VNTB – Các tổ chức xã hội dân sự đang giúp chính quyền tránh được khủng hoảng nhân đạo

VNTB – Các tổ chức xã hội dân sự đang giúp chính quyền tránh được khủng hoảng nhân đạo

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Tình thương mến thương đã tạo nên sự cộng hưởng của một nguồn năng lượng tích cực, một niềm tin vượt qua đại dịch.

 

Tuy những phần cơm, những phần rau củ, gạo tặng cho mỗi người không quá lớn nhưng nó giúp được họ không bị đói, có sức khỏe vượt qua dịch bệnh.

Đại diện Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, đã ngỏ lời “tri ân công đức của quý Tăng Ni, Phật tử gần xa đã gửi thực phẩm về chùa, quý phụng sự viên đã góp sức khuân vác, vận chuyển cơm, rau, củ, quả, gạo, nhu yếu phẩm đến tận tay người dân”.

Quỹ Đạo Phật Ngày Nay là một trong vô số các nhóm thiện nguyện Phật giáo ở miền Nam đã có mặt trong tất cả các hoạt động nhân đạo, bất chấp định kiến chính trị, bất chấp sự phân biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Có lẽ từ đe dọa của khủng hoảng nhân đạo trong lần bùng dịch này mà ‘bề trên’ đã có cái nhìn đỡ nghi kỵ hơn của yếu tố ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’.

Mới đây tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức một hội thảo khoa học rất liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay, với tên gọi “Cơ sở lý luận về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay”, được tổ chức hôm 13-7-2021.

Theo tường thuật của báo chí, hội thảo quy tụ các nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành và tổ chức tôn giáo để tập trung bàn về nguồn lực của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào lĩnh vực an sinh xã hội với tư cách là chủ thể độc lập.

“Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch trong công tác an sinh xã hội dành cho các tổ chức tôn giáo”, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức nói tại hội thảo được báo chí trích dẫn như vậy.

Phát biểu về “Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch trong công tác an sinh xã hội dành cho các tổ chức tôn giáo” mang đến ít nhất các vấn đề sau đây: thứ nhất, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, ở điều 4 nói rằng trách nhiệm của tổ chức Mặt trận tổ quốc Việt Nam là “Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.

Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ở điều 4.4 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Như vậy, nếu yêu cầu “Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch trong công tác an sinh xã hội dành cho các tổ chức tôn giáo”, thì yêu cầu này có địa chỉ trách nhiệm cụ thể: Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Thứ hai, liệu có cần thiết ‘chính trị hóa’ các hoạt động thiện nguyện xã hội mà tổ chức tôn giáo đang thực hiện như một bổn phận của họ?

Để trả lời câu hỏi này, xin trích ở đây về Thông bạch số 193/TB-HĐTS, ngày 3-8-2021 do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký:

“Mùa Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2565 – Dương lịch 2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội đang thực hiện cấm túc, ở yên tại chỗ tu tập, tụng kinh cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại bình an cho tất cả mọi người.

Nhiều chùa đang nỗ lực ngày đêm nấu những suất cơm đong đầy tình thương, tràn ngập từ bi, hiếu nghĩa gửi tới đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lượng vũ trang, và các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch.

Có những Tăng Ni, Phật tử đang tận tâm phục vụ người bệnh trong các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, khu thu dung. Đó chính là những bông hồng đầy ý nghĩa dâng lên Đức Phật, chư vị Tổ sư, và hai đấng sinh thành, cũng như hồi hướng tới chư vị tiền bối hữu công, anh linh các anh hùng liệt sĩ, và cửu huyền thất tổ trong mùa Vu lan – Báo hiếu năm nay.

(…) Giáo hội kêu gọi các đạo tràng Phật tử hãy phát tâm tổ chức nấu những suất cơm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong mùa Vu lan”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)