Hà Nguyên
(VNTB) – Những người bị bắt trong các vụ án tham nhũng ở Việt Nam đều nhận hối lộ…
Theo một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, cho thấy, từ ngày 1-10-2022 đến ngày 30-9-2023, đã phát hiện 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ tăng từ 32 vụ năm 2022 lên 143 vụ trong năm 2023, tăng tới 446,88%. Số đối tượng nhận hối lộ còn tăng ở mức cao hơn với 623 đối tượng, tăng tới 692,22% so với năm 2022 (90 đối tượng).
Giới làm ăn lâu nay thì nghĩ rằng, theo cách hiểu thông thường, “lại quả” là khoản tiền được nhận sau khi một thương vụ kết thúc. Cái khoản tiền được nhận đó có thể là hợp pháp. Nếu số tiền này là hợp pháp thì người ta gọi là “hoa hồng”. Còn cái tiền nhận được sau khi ký được một giao dịch bất hợp pháp theo những tiêu chí nhất định, thì người ta gọi là tiền “hối lộ”.
Trong tập quán quốc tế thì cái ranh giới nó nằm ở một điểm thôi. Tức là cái người nhận, nhận lợi ích như vậy, cái vị trí của người ta trong quá trình đàm phán là như thế nào? Nếu người đó là người có thẩm quyền và có trách nhiệm trực tiếp, hoặc gián tiếp nhưng ở mức độ có ảnh hưởng đến quyết định ký kết, khoản tiền đó sẽ được coi là tiền hối lộ.
Tham nhũng, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đó là sự lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Chỉ giản dị như vậy thôi. Một số nước, trong luật hình sự, họ định nghĩa hành vi hối lộ cụ thể hơn. Ví dụ nước Đức, điều 334 của Bộ Luật hình sự Đức, hay điều 322 Luật hình sự Thụy Sĩ, người ta nói như thế này: Hành vi hối lộ là hành vi mời chào, hứa hẹn. Hoặc bảo đảm lợi ích, mà cái lợi ích này người nhận được không phải trả tiền cho người có thẩm quyền trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định đến một giao dịch có thành hay không thành, để có lợi cho người chào hàng. Hoặc có lợi cho người thứ ba. Đó là định nghĩa về hành vi hối lộ.
Hối lộ còn sinh ra tham nhũng vặt. Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Báo cáo này cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.
Dưới góc độ chính trị, hối lộ là một trong những loại bổng lộc của quyền lực và là một hình thức trao đổi chung giữa quyền lực và sự giàu có. Như vậy, hối lộ mang bản chất chính trị là sản phẩm tiêu cực của quyền lực. Qua hành vi hối lộ, quyền lực tạo ra tiền bạc và tiền bạc lại được sử dụng để có thể mua được quyền lực”. Bên cạnh đó, hối lộ trở thành công cụ để kiếm tiền nhằm duy trì quyền lực chính trị, nó tạo ra sự bất công trong xã hội.
Sai phạm trong các vụ án có yếu tố hối lộ thì hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước, họ đã tận dụng hoặc tạo ra những lỗ hổng của pháp luật vì lợi ích nhóm để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi; tức việc kiểm soát quyền lực nhà nước đã bị tha hóa vì thiếu động lực cạnh tranh, cũng như việc gộp chung 3 nhánh Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp đều chịu sự điều hành của Bộ Chính trị trong nhân danh độc quyền có tên Đảng Cộng sản theo Hiến định tại điều 4 “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Đi cùng với đặc quyền cai trị, ở nhiều lĩnh vực, cơ chế xin cho vẫn còn tồn tại. Trong nhiều trường hợp, xin cho thực chất là mua bán. Vụ chuyến bay giải cứu là một vụ việc điển hình. Bên cạnh đó, tính chất công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền còn hạn chế. Đây chính là môi trường tốt cho phát sinh những hành vi tiêu cực, tham nhũng; và dĩ nhiên là không loại trừ cơ quan công an với người đứng đầu được cho là đang củng cố “tham nhũng quyền lực”, với đích ngắm ở khóa 14 tới đây của Đảng Cộng sản.