Việt Nam Thời Báo

VNTB- Quan chức nào đã ‘nâng đỡ’ Ngân Hàng Xây Dựng của bị cáo Phạm Công Danh?

Phạm Công Danh cùng 35 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng và Tập đoàn Thiên Thanh đang phải đứng trước vành móng ngựa vì làm thất thoát hơn 9,000 tỷ đồng của Ngân Hàng Xây Dựng.

Mặc dù là người thân tín của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng sau đại hội 12 ông Nguyễn Văn Bình vẫn tiếp tục “lên”. Ảnh news.zing.vn
Có một điểm lạ là trong lời khai trước tòa, Phạm Công Danh nói rằng ông không biết gì về ngân hàng, tín dụng và đó là sai lầm lớn nhất của ông. Đã nhiều lần, Phạm Công Danh và Phan Thành Mai mang trả đề án tái cấu trúc vì quá sốc với ngân hàng sau khi tiếp quản, ngân hàng thanh khoản kiệt quệ, lại trong diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng được các cán bộ thanh tra giám sát NHNN “động viên”, rằng việc tái cơ cấu chỉ trông chờ vào nguồn lực tư nhân chứ không phải Nhà nước, nên ông lại bước tiếp con đường mà ông không rành.
Bằng phép màu nào đó, chỉ trong vòng hơn 1 năm mà Ngân hàng nhà nước đã đưa Ngân Hàng Xây Dựng từ âm vốn trở thành một ngân hàng đủ năng lực, tiềm năng thực hiện nhiều nghiệp vụ. 
Thực tế, Ngân hàng Xây dựng đã có những thay đổi khá ấn tượng kể từ khi thuộc sở hữu của Nhà nước. Từ một ngân hàng 0 đồng, mất thanh khoản vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 6/2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29,552 tỷ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2,497 tỷ đồng. Hoạt động giải quyết nợ xấu được chú trọng với 500 tỷ đồng bán cho Công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) năm ngoái và tiếp tục bán nợ thêm trong năm nay. CBBank cũng đã tiến hành giải quyết nợ xấu tồn đọng cũ từ thời TrustBank, với khởi đầu là việc khởi kiện Phương Trang để đòi 3,000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại giá 0 đồng, tháng 7/2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CBBank. Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động…
Giới quan sát đã phải bình luận: Rõ ràng, nhìn vào Ngân Hàng Xây Dựng ngày hôm nay, không ai tin được chỉ mới hơn 1 năm trước, ngân hàng này còn thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, âm vốn hơn 24 nghìn tỷ và lỗ lũy kế tới hơn 27,000 tỷ.
Không chỉ Ngân Hàng Xây Dựng được mua với giá 0 đồng, hai ngân hàng khác cũng được mua với mức giá này là Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng GP. Và cũng tương tự tình trạng của Ngân hàng Xây dựng, giới lãnh đạo của các ngân hàng GP và Đại Dương đều sa vào vòng lao lý.
Vào thời gian Ngân hàng nhà nước “quyết liệt” mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng, nhiều người đã nói tuột ra rằng đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc NguyễnVăn Bình, nhằm không để các ngân hàng vỡ nợ và “làm đẹp” báo cáo chính phủ. Trong đó, vai trò của ông Nguyễn Văn Bình được coi là rất lớn.
Nhưng cũng có dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn Bình đã từng giúp Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng (con gái ông Nguyễn Tấn Dũng) thâu tóm các ngân hàng khác kể từ hồi năm 2011, và ông Bình hẳn có ‘cổ phần” trong những ngân hàng được sáp nhập, cũng như trong Ngân hàng Xây dựng.
Mặc dù là người thân tín của Thủ tướng Dũng, nhưng sau đại hội 12 khi ông Dũng “ngã ngựa”, ông Nguyễn Văn Bình vẫn tiếp tục “lên”. Hiện nay ông Bình là Trưởng ban Kinh tế trung ương đảng.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo