VNTB – Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng có vi phạm pháp luật không?

VNTB – Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng có vi phạm pháp luật không?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) –  Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng  không phải là sinh hoạt tôn giáo trái phép.

 

Ngày rằm tháng giêng năm Nhâm Dần, tại tư gia ông Võ Thành Tâm thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chính quyền và lực lượng công an xã đến chụp hình quay phim và lập biên bản và gửi giấy mời, quy chụp đồng đạo chân truyền 1926 tu hành tôn giáo trái phép.

Theo Khoản 10 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, có hiệu lực 01-01-2019 thì sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Sinh hoạt tôn giáo là một trong những hoạt động tôn giáo. Cụ thể , tại Khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì, “Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo”.

Và tại Khoản 2 Điều 7 Quy định quyền của tổ chức tôn giáo,tổ chức tôn giáo trực thuộc, có quy định quyền tổ chức sinh hoạt tôn giáo.

Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

“1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;

b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Nội dung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Như vậy với những gì xảy ra tại tư gia ông Võ Thành Tâm thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho thấy dấu hiệu bước đầu sai phạm ở đây thuộc về vị đại diện chính quyển xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long theo các nội dung tại Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (đã dẫn ở trên).

Theo tài liệu của Vụ Cao Đài – Ban Tôn giáo Chính phủ, thì, “Hiện nay, đạo Cao Đài có 64 Ban Đại diện, 16 Đại diện ở 35/38 tỉnh, thành phố.

Họ đạo là cấp cơ sở của đạo Cao Đài, nơi nào có 500 tín đồ trở lên được lập một Họ đạo có Thánh thất làm nơi thờ tự. Ban Cai quản có nhiệm vụ quản lý công việc tại Thánh thất, phụ trách 4 phòng Công – Lương – Thơ – Lễ. Ban Trị sự gồm các chức việc có nhiệm vụ lo về luật đạo giúp đỡ tín đồ chấp hành tốt và lo việc từ thiện chăm sóc cuộc sống của tín đồ tại địa phận quản lý”.

Như vậy rất đơn giản, nếu như trường hợp “thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh” được coi là một hình thức sinh hoạt tôn giáo tập trung, thì ở đây nếu có vi phạm, đó là chưa thực hiện thủ tục hành chánh về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chứ không phải là “sinh hoạt tôn giáo trái phép” như ghi ở giấy mời của chính quyền xã Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long.

Tin tức cho thấy không ghi nhận việc chính quyền xã Tân Hạnh lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính như quy định tại Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, do đó rất dễ đưa đến tâm lý của người dân là chính quyền đang có hành vi cản trở người đang thực hiện nghi thức theo tôn giáo Cao Đài.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)