Quang Nguyên
(VNTB) – Sự vắng mặt của người tham dự chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam.
Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc kiêm CEO của tổ chức BPSOS. về Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo sẽ tổ chức tại Thủ Dô Hoa Kỳ vào cuối tháng 6.2022 và ông ở trong Ban Chỉ Đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.
Kính chào Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc kiêm CEO của tổ chức BPSOS.
– Chúng tôi được biết vào cuối tháng 6 năm nay, hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo thế giới sẽ họp tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ và ông là một thành viên trong ban tổ chức, xin Tiến sĩ vui lòng cho độc giả VNTB biết qua về hội nghị và vai trò của ông trong ban tổ chức
Đây là hội nghị thượng đỉnh lần 2 về tự do tôn giáo quốc tế. Lần đầu, hội nghị được tổ chức vào tháng 7 năm ngoái cũng ở thủ đô Hoa Kỳ với gần một nghìn người tham gia; họ đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng tham gia phát biểu.
BPSOS là một đối tác tổ chức hội nghị và tôi ở trong Ban Chỉ Đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.
– Hội nghị này có thể tác động thế nào đến vấn đề tự do tôn giáo bị xâm phạm ở một số quốc gia và đặc biệt của VIệt Nam?
Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là môi trường quy tụ các lực lượng quần chúng toàn thế giới để chung sức bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu, đặc biệt ở những nơi tôn giáo thường xuyên bị bách hại như ở Việt Nam.
Đây là mũi nhọn thứ tư trong một sách lược lớn, được khởi xướng cách đây 12 năm. Mũi nhọn thứ nhất, qua hình thức các bàn tròn đa tôn giáo, quy tụ các cá nhân và tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do tôn giáo. Mũi nhọn thứ hai, qua tập hợp của các nghị sĩ ở nhiều quốc gia, quy tụ các nhà làm chính sách. Mũi nhọn thứ ba quy tụ các chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo, mà sản phẩm là liên minh gồm 36 quốc gia.
Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, và trong thời gian dài Hoa Kỳ đơn phương lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Bốn mũi nhọn kể trên có mục đích huy động lực lượng toàn cầu để sát cánh với Hoa Kỳ. Có thể nói, mục đích của chúng tôi là: “Những người yêu tự do (tôn giáo) toàn thế giới, đoàn kết lại!”
– Chúng tôi được biết tổ chức BPSOS đã bênh vực và giúp đỡ nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền, nhân đạo trên thế giới, cứu người vượt biển, cứu nạn nhân bị buôn người, bênh vực nhân quyền ở VN v.v. Những năm gần đây, chúng tôi thấy BPSOS tích cực nhiều về đấu tranh cho tự do tôn giáo cho VN và thế giới, xin TS cho biết lý do?
Thực ra BPSOS đã đấu tranh cho tự do tôn giáo, mà đúng ra là tự do tôn giáo hay niềm tin, từ rất sớm. Chúng tôi đã tích cực vận động cho Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998. Liền sau đó chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để khai thác luật này. Đến nay đã gần ¼ thế kỷ rồi.
Chúng tôi chọn lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin vì 3 lý do. Thứ nhất, nó là một “gói quyền” chứ không chỉ là một quyền đơn lẻ. Nó bao hàm quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, và nhiều nữa. Nếu khai mở được quyền tự do tôn giáo thì tự động khai mở được nhiều quyền tự do khác. Thứ hai, tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có một tôn giáo hay một niềm tin; nếu khai mở được quyền này thì sẽ đem lại lợi ích cho toàn dân. Thứ ba, đây là lĩnh vực có thể huy động được sự yểm trợ của quốc tế, mà bốn mũi nhọn kể trên là ví dụ điển hình.
– Chúng tôi được biết hội nghị thượng đỉnh về tư do tôn giáo có mời nhiều người từ nhiều quốc gia khác đến tham dự. Ban tổ chức có dự định mời khách tham dự từ VN không?
Người Việt Nam chắc chắn sẽ có tiếng nói tại hội nghị này bằng nhiều cách. Trước hết, chúng tôi có mời một số người đến từ Việt Nam. Kế đến, có không ít nhân chứng của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hiện có mặt ở Thái Lan như những người tị nạn; một số cũng sẽ tham dự hội nghị. Cuối cùng, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đều có đồng đạo ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ; họ lên tiếng hộ cho những người ở trong nước.
Trong nhiều năm, BPSOS đã chuẩn bị cho sự kết hợp giữa người trong và ngoài nước qua công thức “kết nghĩa”. Mỗi cộng đồng ở trong nước đều có những người ở ngoài nước, thường là cùng tôn giáo nhưng không nhất thiết, kết nghĩa bền chặt và dài lâu. Những người này am tường tình hình y như chính họ là người đang ở trong nước và do đó có đầy đủ kiến thức và thẩm quyền để nói lên sự thật ở Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh.
Nhìn rộng hơn, sách lược của BPSOS từ năm 1998 là giúp người dân trong nước “chạy đua” với nhà nước về hội nhập quốc tế bằng cách tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để người dân trong nước nhập vào các “sân chơi” quốc tế, nơi mà luật chơi bình đẳng và công minh. Không những vậy, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có tiềm năng chủ động trên các “sân chơi” quốc tế.
Năm 1986, chế độ cộng sản Việt Nam đề ra chính sách “đổi mới” – mặc nhiên thừa nhận rằng nhắm mắt bám đuôi đàn anh Liên Xô và Trung Cộng là đi vào chỗ chết. Để sống còn, họ phải hội nhập thế giới tự do. Tuy nhiên, nhà nước chỉ muốn họ hội nhập còn người dân thì bị cấm. Họ sợ người dân hội nhập sâu và rộng với thế giới tự do thì sẽ “diễn biến hoà bình”. Ông Nguyễn Văn Linh, người chủ xướng đổi mới, từng phát biểu “mở cửa thì gió mát vào và ruồi muỗi cũng vào theo” và do đó phải dựng cửa lưới để chặn lại.
Giúp người dân hội nhập quốc tế thật nhanh và thật ồ ạt nằm trong sách lược của chúng tôi từ cuối thập niên 1990. Khi người dân trong nước, kết hợp với đồng bào của họ ở hải ngoại, hội nhập càng sâu, càng rộng với quốc tế thì họ sẽ cân bằng được sự thất thế ở sân chơi nội địa.
Đấy cũng là lý do mà phái đoàn người Việt tham dự hội nghị kỳ này, sẽ khoảng 60 người, có lẽ là phái đoàn quốc gia đông đảo nhất.
– Việt Nam là một quốc gia độc tài, chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng. Thưa Tiến Sĩ Thắng, ông có thể cho biết khả năng chính phủ Việt Nam chấp nhận cho những người ban tổ chức mời dự hội nghị đi?
Trên sân chơi quốc tế, Việt Nam không thể hành xử tuỳ tiện như ở trong nước. Chúng tôi đã cài họ vào thế bất khả kháng.
Nếu họ ngăn chặn không cho người ở trong nước tham gia hội nghị thì điều này sẽ trở thành một đề tài nóng và chế độ sẽ bị lên án ở ngay hội nghị. Trong khi đó, tất cả những gì người ở trong nước muốn nói, cần nói đều vẫn sẽ được trình bày ở hội nghị bởi những người kết nghĩa với họ.
Chúng tôi ước lượng khoảng một nghìn lãnh đạo các tôn giáo, lãnh đạo của hàng trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức nhân quyền sẽ tham dự hội nghị. Nhiều giới chức chính quyền Hoa Kỳ và của 35 quốc gia liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu sẽ có mặt tại hội nghị, cũng như giới truyền thông. Bị lên án trong môi trường đó không tốt chút nào cho Việt Nam. Cản chặn không cho người dân tham gia trở thành lợi bất cập hại.
– Thưa Tiến sĩ, chúng tôi nghĩ những người được mời sẵn sàng đi tham gia hội nghị dù phải tốn tiền, mất thì giờ và có thể gặp rắc rối với chính quyền miễn là họ có thể đến hội nghị nói lên được tiếng nói của họ, của cộng đồng với thế giới. Qua hiểu biết của TS, xin ông cho biết trở ngại thường gặp của họ bởi phía chính quyền Việt Nam gây ra. Trong trường hợp đó họ nên làm gì?
Tôi đoán trước phần lớn người ở trong nước sẽ bị chặn ở phi trường với đủ mọi lý do. Như đã trình bày, điều này sẽ không ảnh hưởng đến thông điệp của họ vì đã có người khác nói thay cho họ ở hội nghị. Và chính sự vắng mặt của họ sẽ tạo được chú ý hơn là có mặt. Chúng ta cứ hình dùng những chiếc ghế trống có treo hình của người vắng mặt. Đó sẽ không là hình ảnh tốt đẹp cho Việt Nam.
Đối với bản thân những người bị chặn lại thì họ cần làm ngay bản báo cáo gửi LHQ, chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ trong liên minh 36 quốc gia kể trên. Chúng tôi đã phân bổ sẵn người viết báo cáo. Khi mà nhà nước Việt Nam ngăn cản thì có nghĩa là có điều phải giấu giếm, không muốn thế giới biết. Khi làm vậy thì nhà nước Việt Nam vi phạm nguyên tắc căn bản của LHQ là không được bịt miệng nhân chứng. Trong trường hợp đó, chính Tổng Thư Ký LHQ sẽ lên tiếng.
– Có thể một vài người lo ngại khi đi họp về bị chính quyền làm khó, hay thậm chí bị bắt giữ. Tiến sĩ thấy sao về chuyện này? Nếu họ bị làm khó dễ, hay bị bắt, ban tổ chức hội nghị có can thiệp hay giúp đỡ họ cách nào?
Việc bắt giữ hoặc đe doạ có thể xảy ra. Chúng tôi luôn luôn căn dặn người ở trong nước muốn tham gia thì phải lường trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nếu họ vẫn quyết tâm tham gia thì chúng tôi mới gửi thư mời. Thường, những người này đã từng bị tù đày, bị tra tấn nhưng họ không thối chí vì niềm tin tôn giáo vững mạnh. Càng chịu sức ép từ chính quyền, niềm tin ấy càng được tôi luyện, bản lĩnh càng rắn rỏi.
Mặt khác, chúng tôi vẫn ở trong tư thế sẵn sàng vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên A Đảo, một cựu tù nhân lương tâm tôn giáo, chuẩn bị đi sớm để tham gia hội nghị nhưng không chỉ bị chặn ở phi trường mà còn bị câu lưu 2 ngày để khảo tra và sau đó bị cấm cung ở nhà, ngày nào cũng có công an đến nhà canh chừng để không liên lạc được với ai. Dù vậy, chúng tôi vẫn có đủ thông tin để báo cáo với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và quốc tế nói chung.
Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã lên tiếng và Dân Biểu Glenn Grothman, người đỡ đầu Mục Sư A Đảo khi còn trong tù trước đây, cũng đã lên tiếng. Chúng tôi cũng đã báo động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nếu cuối cùng, vị mục sư này vẫn bị cấm xuất ngoại và bị quản chế tại gia thì việc này sẽ là một điểm nóng tại hội nghị thượng đỉnh. Vô hình trung, sự vắng mặt của vị mục sư này chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng.