Đạo Hữu Dương Xuân Lương
Vấn nạn của nhân loại: Khi nhân loại tiến lên để tạo lập ra quốc gia xã hội thì nhân loại luôn luôn bị giới cầm quyền nắm quyền phân phát áo cơm. Khi giới cầm quyền nắm độc quyền phân phát áo cơm thì dân chúng bị cai trị theo ý muốn của kẻ có quyền. Giáo dục là để dạy dỗ người dân tùng phục hệ thống của giai cấp thống trị. Pháp luật đặt ra là để phục vụ cho giai cấp thống trị. Người có lòng với nhân loại muốn giúp nhân loại ra khỏi vòng luẩn quẩn của vật chất, kim tiền cũng đành thúc thủ. Kinh tế giải quyết tất cả là một thực trạng đau lòng mà dân tộc Việt Nam là một nhân chứng khi đồng minh đến Miền Nam Việt Nam và khi đồng minh bỏ chạy trong cuộc chiến tranh 1954-1975.
Nhân loại bất bình với quyền phân phát áo cơm của giới cầm quyền và bị hấp dẫn bởi thuyết đánh đổ giai cấp thống trị để nắm quyền kiểm soát kinh tế, chủ yếu là lấy của giai cấp thống trị để chia cho giai cấp bị trị. Nhưng thực tế cho thấy khi đã đánh đổ giai cấp thống trị thì đảng phái hô hào đánh đổ ấy nắm quyền thống trị còn khắc nghiệt hơn. Chủ nghĩa cộng sản là một điển hình của việc đánh đổ giai cấp thống trị sau đó đảng cộng sản nắm luôn quyền phân phát áo cơm còn tệ hại hơn. Phần nhân loại mắc bẫy cộng sản thức tỉnh và tìm cách thoát độc tài càng làm cho họ sợ hãi và kiểm soát tàn bạo hơn.
Chủ nghĩa duy vật và duy tâm gây ra những cuộc chiến tranh kinh hoàng trên thế giới xét cho đến cùng là do tranh đoạt về kinh tế. Thế chiến thứ nhất (1914-1919) và thế chiến thứ hai (1939-1945) đều có nguyên nhân từ kinh tế là những chứng cứ lịch sử rõ ràng.
Nền văn minh mới ra đời:
Trong khi nhân loại còn đang tìm cách thoát khỏi nạn cơm áo gạo tiền của giới cầm quyền thì Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập ra Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) vào năm 1926 tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, Nam phần nước Đại Nam (Việt Nam). ĐĐTKPĐ được tổ chức theo triết lý QUỐC ĐẠO nên có tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp phân minh. Quốc Đạo là nền đạo được tổ chức có quy củ như một quốc gia. Nhiệm vụ của ĐĐTKPĐ là xây dựng một nền văn minh mới, đặc điểm của nền văn minh mới là mở đường cho nhân loại thoát khỏi nạn cơm áo gạo tiền. Có tự chủ được cơm áo gạo tiền mới tự chủ lấy mình về vật chất và tinh thần nên gọi là duy chủ. Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh Cao Đài thiết kế Hành Chánh và Phước Thiện như một đường ray để đưa con tàu Cao Đài xây dựng nền văn minh mới. Theo đó Hành Chánh: dạy cho khôn (để cầm lái); Phước Thiện: nuôi cho lớn (là nhiên liệu). Hành Chánh được hiểu như một cơ thể với đầy đủ lục phủ ngũ tạng thì Phước Thiện là nguồn máu nuôi sống cơ thể ấy.
Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là lập quyền cho nhân loại; Ngài không cho một ngành nào, chức phẩm nào độc đoán, độc quyền rồi hà khắc con cái của Ngài nên phân quyền minh bạch.
Hành Chánh có trong Pháp Chánh Truyền nên có quyền hành pháp nhưng không tạo ra kinh tế, tài chánh; còn Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền nên không có quyền hành pháp nhưng lại tạo ra kinh tế, tài chánh, nên là bộ máy kinh thương của đạo. Hành Chánh thuộc về Cửu Trùng Đài, ấy là phần xác, phần đời của đạo nhưng lại lo giáo hóa: dạy cho khôn (tinh thần); Phước Thiện thuộc về Hiệp Thiên Đài, thuộc về phần đạo nhưng lại lo lắng về vật chất: nuôi cho lớn (vật chất). Cả hai đều phát xuất từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Thiên Thơ) và thể hiện: Trong Đạo có Đời, trong Đời có Đạo, cả hai đan xen vào nhau, nương tựa nhau để làm nhiệm vụ xây dựng nền văn minh mới. Đây là hồng ân Đức Chí Tôn ban cho nhân loại trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Phước Thiện xây dựng kinh thương tạo tiền đề vật chất xây dựng nền văn minh mới nên không phải là Từ Thiện trong xã hội. Cộng sản Việt Nam giải tán Phước Thiện của Đạo Cao Đài là cắt phần ân phước của Thượng Đế ban cho dân tộc. Trong bài này chúng tôi luận giải về Phước Thiện trong nền văn minh mới.
Nền văn minh mới nâng đỡ người bình dân ít học thành người có hiểu biết, giúp người nghèo khó có cuộc sống sung túc, nghĩa là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người đạo, người dân lên để tự chủ trong cuộc sống, thực thi nhơn nghĩa để chuyển thế.
I/- Pháp lý của Phước Thiện:
Đạo Cao Đài là một tôn giáo pháp quyền, cho nên từ nhân sự cho đến các văn kiện hành chánh, các mệnh lệnh đều phải xét đến tính pháp lý. Phước Thiện không có trong PCT nên nhiều chức sắc không phục và có ý xin giải tán. Ngài Phạm Ngọc Trấn biết tin và dâng thỉnh giáo lên Đức Hộ Pháp. Ngài ghi chép lại lời dạy của Đức Hộ Pháp, Hội Thánh ban hành trong Bán Nguyệt San Thông Tin số 77 (10/6/1973) nên có đủ pháp lý trong đạo.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/03/3099-ban-nguyet-san- thong-tin-so-77.html#more .
Thỉnh giáo.
-/ Bạch Đức Thầy, mấy con theo Thầy học Đạo do Thầy chọn lựa vào môn đệ. Thầy đã mở cửa Phạm Môn là lập công học Đạo, chỉ mong được hưởng phẩm vị Thiêng Liêng thuộc về bóng chớ không thiệt hiện ra mặt xã hội. Từ năm 1929 Phạm Môn đã có, cho đến năm Mậu Dần là 09 năm thì trở thành danh từ Phước Thiện chớ không còn danh từ Phạm Môn. Nên Phước Thiện đã công khai với chính phủ cùng khắp trong nước, Đạo Đời đều hiểu và đã có sự công nhận của Quyền Vạn Linh và liệt vào Đạo Luật năm Mậu Dần…
…Mấy con có nghe rõ Chức Sắc Cửu Trùng Đài có một vài người tổ chức Hội Nhơn Sanh tới đây sẽ đem danh từ Hội Thánh và Khâm Châu, Đầu Tộc Phước Thiện ra trình bày để chỉ trích vì Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền, chỉ có Hội Thánh Cửu Trùng Đài mà thôi và nói rằng Phạm Môn, Phước Thiện là của Thầy đặt riêng. Mấy con rất lo ngại.
Ngày giờ Thầy cầm quyền thống nhứt thì không ai dám bác bỏ, dầu cho Hội Nhơn Sanh cũng không qua quyền thống nhứt của Thầy đặng. Sợ một ngày kia Thầy có về Thiêng Liêng rồi, Nhơn Sanh cùng các cơ quan khác chiếu trong luật không có trong Pháp Chánh Truyền rồi giải tán cả cơ quan Phước Thiện…
Đức Hộ Pháp trả lời. Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền, họ trích điểm là phải. Mà chính Thầy cũng nhìn nhận là không khi nào Phước Thiện có trong Pháp Chánh Truyền, dầu rằng mấy con cầu xin xỏ đem danh từ Phước Thiện vào Pháp Chánh Truyền lại còn sai hơn nữa. Thầy vẫn lấy quyền Chí Tôn tại thế, không bao giờ làm trái ngược vậy được.
Bởi khi lập Pháp Chánh Truyền, Thầy có hội cùng Đức Lý Giáo Tông được trọn quyền thay thế Đức Chí Tôn. Hễ cái gì Hộ Pháp và Giáo Tông hiệp lại lập ra trong cửa Đạo tức là lời dạy bảo của Đức Chí Tôn. Không có việc gì từ nhỏ chí lớn mà không có mạng lịnh Chí Tôn trong đó.
Quyền hành và trách nhiệm trọng đại, nên Đức Lý Giáo Tông nôn nóng lập thành Pháp Chánh Truyền chú giải cho kịp Thiên Thơ của Đức Chí Tôn đã định. Nếu lập Pháp trễ thì Đạo phải loạn thì còn gì cho công trình các Đấng Thiêng Liêng dày công dìu dẫn từ ban sơ. Ấy vậy Pháp Chánh Truyền chú giải đó là phân quyền cho Chức Sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài cho khỏi bị giành quyền nhau mà thôi. Và đồng thời trao trọn quyền ấy cho Hộ Pháp có đủ phương kềm chế nền Đạo của Đức Chí Tôn.
Pháp Chánh Truyền ở trong cuốn Thiên thơ mà ra, còn chú giải là phân quyền hành. Quyển Thiên Thơ Đức Chí Tôn đã để tại thế gian này. Ngài giao cho con cái của Ngài gìn giữ mà làm của báu không gì bằng: Tức là “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển”. Trong quyển Thiên Thơ này, ngày kia có sản xuất nhiều cơ quan khác trọng yếu nữa chớ không phải một cơ quan Phước Thiện mà thôi.
… Bởi vậy, đại nghiệp Thiêng Liêng Chí Tôn để tại mặt thế này, tức là nền Đại Đạo giao cho quyền Vạn Linh nắm giữ. Còn Thánh thể Đức Chí Tôn là chủ quyền nó sẽ bảo thủ vĩnh cửu trường tồn mãi mãi…
II/- Tầm quan trọng của Phước Thiện.
1/- Tổ chức và nhiệm vụ.
Đạo Luật Mậu Dần (1938). Chương II: PHƯỚC THIỆN. Điều 10 và 11 từ trang 23 đến 33.
PHƯỚC THIỆN là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.
Phải tìm phương châu cấp những gia đình nghèo nàn của chư Chức Sắc đắc lịnh Hội Thánh thuyên bổ đi hành Đạo phương xa. Khi các cơ sở đã thành lập, mỗi năm phải tùy theo huê lợi trong sở đặng giúp lương thực trong các Thánh Thất, hoăc mỗi Văn Phòng trong nền Chánh Trị Đạo và phải định riêng ra một phần để châu cấp cho những kẻ tật nguyền cô độc.
Về khoản cấp tế của Phước Thiện, chẳng nên phân biệt người trong Đạo hay là ngoài Đời, nghĩa là mỗi phen nơi nào bị tai nạn khổ tâm khổ trí thì lẽ cố nhiên người hành thiện chẳng thế nào bỏ qua cho đặng, chẳng những trợ giúp về mặt vật chất hình thức bên ngoài mà thôi, mà lẫn đến tinh thần bên trong cũng phải có sự an ủi tâm hồn cho người được an vui bình tâm định trí.
Nếu một ai vì cảnh bi thương trong gia-đình, hoặc vì đau thảm về phần xác thịt, mà đến nhà Phước Thiện cầu xin cứu giúp, hay là một tấn kịch khốc hại đã phô bày trước mắt mà người hành thiện lại nỡ đành làm ngơ, để cho người khốn khổ ấy phải cam tâm tủi phận, chẳng nhờ nơi lòng ái truất của nhà lương thiện đoái đến mà có đủ bằng cớ, thì vị Hành Thiện ấy phải bị lỗi nặng với danh giá nhà Phước Thiện và phải chịu phần trách cứ.
2/- Tương quan của Hành Chánh và Phước Thiện.
Đạo Luật Mậu Dần (1938) có 4 chương, 17 điều.
Chương I: Hành Chánh từ 1-17.
Chương II: Phước Thiện, rút điều 10 và 11 của chương Hành Chánh.
Điều nầy chứng tỏ Phước Thiện độc lập nhưng phải tùng Hành Chánh. Hành Chánh có trong Pháp Chánh Truyền, Phước Thiện không có trong Pháp Chánh Truyền nên phải tùng theo Hành Chánh để hành đạo.
Chương III: Phổ Tế, rút điều 14 của Hành Chánh.
Chương IV: Tòa Đạo, rút điều 15 của chương Hành Chánh.
Nhận xét: căn cứ theo ý chí Đạo Luật Mậu Dần (1938) thì Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo độc lập nhưng đều phải tùng Hành Chánh. Phân quyền như vậy để tránh độc đoán, Hành Chánh (đời) có quyền nhưng phải nương Phước Thiện (đạo) và ngược lại Phước Thiện tạo kinh thương nhưng phải do sự lãnh đạo của Hành Chánh. Ngày nào người Đạo Cao Đài hiểu thấu sự diệu dụng của Hành Chánh và Phước Thiện qua sự bố trí của Đức Chí Tôn dạy thì khi ấy Đạo Đời Tương Đắc và mới đủ sức tạo thời cải thế. Đạo Đời Tương Đắc là tự nơi Quốc Đạo chứ không phải lệ thuộc vào chế độ cầm quyền. Hiểu và thực hành được Thể pháp mới xứng đáng là tôn giáo duy chủ, đủ năng lực lập nền văn minh mới.
Nếu hiểu Đạo Đời Tương Đắc là tôn giáo và chế độ cầm quyền là tự đưa đạo vào thế trận lệ thuộc và xin cho. Lệ thuộc vào một chính phủ độc tài hay chính quyền dân chủ vẫn là lệ thuộc, xiềng xích bằng sắt hay vàng vẫn là xiềng xích, vẫn là không tự chủ, vẫn không phù hợp với triết lý Quốc Đạo.
Trong xã hội hiện đại độc lập không phải là cô lập hay biệt lập. Đạo cấm liên hiệp với chính trị nhưng hai bên vẫn đối thoại nhau để phục vụ cho xã hội theo những cách thế khác nhau. Theo Pháp Chánh Truyền, nhân sự Hành Chánh có độ số nên không đủ chỗ cho nhơn sanh lập công. Phước Thiện không giới hạn số lượng nhân sự, lại mở của cho người ngoài tôn giáo tham gia nên là cách đưa đạo vào xã hội rất thiết thực.
III/- Phước Thiện trong nền văn minh mới.
1/- Năm Mậu Thìn (1928) Đức Chí Tôn dạy: … Lợi, Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói. Quyền, Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kiềm-thúc lấy nhau đặng giữ-vẹn thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ-thể buộc trói nhơn-sanh trong vòng tội mọi. Ôi! thảm thay! Cái thất-vọng của Thầy nên ghê-gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn-sanh gian-tham chăng?
Thì cũng muốn cho nhiều sanh-mạng chịu phục dưới quyền-thế lợi-lộc đó vậy, sự yếu-trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt quyền phân-phát cơm-áo, thì chưa ai đã chịu thọ-sanh nơi thế này lánh khỏi.
Muốn cho đặng quyền-hành ấy thì làm thế nào?
Dùng hết mưu-chước quỉ-quyệt, thâu-đoạt cho đặng lợi-lộc quyền-thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn-độn, tranh-tranh, đấu-đấu, giựt-giựt, giành-giành, gây nên mối loạn, nhơn-loại nghịch lẫn nhau giúp cho phép tà- quyền mạnh hơn, yếu-thiệt, mất phép công-bình thiêng-liêng tạo-hóa; cái trường thảm-khổ của thế-gian cũng do nơi đó mà ra…
Theo đó Đấng cầm quyền càn khôn thế giới đã dạy về cái khổ của nhân loại như vậy nên Ngài đến lập nền văn minh mới giải quyết cái khổ ấy. Khổ có vật chất và tinh thần. Hành Chánh cứu khổ tinh thần; Phước Thiện cứu khổ về vật chất.
Hành chánh là giáo hóa mà đi ăn xin của người được giáo hóa là mất tư cách và nghịch lý. Giáo hóa mà đi ăn xin như thế tất nhiên phải lệ thuộc vào người bố thí, mà người bố thí thì mỗi người mỗi ý nên sẽ xung đột nhau và dẫn đến loạn hàng thất thứ và tất nhiên là thất chơn truyền. Đức Chí Tôn dạy lập ra Phước Thiện để nuôi sống Hành Chánh trên bước đường thế thiên hành hóa, nhờ vậy mà đủ tư cách giáo dân vi thiện.
Phước Thiện lập ra cơ sở lương điền, cơ sở công kỹ nghệ, công ty, xí nghiệp, cơ sở dịch vụ, thậm chí mở cả ngân hàng để giải quyết phương trình mưu sinh cho người đạo. Người đạo nương vào Phước Thiện để mưu sinh làm chủ được cơm áo gạo tiền thì mới thực hiện được niềm tin tôn giáo của mình.
Phước Thiện tạo tiền đề vật chất để xây dựng nền văn minh mới trong thời toàn cầu hóa. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay lập ra chi phái 1997 để ăn cắp căn cước và ăn cướp Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài, với bản chất kẻ cướp chi phái 1997 cũng không thể đem ân phước của Thượng Đế đến với dân tộc.
Hội Thánh Cao Đài xây dựng vùng Châu Thành Thánh Địa qua 5 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo. Phước Thiện đóng góp công sức rất quan trọng. Đó là bài học điển hình cho hậu tấn trên đường học đạo và hành đạo, thực hiện Tam Lập: lập công, lập đức, lập ngôn (là pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ) để tự giải thoát cho mình và giúp bạn đồng sanh./.