày lễ vốn có xuất xứ từ Trung Quốc dần dần được Việt hóa với nhiều sắc thái riêng, làm giầu thêm văn hóa dân tộc. Có thể kể đó là Tết Nguyên đán, Rằm Nguyên tiêu, Hàn thực, Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy, Rằm Trung thu…
Tôi không thích dùng cụm từ Thoát Á- nhập Âu vì dễ gây hiểu lầm theo nghĩa đen. Chúng ta đương nhiên vẫn có thể thuộc châu Á nhưng nhập Âu như thường, dưới góc độ là đi theo con đường xây dựng một kinh tế thị trường lành mạnh, một nhà nước pháp quyền “thượng tôn pháp luật”, một xã hội dân sự phát triển.
Theo cách hiểu này thì Việt Nam rất cần noi theo tấm gương của Nhật Bản. Hay gần hơn là Hàn Quốc, Singapore.
Tôn Phi: Dư luận Việt Nam đang phản cảm với những gì liên quan đến nền chính trị của Trung Quốc- là nơi được coi là tiêu biểu của văn hóa phương Đông. Theo tiến sĩ người dân có vì điều đó mà phản đối hay tán thành đề xuất thoát Á- nhập Âu hay không?
Ts. Phan Hồng Giang: Gọi là “dư luận” nhiều khi dễ đồng nghĩa với “đám đông” hay hành xử theo xúc cảm.
Cái dở của chính trị Trung Quốc là chủ nghĩa nước lớn, coi mình là trung tâm của thế giới, “cái rốn của vũ trụ” rồi hành xử theo kiểu bành trướng. Các nước đều dị ứng với thứ chính trị này. Nhưng Trung Quốc còn có thứ chính trị khác đem lại hiệu quả lớn: cải cách mở cửa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đưa Trung Quốc sau hơn 30 năm từ một nước nghèo nàn lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, từ một nước không có dự trữ ngoại tệ thành chủ nợ của nhiều nước lớn.
Chỉ có một cách nhìn tỉnh táo mới có thể chủ động hội nhập vào tiến trình “toàn cầu hóa” theo cách gặt bỏ cái không tốt không phù hợp với văn hóa dân tộc mình để tiếp thu cái hay cái đẹp của thiên hạ, bất kể Đông, Tây.
Tôn Phi: Trong trường hợp dân tộc Việt Nam thoát Á-nhập Âu, liệu sức sạnh toàn cầu hóa có thúc đẩy dân tộc hoàn toàn thoát khỏi những ảnh hưởng xấu của văn hóa của người Trung Quốc hay không ?
Ts. Phan Hồng Giang: Việt Nam đang đi theo con đường xây dựng nền kinh tế thị trường lành mạnh, nhà nước pháp quyền “thượng tôn pháp luật”, phát triển xã hội dân sự. Đây chính là con đường “thoát Á-nhập Âu” hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm này. Điều đó giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa để tiếp thu tinh hoa của thế giới, đồng thời loại bỏ những gì chưa hay, chưa phù hợp với đất nước ta, bất kể là từ Trung Quốc hay là từ nước nào khác.
Tôn Phi: Nước Nhật đã bỏ Tết Âm lịch để theo Tết Tây lịch. Người Việt Nam chúng ta cũng có nên phải bỏ Tết Trung Hoa- cũng là Tết Âm lịch và chỉ ăn Tết Tây lịch? Điều đó có khả thi với nhận thức của người dân hiện nay không?
Ts. Phan Hồng Giang: Nước Nhật đã bỏ Tết Âm lịch để ăn Tết Tây lịch từ hơn trăm năm trước. Điều này xảy ra trong điều kiện ở nước Nhật đã diễn ra mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chỉ sau vài chục năm, Nhật Bản đã có thể đánh bại đế quốc Nga rộng lớn ở châu Âu.
Còn nước ta bây giờ cơ bản vẫn là nước nông nghiệp với gần 80% dân số sống ở nông thôn, nên theo tôi khó có thể bỏ Tết Âm lịch để chỉ ăn Tết Tây lịch. Người Việt Nam nói chung hiện vẫn coi Tết Âm lịch là dịp đoàn tụ gia đình họ hàng gần xa khi xuân về hoa nở, là dịp ăn uống thỏa thuê sau gần cả năm “bóp mồm bóp miệng”. Tết Âm lịch vì thế là dịp để những ai quanh năm làm ăn xa quê hương trở về nhà với người thân.
Tết Âm lịch thích hợp với nhịp sống chậm. Nhưng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra, đã đến lúc người Việt chúng ta giảm bớt thời gian dành cho vui chơi ngày Tết. Không nên từ ngày Táo quân chầu trời- trước Tết một tuần! -đã chẳng còn mấy người lo công việc, rồi sau Tết nửa tháng- sau rằm Nguyên Tiêu!- mới gọi là bắt đầu thực sự vào việc. Gần một tháng trôi qua gần như công việc bị bỏ bê, các hợp đồng, nhất là từ nước ngoài, hầu như không được giao dịch ký kết! Thật là một tai họa cho một nước còn nghèo mà lại ham chơi “quá mức”!
Xin cám ơn tiến sĩ Phan Hồng Giang.