Quang Nguyên
(VNTB) – Nếu có một trường hợp cụ thể chúng ta sẽ biết chỗ nào cần được giải quyết. Dù giải quyết cách nào thì những đối tác cũng có một kết luận cụ thể kèm theo một bước đi tiếp. Và cứ từng bước chúng ta sẽ giải quyết các chướng ngại.
Phóng viên Việt Nam Thời Báo thuộc hội nhà báo Độc Lập Việt Nam ( Hội NBĐLVN) đã phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, qua điện thư, về trường hợp ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội NBĐLVN,và các ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ Tịch, Lê Hữu Minh Tuấn, hội viên.
Ông Vũ Quốc Dụng là Giám Đốc Điều Hành của tổ chức VETO!, được thành lập năm 2013 và có trụ sở ở Đức. Tổ chức này là một mạng lưới các người bảo vệ nhân quyền, tập trung vào xây dựng năng lực, huấn luyện và vận động cho các người bảo vệ nhân quyền. Ông nỗ lực phát huy tính phổ quát và tính bất khả phân của các quyền con người ở mọi nơi.
Trước đó, Ông Dụng hoạt động trong tổ chức International Society for Human Rights (ISHR) trong nhiều chức năng. Hiện nay ông là Tổng thư ký của tổ chức này. Là một chuyên gia về Việt Nam, Ông Dụng đã làm cố vấn và huấn luyện viên cho nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam kể từ năm 2000. Ông là tác giả của nhiều bản báo cáo và bài viết về tình hình của các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số ở Việt Nam.
1/ Nhận định của VETO thế nào về trường hợp của ông Phạm Chí Dũng.
Chúng tôi xem ông Phạm Chí Dũng (PCD) là Người Bảo vệ Nhân quyền (NBVNQ) theo định nghĩa của Tuyên ngôn NBVBQ của LHQ năm 1998. Ông PCD chỉ dùng ngòi bút của mình để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, nghiệp đoàn, tôn giáo, v.v… Ông là người có sức viết rất mạnh và từ năm 2013 mỗi tháng ông có trung bình 15 bài trên VOA. Đây mới chỉ là con số của những bài được ký tên PCD cho nên là con số ít nhất vì Công còn viết dưới nhiều bút hiệu khác cho nhiều đài báo khác. Ngoài ra ông là một trong những sáng lập viên của Hội Nhà báo Độc lập (IJAVN) mà chúng tôi cho là có ước muốn xây dựng trang nhà của hội thành tờ báo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng quyết định bắt giam ông rất độc đoán và việc giam cách ly không cho ông gặp thân nhân, luật sư đã vi phạm những công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Chống Tra tấn. Là một tổ chức bảo vệ cho NBVNQ việc VETO! nhận ông PCD vào chương trình bảo trợ là một vấn đề hết sức tự nhiên.
2/ Nhận định về lý do việc ông Dũng bị bắt do dính líu đến hiệp định thương mại của Liên Minh Âu Châu với VN, như vậy việc bắt anh Thụy và Lê Tuấn sau này thì sao.Có dính líu với hiệp định này không?
Theo nhận định của chúng tôi thì việc bắt ông PCD có liên quan mật thiết đến việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu Châu và Việt Nam (EVFTA). Tại sao ông PCD bị bắt vào ngày 21/11/2019 giữa lúc Nghị viện Âu Châu (EP) đang tranh luận về việc có nên thông qua EVFTA hay không? Cho đến lúc bị bắt, riêng trong tháng 11 năm 2019 ông PCD có cả thẩy 10 bài báo liên quan đến EVFTA, một lần đứng tên chung với các tổ chức quốc tế, một lần đứng tên riêng cũng như một lần làm video phát biểu kêu gọi EP hoãn thông qua EVFTA. Ông bị bắt trước một buổi họp rất quan trọng của Uỷ Ban Thương mại Quốc tế của EP (INTA), đó là buổi họp đúc kết ý kiến và đưa ra một khuyến nghị cho EP về việc có nên hoãn thông qua EVFTA hay không vào ngày 2/12/2019.
Trong những bức thư, ông PCD không chống mà chỉ yêu cầu EP hoãn thông qua EVFTA cho đến khi Việt Nam đáp ứng các khuyến nghị trước đó về nhân quyền của EP, thí dụ như trả tự do cho các tù nhân chính trị. Những việc làm này của ông PCD là công việc bình thường của bất cứ công dân nào ý thức được quyền tự do quan điểm và muốn tận dụng một cơ hội hiếm có để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Cần nói thêm rằng tiếng nói của PCD đã được lưu ý đặc biệt vì ông là tiếng nói dứt khoát và rõ ràng duy nhất ở Việt Nam đòi hoãn EVFTA. Những dân biểu EP ủng hộ EVFTA nói rằng khi về Việt Nam tiếp xúc với các tổ chức xã hội dân sự vào cuối tháng 10/2019 họ đã chỉ nghe các lời ủng hộ EP thông qua EVFTA.
Chúng tôi cho rằng việc bắt ông PCD vào ngày 21/11/2019 phải có liên quan đến EVFTA chứ không phải vì ông có bài viết „kêu gọi người dân nổi dậy, lật đổ chính quyền, khuyến khích thù hận và cực đoan“ theo như thư trả lời của phái bộ Việt Nam tại Geneva cho các cơ chế của Hội đồng nhân quyền LHQ vào ngày 18/03/2020, vì thực ra ông PCD không thay đổi cách viết từ khi ông bắt đầu viết vào năm 2012. Nếu bị xem là có „hành vi phạm tội“ nào thì chính quyền đã phải xử án ông ngay lúc đó chứ không thể gom tội trong 6 năm rồi mới bắt. Hồi năm 2012, ông đã từng bị bắt, bị giam không xét xử 7 tháng rồi được thả không lý do vào năm 2013. Việc bắt ông hiện nay theo chúng tôi là có động cơ chính trị và là độc đoán chứ không theo các nguyên tắc công minh của luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Việc bắt hai thành viên IJVAN khác là ông Nguyễn Tường Thụy vào ngày 23/05/2020 và ông Lê Hữu Minh Tuấn vào ngày 20/06/2020 cũng nằm trong cái lô gíc độc đoán đó. Ông Thụy và ông Tuấn không phải bây giờ mới hoạt động và bây giờ an ninh mới khám phá ra. Phía an ninh muốn ghép ông PCD vào tội hoạt động có tổ chức nên phải gom thêm những người „phạm tội“ khác. Cách làm việc này rất tùy tiện giống như việc bắt ông Trần Đức Thạch. Theo thông tin, ông Thạch bị bắt vì những „hành vi phạm tội“ được an ninh làm việc với ông từ những năm tháng trước, trước cả khi 6 thành viên Hội Anh Em Dân chủ bị xử án vào năm 2018. Việc bắt ông Thạch vào năm 2020 rõ ràng đã xâm phạm đến nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
3/ Ông có nói sau ngày 1/8 ngày hiệp định có hiệu lực sẽ có thêm dữ kiện để can thiệp cho anh Dũng, có thể cho biết dữ kiện gì?
Ngày 30/06/2020 có 6 tổ chức quốc tế viết thư yêu cầu các nhà lãnh đạo khối EU can thiệp cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Trong thư trả lời cho chúng tôi, các nhà lãnh đạo EU xác nhận quyết tâm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, NBVNQ và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Họ cho biết đã nhiều lần nêu vấn đề của ông PCD và các NBVNQ khác với chính quyền Việt Nam mà gần nhất là trong phiên Đối thoại về nhân quyền giữa EU và Việt Nam hồi tháng 2. Họ cho biết sau khi bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/08/2020 thì EVFTA sẽ cho EU có thêm phương tiện để bảo vệ nhân quyền, cụ thể là quyền lao động, sự minh bạch và tính pháp quyền. Phái bộ EU tại Hà Nội sẽ có nhiệm vụ theo dõi việc của ông PCD.
4/ VETO dự định sẽ làm gì tiếp để bênh vực Hội NBĐLVN?
Tôn chỉ của VETO! là hoàn toàn dựa trên luật quốc tế và những cam kết theo luật quốc tế để vận động tất cả những tác nhân tham gia vào việc bảo vệ nhân quyền: từ người dân, chính quyền đến các quốc gia có quan hệ ngoại giao và các cơ chế LHQ. Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho tất cả các tác nhân tham gia một cách có trách nhiệm vào việc bảo vệ những giá trị chung. Không ai được phép tự loại trừ hay loại trừ người khác khỏi công tác này.
Đối với Việt Nam, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 3 lãnh vực nhân quyền, đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Ba quyền tự do này không thể tách rời nhau và có liên quan mật thiết với nhau. Một trong ba quyền này mà được cải thiện hay bị xâm phạm thì đều ảnh hưởng đến hai quyền kia. Ở Việt Nam cả 3 quyền tự do này đều bị giới hạn và cho đến nay chính quyền chưa chứng minh được rằng việc giới hạn này phù hợp với những cam kết với quốc tế. Đó là lý do tại sao Việt Nam luôn bị quốc tế chất vấn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi EU can thiệp cho ông PCD được tự do. Việc bắt ông PCD có liên quan đến EU và những giá trị đang được EU xem là nền tảng của Liên minh Âu Châu. Cứ cho rằng ông PCD đi ngược với sách lược kinh tế hiện nay của EU thì EU vẫn phải bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận của ông, vì quyền tự do ngôn luận sẽ không còn ý nghĩa nếu EU không đứng ra bảo vệ những người khác quan điểm với mình. Còn nếu những điều ông PCD nêu lên lại chính là những điều mà Nghị Viện Âu Châu đòi hỏi và là những ngọn cờ mà Uỷ Ban Âu Châu vẫn giương cao thì EU càng cần phải bảo vệ cho ông. Chúng tôi và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác sẽ yêu cầu các cơ chế EU phải nhất quán trong việc làm và lời nói. Do việc bắt ông PCD có liên quan đến EVFTA cho nên việc giam giữ ông sẽ luôn nằm trên bàn của bất cứ cuộc trao đổi sắp tới nào giữa EU và Việt Nam về EVFTA.
Ngoài EU chúng tôi thấy có Hoa Kỳ, Canada và Úc cũng chú ý đến trường hợp ông PCD và IJAVN. Ông PCD viết cho nhiều báo ở các quốc gia này cho nên các báo đài ở đó nên vận động chính phủ của họ bảo vệ cho ông và những hội viên IJAVN khác.
Trước mắt là cần chấm dứt tình trạng giam cách ly mà chúng tôi cho là rất nguy hiểm cho họ. Những người tù nói với chúng tôi là trong thời gian này họ không có thông tin của người thân nên dễ bị hoang mang trước những thông tin do an ninh cung cấp. Không có luật sư tư vấn, họ sẽ không biết sử dụng quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội để tự bảo vệ. Họ dễ bị mớm cung hay khảo cung. Những lời cung này sẽ bị tòa án ở Việt Nam khai thác vì tòa án trọng cung hơn trọng chứng và không chấp nhận cho bị cáo phản cung. Do đó chúng ta không nên dễ dãi chấp nhận để cho cơ quan an ninh Việt Nam giam cách ly những người bị cáo buộc tội „xâm phạm an ninh quốc gia“. Trong quá khứ nhiều người thuộc thành phần này đã được gặp người thân trong giai đoạn tạm giam sau khi có quốc tế can thiệp. Cho nên tôi cho rằng điều 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự không phải là bất di bất dịch. Chấm dứt tình trạng giam cách ly một cách độc đoán sẽ góp phần giúp cho các phiên xử được công bằng hơn và giảm bớt tình trạng mất niềm tin nơi các tòa án.
Nhân dịp này chúng tôi muốn nói một chút về chương trình bảo trợ NBVNQ của VETO!. Chương trình này nhằm giới thiệu các trường hợp điển hình để dư luận hiểu rõ hơn về những vấn đề nhân quyền đang tồn tại. Trường hợp điển hình sẽ đại diện cho một tập thể có chung đặc tính và số phận của một nạn nhân sẽ giúp cho vi phạm nhân quyền có diện mạo rất cụ thể. Cải thiện nhân quyền là việc tác động thay đổi những chướng ngại và cơ chế cụ thể đang cản trở nhân quyền. Chúng ta không thiếu những hội nghị nói về những vấn đề mông lung với những hứa hẹn suông để rồi năm sau lại tái diễn khuôn mẫu cũ. Nếu có một trường hợp cụ thể chúng ta sẽ biết chỗ nào cần được giải quyết. Dù giải quyết cách nào thì những đối tác cũng có một kết luận cụ thể kèm theo một bước đi tiếp. Và cứ từng bước chúng ta sẽ giải quyết các chướng ngại.
*Bản tin được chỉnh sửa lại những sai sót trong với bản tin phát hành ngày 11/08/2020. Xin cáo lỗi ông Vũ Quốc Dụng và quý độc giả.