Việt Nam Thời Báo

VNTB- Quan niệm về “hạnh phúc” của công ty Indochina Research?

Trúc Giang – Hải Thuận – Thùy Chi

(VNTB) – Khảo sát về “hạnh phúc của người Việt” mà công ty Indochina Research thực hiện qua ghi nhận ý kiến của 700 người, xem ra còn tệ hơn bốn ông thầy bói mù đang quanh con voi.



Những câu hỏi kiểu mẫu câu diễn dịch Anh – Việt
Trong một bài viết đăng trên trang diễn đàn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, http://www.voatiengviet.com/a/indochina-research-phan-hoi-pham-chi-dung/3714808.html, công ty Indochina Research, nói rằng năm 2016, thông qua mạng lưới Win/Gallup International mà Indochina Research là thành viên, đã phỏng vấn 66.541 người dân sống tại 66 quốc gia trên thế giới về viễn cảnh, nhận định và suy nghĩ của họ về các vấn đề quốc tế và quốc gia.
Tại Việt Nam, thành viên của WIN/Gallup là Indochina Research đã thực hiện 700 người tuổi từ 18 đến 64 sống tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và cho ra kết luận là “người Việt Nam hạnh phúc thứ 4 và lạc quan kinh tế đứng thứ 5 thế giới”.
Trên trang diễn đàn của VOA hôm 9-2-2017, Indochina Research cho biết: “Với câu hỏi “Nhìn chung, cá nhân anh/ chị cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, bất hạnh hoặc rất bất hạnh về cuộc sống của anh/ chị?“, có 79% số người được hỏi tại Việt Nam trả lời họ hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc và có 1% trả lời họ bất hạnh hoặc rất bất hạnh. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam (số % hạnh phúc trừ đi % bất hạnh) như vậy là 78%. So với 66 quốc gia được WIN/Gallup điều tra, chỉ số này đứng thứ 4.
Với câu hỏi “Theo ý kiến của anh/ chị, so với năm nay thì năm sau nền kinh tế của nước ta sẽ phát triển hơn, sẽ suy thoái đi hay vẫn không thay đổi?” 59% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng 2017 sẽ là một năm kinh tế phát triển, 12% nghĩ kinh tế sẽ xấu đi và 26% cho rằng kinh tế 2017 sẽ không thay đổi so với năm 2016. Chỉ số lạc quan kinh tế (% kinh tế phát triển trừ đi % kinh tế xấu đi) là 47%, cao thứ 5 trong số 66 quốc gia được điều tra”.
Tạm chưa nói đến con số lấy mẫu quá ít, chỉ có 700 người trên tổng dân số Việt Nam ước tính 92,7 triệu người (trích Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Thống kê ban hành ngày 28/6/2016), thì các mẫu câu kiểu chuyển dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: “Nhìn chung, cá nhân anh/ chị cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, bất hạnh hoặc rất bất hạnh về cuộc sống của anh/ chị?” – “Theo ý kiến của anh/ chị, so với năm nay thì năm sau nền kinh tế của nước ta sẽ phát triển hơn, sẽ suy thoái đi hay vẫn không thay đổi?”, cho thấy đây không phải là cách nói của người Việt. Do đó, người được hỏi sẽ dè dặt và trả lời trong mức độ an toàn.
Ngoài ra, người dân vẫn ngại ngần nói thật lòng khi các cáo buộc chụp mũ kiểu các điều 258, 88 Bộ Luật Hình sự vẫn là ám ảnh.

Hạnh phúc là gì?
Nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc đầu tiên ở Việt Nam 20/3/2014, một nhóm phóng viên đã thực hiện ghi nhận về vấn đề này tại Huế. Xin nhắc lại để gửi đến ban quản trị của trang fb công ty Indochina Research, như một tham khảo về cách hiểu “hạnh phúc”: https://www.facebook.com/IndochinaResearch/.
Ông Phạm Văn Độc (80 tuổi) khu phố 3, phường Phú Bài, Thị xã Hương Thủy: “Được quây quần bên con cháu. Với tôi, hạnh phúc là không bị căn bệnh tuổi già hành hạ để vợ chồng tôi có giấc ngủ ngon vào mỗi đêm, được thấy con cháu chăm chỉ làm ăn, đoàn kết yêu thương nhau. Là được cùng bà nhà tôi xới miếng đất trong vườn để trồng rau, cùng nhau nhâm nhi chén trà ôn lại những kỷ niệm vượt khó nuôi con thời chiến tranh, thời bao cấp. Được các cháu nội, ngoại về thăm vào những ngày nghỉ học, tíu tít xoa lưng bóp tay cho ông bà, tranh nhau kể những thành tích học tập của chúng và xung phong hát cho ông bà nghe.
Bây giờ các con tôi đã lớn, đứa nào cũng có gia đình riêng nên với tôi hạnh phúc còn là những ngày lễ, Tết các con tụ họp cùng nhau ăn bữa cơm đoàn tụ, nghe chúng nó kể về công việc và những dự định tương lai”.
Bà Trần Thị Bích Hiệu, thôn Cha Rôn, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông: “Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình có. Hạnh phúc với tôi là được cùng chồng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Được nghe cậu con trai kể chuyện học hành, chuyện bạn bè ở Trường THCS Dân tộc nội trú huyện mỗi khi con được nghỉ về nhà vào những ngày cuối tuần, được nấu cho con những món ăn con yêu thích.
Đó còn là những lúc được cậu con út hái những bông hoa dại trên đường đi học về tặng mẹ nhân ngày 8-3. Hạnh phúc với tôi còn là những lúc cùng chồng chia nhau nắm cơm, con cá dưới bóng cây rừng mỗi khi cùng nhau phát nương rẫy trồng khoai, sắn. Là sự vỡ òa ngạc nhiên khi được chồng con bí mật đảm đương toàn bộ việc nhà từ dọn nhà đến nấu ăn sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hạnh phúc với tôi còn là khi giải tỏa được căng thẳng của hai vợ chồng sau mỗi lần chiến tranh lạnh”.
Ông Tôn Minh Hiền, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP Huế: “Giữ cho ngọn lửa đầm ấm không lúc nào tắt. Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là mọi thành viên trong gia đình ai cũng có sức khỏe, sống hòa thuận đầm ấm. Con cái ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Vợ chồng chung thủy có trách nhiệm với nhau.
Vợ tôi cũng là công chức Nhà nước, các con đều đi học, thành viên nào cũng bận rộn. Vậy nhưng, mỗi ngày cả gia đình đều cố gắng quây quần với nhau trong những bữa cơm. Có như vậy bếp của nhà ngày nào cũng đỏ lửa, cũng chính là giữ cho ngọn lửa đầm ấm không lúc nào tắt. “Ngọn lửa” đó còn là vợ chồng quan tâm những điều nhỏ nhặt đối với nhau. Khi chồng (vợ) đi công tác, không thể thiếu những cuộc điện thoại hoặc những tin nhắn hỏi han nhau…
Đối với công việc, lúc nào cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt. Tuy nhiên, nếu cứ “khư khư” yếu tố an toàn, không dám thử thách với gai góc thì không… sướng tí nào. Như vậy thật đơn giản, nhàm chán. Phải dám “nhảy” vào gai góc, trở ngại, chinh phục nó, để công việc đạt hiệu quả cao, đem lại kết quả khả quan cho xã hội, lúc đó tôi mới thấy hạnh phúc thật trọn vẹn và xứng đáng”.
Em Lê Thị Nhất Sang, học sinh lớp 7 Trường THCS thị trấn Phú Lộc: “Có mẹ là hạnh phúc nhất. Ba đã bỏ mẹ con cháu từ lúc bốn chị em cháu còn rất nhỏ, không hề quan tâm đến chúng cháu, nên hạnh phúc đối với chị em cháu là được mẹ yêu thương. Chúng cháu mong lúc nào mẹ cũng khỏe, để che chở và ở bên chúng cháu suốt đời. Mẹ cười, mẹ vui là chúng cháu thấy hạnh phúc. Vậy nên chúng cháu lúc nào cũng cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành để mẹ được vui.
Một mình mẹ nuôi cả bốn chị em cháu nên bữa cơm của cả nhà rất ít món ăn ngon. Nhưng cứ đến ngày Tết là mẹ cố gắng làm những bữa cơm ngon hơn, đứa nào cũng có một món đồ mới. Thêm một hạnh phúc nữa là những dịp chị em chúng cháu được lên nhà ngoại ở TP Huế. Ông bà ngoại thương chúng cháu lắm. Nhà nghèo, nhưng mỗi lần chúng cháu lên thăm, ông bà thường nấu nhiều món ăn ngon. Thỉnh thoảng, chúng cháu lại được các dì chở đến công viên. Đối với chúng cháu, nhiều điều đem lại hạnh phúc, không thể kể hết. Nhưng với tất cả bốn chị em cháu, có mẹ là hạnh phúc nhất”!

Bởi hạnh phúc, là thứ tùy thuộc cảm giác mỗi người…
Đo lường bằng chỉ số có tính vật chất thì làm sao chạm đến bản chất của hạnh phúc?. Nghèo hay giàu, thọ hay yểu, sống giữa thiên nhiên hoang sơ hay trong biệt thự tiện nghi, chưa hẳn nói đúng mọi điều cảm giác chủ nhân có hạnh phúc hay không. Và, chỉ dựa vào thước đo vật chất thì như nhà triết học Heraclitus nói:”Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc…”.
Hạnh phúc là gì vẫn là câu hỏi khiến “bao lần ta lúng túng. Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra” như câu thơ của Dương Hương Ly.
Gần đây, người ta cũng hay bàn đến khái niệm an toàn, phải chăng môi trường sống an toàn chính là điều hạnh phúc mà nhiều người mong đợi?. An toàn thì không phải nơm nớp lo tắm biển và ăn cá bị nhiễm độc. An toàn là đi đường không phải thon thót vì sợ tai nạn. An toàn là rừng không bị phá, sông không bị đào. An toàn là gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư làm ăn không sợ bị lật lọng. An toàn là môi trường nhân văn, con thơ được học hành, người già được chăm sóc, ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do và bình đẳng.
Nếu đất nước là nơi đáng sống, an toàn thì người ta sẽ không phải chạy ra nước ngoài định cư, chữa bệnh, không “chảy máu nhân tài”…

Khảo sát về “hạnh phúc của người Việt” mà công ty Indochina Research thực hiện qua ghi nhận ý kiến của 700 người, xem ra còn tệ hơn bốn ông thầy bói mù đang quanh con voi.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo