VNTB – Vừa bị dụ, vừa bị doạ, tu sĩ Việt Nam sợ động tới chính trị 

VNTB – Vừa bị dụ, vừa bị doạ, tu sĩ Việt Nam sợ động tới chính trị 

 

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Nhiều vị tu sĩ công giáo Việt Nam ngày nay trốn trong nhà thờ, không sống với con người trong hoàn cảnh bi thảm làm tha hoá con người.

 

Bài 1: Tu sĩ sợ động đến chính trị

 

Đã từ vài chục năm nay, không ít lãnh đạo các tôn giáo ở Việt Nam bị tín đồ của họ, và ngay cả người ngoại đạo, coi thường. Những hành vi đáng trách của họ khiến một vị chân tu đã phải kêu lên: Vừa bị dụ, vừa bị doạ, một số lãnh đạo tôn giáo hiện nay chủ trương:

1/ Sợ động tới chính trị

2/ Im lặng để khỏi bị vạch trần

3/ Được việc hơn đúng việc

4/ Quyền đạo đi chung quyền đời.

Bài viết này có trích một số nguồn từ tài liệu của Công Giáo và Phật Giáo nói về vai trò của người tu sĩ với chính trị.

 

*****

 

Tu sĩ sợ động đến chính trị

Nếu một tu sĩ thuộc giáo hội công giáo La Mã sợ động tới chính trị họ không phải là người thường nghe lời Đức Giáo Hoàng, và họ lại là không đi đường Chúa Giê-Su chỉ cho họ.

Trong bối cảnh “toàn cầu hóa sự thờ ơ”, Giáo hội được mời gọi phải dấn thân – Đức Phanxicô khẳng định. “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải dự vào chính trị”..”Đức Phaolô VI nói, chính trị là một trong những hình thức cao nhất của đức ái”. Trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.(1)

Khi trong đại chủng viện, chủng sinh phải học về đạo đức và họ phải hiểu cách thực hành đạo đức Ki-tô giáo như thế nào. Các thánh tử đạo trên toàn thế giới nói chung, ở VN nói riêng, không vì tham gia đảng phái, không đòi lật đổ chính quyền, ngược lại họ dám chịu tử hình để chứng minh Sự Thật trước nhà cầm quyền. Cái chết của họ là tiếng nói dõng dạc nhất minh chứng cho con đường chính đạo họ và đồng đạo của họ theo. Họ chịu chết với đồng đạo, chịu chết với Chúa Giê-Su. Họ là những người tham dự vào chính sự theo cách cao cả nhất. Những tu sĩ công giáo sợ động tới chính trị quên rằng Chúa Giê Su bị kết án tử hình và bị treo trên thập tự bởi bị ghép tội làm chính trị, “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Chúa Giê-Su không làm chính trị, nhưng Người sống giữa xã hội, ăn chung, sống chung với mọi người, chữa lành người bệnh, bênh vực kẻ có tội, khóc than với người đau khổ. Ngài rút thắt lưng đánh kẻ làm ô uế đền thờ. Nhiều vị tu sĩ công giáo Việt Nam ngày nay trốn trong nhà thờ, không sống với con người trong hoàn cảnh bi thảm làm tha hoá con người. Đạo đức, đức tin bị băng hoại trong xã hội vô thần cộng sản. Họ không dám cởi thắt lưng đánh vào những kẻ làm ô uế đền thờ Chúa. Đền thờ Chúa đối với họ có lẽ là cái nhà thờ họ cố chạy vạy để xây cho to lớn chứ không phải là cộng đồng dân Chúa. Về một góc nhìn nào đó, họ dung dưỡng tội ác, đồng tình hay chạy trốn không dám chống lại tội ác, họ có thể bị kết tội là vô đạo đức.

Trong Tông Huấn “Niềm vui của tin mừng”(2)

EVANGELII GAUDIUM khi mới lên ngôi, Đức Giáo Hoàng Francis nói đại ý ngài muốn thấy một giáo hội “ra đi”. Với tu sĩ, việc phục vụ cộng đồng, xã hội trong tư cách là một chính trị gia của giáo dân là một việc bác ái cao cả. Việc “bước ra ngoài”, dấn thân, cần một sự từ bỏ đích thực, phục vụ người cùng khốn trong khiêm tốn. Vì Giáo hội không thể tách rời khỏi Đức Giêsu, Giáo Hội có tương quan mật thiết với sứ mạng của Đức Giêsu nên Giáo Hội phải biết đặt mình vào cuộc sống của kẻ khác, phải mặc lấy mùi chiên, chấp nhận thử thách trong vui tươi và bình an. Trong mọi hoàn cảnh, Giáo Hội phải trung thành theo gương Đức Giêsu. Vấn đề quan trọng là Giáo Hội, mà các Linh Mục là đại diện, phải bước ra ngoài để rao giảng Tin Mừng, bênh vực người chịu bất công, cố gắng mang công lý đến cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, không do dự, không sợ.

Ngày 27/6/2009, khi tiếp kiến các Giám Mục Việt Nam, Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong diễn từ của mình đã khích lệ “người công giáo[Việt Nam] tốt là người công dân tốt”, thể hiện qua cuộc sống hàng ngày bằng tình bác ái, chân thật mãnh liệt cho xã hội.

Tu sĩ công giáo cần phải chứng tỏ là người công dân tốt. Một công dân tốt không phải cúi đầu tuân hành các lệnh sai trái của nhà cầm quyền mà phải biết theo Chúa kiện toàn xã hội. Họ không thể không lên tiếng bênh vực cho giáo dân, cho giáo xứ, cho dân tộc. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger, sau này là chính là Giáo hoàng Benedicto VI, lớn lên trong thời Phát xít Đức cai trị tàn khốc và thù địch với Giáo Hội Công giáo, xuất ngũ sau một thời gian trong quân đội Đức Quốc Xã, chọn làm linh mục, chính vì ngài muốn làm một công dân tốt, một khí cụ của Thiên Chúa để giúp kiện toàn xã hội Đức rất đáng phê phán lúc đóAa . Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nói, “Trước khi tôi là người công giáo, tôi là người Việt Nam”. Đương nhiên ngài là người Việt Nam gương mẫu. Là một người công dân tốt, tự hào là người Việt Nam, đem Thiên Chúa vào lòng dân tộc. Bao lâu Chúa ngự trị giữa con người, đời sống xã hội sẽ là một môi trường của tình huynh đệ, công lý, hoà bình và nhân phẩm. Người giáo dân và tu sĩ cần biến sự hiện diện của Chúa thành hiện thực, sống và công bố Lời Chúa với những vấn đề thiết thân trong xã hội. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Francis dậy,

Các mục tử của Hội Thánh,.., có quyền đưa ra các ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống con người, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng bao hàm và đòi hỏi sự thăng tiến toàn vẹn mỗi con người. Không có thể chủ trương rằng tôn giáo phải được hạn chế trong lãnh vực tư riêng và nó chỉ tồn tại để chuẩn bị các linh hồn vào thiên đàng. Chúng ta biết Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc cả ở đời này nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu, vì Người đã tạo dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng, dùng” (1 Tm 6:17). Hệ quả là sự hoán cải của người Kitô hữu đòi hỏi phải duyệt xét lại đặc biệt những lãnh vực và những khía cạnh của đời sống “liên quan đến trật tự xã hội và việc theo đuổi lợi ích chung”…Không ai có thể đòi tôn giáo phải bó gọn vào trong nội cung của đời sống cá nhân, không có ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội…Một đức tin chân chính..luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này phần nào tốt hơn..Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thì Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”.. Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là điều cơ bản, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực: Hội Thánh cống hiến các đề nghị, Hội Thánh hoạt động cho sự thay đổi và theo nghĩa này Hội Thánh vạch ra niềm hi vọng phát sinh từ trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, Hội Thánh nối kết “sự dấn thân của chính mình với sự dấn thân trong lãnh vực xã hội của các Hội Thánh và các Cộng Đồng.

Nhiều người cho rằng Phật Giáo không tham gia chính trị. Thật ra chính trị luôn là một phần của đạo Phật. Tipiṭaka Tam Tạng Kinh, các văn bản Phật giáo sớm nhất, chứa nhiều tài liệu tham khảo và thảo luận về các vị vua, hoàng tử, chiến tranh và chính sách. Các văn bản Phật giáo sau này cũng chứa đựng những lời khuyên dành cho những nhà cai trị về cách thực hành chính sách tốt cho người dân, những lời cảnh báo về hậu quả thảm khốc của việc cai trị kém cỏi, và những lời khuyên người lãnh đạo tránh kiêu căng và không đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ Jataka, kinh Bản Sanh, đã đưa ra mười nguyên tắc, Dasa Raja Dharma, áp dụng cho bất kỳ chính phủ nào mong muốn đất nước hòa bình, thịnh vượng (3)

Một chính quyền hoàn hảo cần “Thập Đức”

1. Dana: Bố thí, độ lượng, bác ái.

2. Sila: Giữ đạo đức và tư cách thanh cao, trau dồi phẩm hạnh.

3. Pariccana: Hy sinh quyền lợi [ hoàng gia] cho hạnh phúc của thần dân.

4. Java: trung thực và liêm chính tuyệt đối.

5. Maddava: Tử tế, dịu dàng. Sự ngay thẳng của người cai trị đôi khi có thể đòi hỏi sự cứng rắn, nhưng nên được tiết chế bằng lòng khoan dung, không nên khắc nghiệt hay tàn ác. 6.Tapa: Tự kiềm chế ham muốn và sống đơn giản. 7. Akkodha: Không hận thù. Người cai trị không nên có ác cảm với bất cứ ai. giữ tâm không sân hận.

6. Avihimsa: Không làm hại ai, thực hành sự bất hại

7. Khanti: Nhẫn nhịn và bao dung.

8. Avirodha: Không chống đối dân và không thù hận. Người cai trị không nên chống lại ý chí của người dân. Phải cai trị một cách hài hòa. Tôn trọng ý kiến cộng đồng để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp.

Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, (Cakkavatti Sìhanàda-sutta) Đức Phật khuyên nhà lãnh đạo tốt cần hành động một cách vô tư, công bằng, không thiên vị, không phân biệt đối xử, nuôi dưỡng bất kỳ hình thức sân hận đối với một nhóm dân chúng nào của mình. Không sợ hãi trong việc thực thi pháp luật, nếu là chính đáng. Nhưng phải hiểu biết rõ ràng về pháp luật được thi hành. Pháp luật phải được thực thi một cách hợp lý, phù hợp lợi ích chung.

Trong Milinda Vấn đáp, tỳ kheo Nāgasena nói với quốc vương Milinda “ Người không thích hợp, bất tài, vô đạo đức, không khả năng và không xứng đáng với cương vị quốc vương…là đối tượng bị xỉ vả, bị các hình phạt..Người lãnh đạo vi phạm các quy tắc đạo đức và nền tảng quy luật xã hội bị xử phạt, khiển trách, bị gọi là tên ăn cướp.”

Trong lãnh vực chính trị thực hành, kể từ thời Đức Phật tại thế, Phật giáo tại một số quốc gia vừa ảnh hưởng đến các chính phủ vừa được các chính phủ xác định là nguồn gốc của quyền lực và tính hợp pháp của họ. Suốt 2 nghìn năm qua, vào thời điểm khác nhau, nhiều vị vua theo đạo Phật cai trị các vương quốc khắp Đông Nam Á và Đông Á mà thần dân của họ hầu hết theo đạo của hoàng gia. Mãi đến nay, nhiều quốc gia châu Á tin rằng chính phủ có nhiệm vụ cai trị theo cách phù hợp với các giá trị Phật giáo. Nhiều quốc gia châu Á, như VNCH, Phật giáo là một truyền thống đạo đức và tôn giáo quan trọng dù có thể không được đưa vào hệ thống chính trị một cách rõ ràng.

Hàng nhiều thế kỷ trước tại Việt Nam, Phật giáo ảnh hưởng lớn đến chính sách cai trị của vương quyền, nhiều tu sĩ danh tiếng giúp vua cai trị quốc gia, điều hành xã hội. Trong hai thời đại Đinh-Lê, đạo Phật phát triển vượt bực, trên cả Khổng -Lão. Các tăng sĩ Phật giáo như ngài Đỗ Thuận Thiền Sư, Khuông Việt Thái Sư, Tăng Lục Đạo Sĩ Trương Ma-Ni, Pháp sư Đặng Huyền Quang ảnh hưởng đến văn hóa, chính trị quốc gia. Các hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành thường triệu thỉnh các Cao Tăng vào triều bàn, hỏi việc nước, chính trị và ngoại giao. Đến thời Lý Thái Tổ nhiều thiền sư như ngài Vạn Hạnh, Đa Ba, Sùng Phạm cùng tham gia trị quốc.

Nhiều tu sĩ và Phật tử chân chánh ngày nay vẫn xem Phật Giáo là phi chính trị, tuy nhiên họ tán thành sự lãnh đạo xã hội được hướng dẫn, hoặc được truyền cảm hứng từ Phật giáo, sự tương thích, hoặc không, của Phật giáo và những ý tưởng như nhân quyền và luật pháp quốc tế, và những cách khác nhau mà Phật tử ngày nay đang tham gia vào hành động chính trị. Nhưng nhiều tu sĩ và tín đồ Phật Giáo trong nước nghĩ rằng Phật tử và giới tăng lữ Phật Giáo đang trong hoàn cảnh các tôn giáo, nói chung, và Phật Giáo, nói riêng, bị đàn áp, nếu phớt lờ chính trị họ không còn mang theo tình tự dân tộc trong tim, không còn tinh thần từ bi hỷ xả, dấn thân với đau khổ của chúng sanh, họ không còn mang tinh thần Vạn Hạnh, Khuông Việt. Không giữ được bát chánh đạo.

Bài 2: Im lặng để khỏi bị vạch trần

_______________

Tham Khảo: (1)http://dcctvn.org/duc-giao-hoang-phanxico-giao-hoi-phai-can-thiep-vao-chinh-tri/

(2)https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTM dich.htm

(3).https://www.lankalibrary.com/Bud/dasa-raja-dhamma.htm


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)