VNTB – Quản lý thùng công đức, quản “công” hay quản “đức”?

VNTB – Quản lý thùng công đức, quản “công” hay quản “đức”?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có quy định về quản lý các khoản tiền vận động từ tổ chức tôn giáo

 

“1. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

(…)

4. Hoạt động quyên góp của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

5. Không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi hoặc trái mục đích quyên góp.

6. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này, khi tiếp nhận thông báo quyên góp có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này” – trích Điều 25. Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.

Nói một cách khác thì “Thùng công đức” thường thấy ở các chùa, nhà thờ sẽ được áp hiểu theo nghĩa “tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân”. Và như vậy sắp tới đây Nhà nước sẽ quản lý việc thu – chi này của tổ chức tôn giáo.

Điểm chung trước hết là khó ai có thể dửng dưng trước một thực tế là rất đáng buồn của tình trạng thương mại hóa, thậm chí lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi cho cá nhân của nhóm người này, nhóm lợi ích khác vẫn đang diễn ra ở không ít nơi chốn tu hành.

Tuy nhiên, với truyền thống lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, cũng như vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đồng hành cùng dân tộc, việc thế tục hóa tính thiêng của “tiền công đức” qua việc Nhà nước trực tiếp quản lý và kiểm soát việc sử dụng “tiền công đức” sẽ làm tục hóa (secularization, sécularisation), giải thiêng (desacralization) “tiền công đức” cúng dường Tam bảo, làm tổn thương đến giáo lý, lễ nghi, niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật tử, không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường.

“Trong lịch sử pháp luật và lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và kiểm soát mang tính định đoạt việc sử dụng tài sản của Phật giáo.

Phải chăng Phật giáo đang có vấn đề gì về tiền bạc, phạm húy để cần phải quản cả khoản “công đức” của thập phương tín đồ? Ba miền đất nước đều trong tình trạng như thế, cấp lãnh đạo Phật giáo đang quan tâm và đang làm gì? Phải chăng, phải chờ “cầm tay chỉ việc”, sai đâu đánh đó, không dám ngẩng đầu nhìn lên?

Các lãnh đạo Phật giáo trung ương ngoan ngoãn chấp hành, cho dù thiệt hại nhân cách của một tôn giáo, miễn là giữ được chiếc ghế?

Chúng ta có ý kiến không chỉ bảo vệ nhân phẩm của tôn giáo mình mà còn giúp cơ chế nhìn lại sai, đúng để ứng xử một cách khoa học, nhân tình và đúng luật với một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trước cái nhìn của thế giới. Giáo hội cần có tiếng nói đúng pháp lý, đặc trưng Phật giáo và tính chất tôn giáo, thể hiện quyền tự quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không chỉ có cúi đầu tuân lệnh” – trích ý kiến của Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp – Phó Chủ tịch hội đồng trị sự, Phó ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)