Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quảng Trị: Sân bay dân dụng 8.000 tỷ “phục vụ tâm linh là số 1”?!

Sân bay Quảng Trị

Mỹ Thuận

(VNTB) – Hơn 8.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho sân bay có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?

 

Một tỉnh như Quảng Trị với vị trí địa lý cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ chưa đến 100 cây số – thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không, và con số hơn 8.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho sân bay này có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?

Phục vụ tâm linh là số 1

Trong bài báo đăng trên Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 24-7-2020, có tựa Nói về sân bay 8.000 tỉ của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị: ‘Phục vụ tâm linh là số 1’, có các đoạn trích dẫn lời của các quan chức tỉnh Quảng Trị như sau (1):

“Tôi cũng có theo dõi thấy nhiều người tỏ ra không đồng tình khi đầu tư cho sân bay này. Nhiều người còn phân tích sự bất cập của việc đầu tư này. Tuy nhiên, không thể nhìn việc đầu tư này ở trạng thái tĩnh. Cũng không thể chỉ nhìn qua con số tổng vốn đầu tư. Ở trạng thái động thì nó hiệu quả hơn nhiều. Vốn đầu tư chủ yếu sẽ huy động từ các doanh nghiệp” – ông Nguyễn Đức Chính, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói sân bay này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Quảng Trị, mà còn phục vụ người dân cả nước. Dựa trên nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng cao của người dân và tổng lượng khách đến lưu trú tại Quảng Trị trong năm.

“Tổng lượng người đến và lưu trú tại Quảng Trị trong năm 2019 là hơn 2 triệu lượt và con số này tăng lên sau mỗi năm. Nhu cầu đi lại của người dân là có thật và đã được chứng minh bằng những con số” – Ông Lê Đức Tiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dẫn chứng số liệu thống kê, và giải thích thêm rằng con số này phần lớn là khách hành hương về Quảng Trị để viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc…, nhất là các dịp lễ như 30-4, 27-7, 2-9. Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có thánh địa La Vang – một địa chỉ tâm linh lớn của Công giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ.

Tuy nhiên, trên bài báo Tuổi Trẻ không thấy cho biết số khách hành hương đó đến từ những địa phương nào là nhiều nhất, là khách đi theo đoàn, hay khách ‘đi lẻ’?

Thử cùng phân tích một số nhu cầu tâm linh ấy thu hút lượng khách và lượt khách ra sao.

Tâm linh nghĩa trang Trường Sơn

Thông thường, khách theo đoàn để viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có thể ‘đếm trên đầu ngón tay’ với thứ tự ưu tiên như sau: Ngày Thương binh liệt sỹ 27-7, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, Ngày thành lập Bộ Tư lệnh Trường Sơn (hay còn gọi là Đoàn 559, Bộ Tư lệnh 559) 19-5.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Với quy mô như vậy song hiện tại, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn chỉ có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm lo việc coi sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Điều này cho thấy trên thực tế gần như không chỉ ít khách đến viếng, mà ngay cả có đến thì các nghi thức cũng chỉ dừng lại ở một số điểm giới hạn nào đó. (2)

Nhu cầu tâm linh đối với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, từ phân tích trên cho thấy có lẽ không cần thiết đến mức phải có một sân bay dân dụng ngay tại Gio Linh, như đề xuất của chính quyền tỉnh Quảng Trị.

Tâm linh Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc

Còn với các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc… như viện dẫn của ông phó tỉnh Lê Đức Tiến trong bảo vệ ý kiến cần thành lập một sân bay dân dụng ở Gio Linh, thì lại càng khó thuyết phục. Lý do đơn giản là khi thiết kế tour du lịch ở miền Trung, hiện tại các điểm đến “Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc” không phải là ‘điểm nhấn’ của tour.

“Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” là nội dung của loại tour DMZ (Demilitarized Zone) nghĩa là “vùng phi quân sự”, hay trước đây gọi là khu giới tuyến quân sự tạm thời. Trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Huế, Quảng Trị là có tổ chức các tour DMZ với các điểm đến như cầu Dakrong, Rock Pile, khu căn cứ Khe Sanh, dân tộc Bru Vân Kiều, sân bay Dakrong…

Với Hà Nội thì tour DMZ với Quảng Trị, Quảng Bình nếu thiết kế đi bằng đường hàng không thì sẽ kém thu hút khách và chi phí khó cạnh tranh, vì lộ trình tour lâu nay là (tóm lược): 6g00, từ Hà Nội khởi hành và đến 12g sẽ ăn trưa tại thành phố Vinh. Từ 13g, hành trình từ Vinh đi Quảng Trị, dừng chân tham quan cầu Hiền Lương – sông Bến Hải – nơi chia cắt đất nước trong thời kỳ chiến tranh. Khoảng 18g30, đến thành phố Đông Hà.

Còn về khách đi từ Huế, thì chỉ tốn khoảng 1 tiếng rưỡi để tới được trung tâm Quảng Trị bằng đường bộ, với quãng đường gần 72 cây số.

Như vậy, chỉ còn mỗi du khách tour DMZ xuất phát từ TP.HCM là cần đến đường bay thẳng từ Tân Sơn Nhất ra Gio Linh.

Tâm linh Thánh địa La Vang

Có lẽ lý do về “tâm linh thánh địa La Vang” là có cơ sở nhất cho chuyện nhu cầu đi máy bay.

Các bản thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch, nói rằng Đức Mẹ La Vang là tên gọi mà giáo dân Công giáo Việt Nam đề cập đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra trong một thời kỳ mà đạo Công giáo bị bắt bớ tại Việt Nam.

La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường La Vang từ năm 1961. Đây là một trong ba trung tâm hành hương Công giáo được chính quyền Việt Nam hiện nay công nhận.

Con số chung chung về số lượt khách hành hương đến đây, là hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang người ta thường tổ chức lễ hội hành hương, gọi là “Kiệu”, cứ 3 năm lại có một “Kiệu” lớn, gọi là “Đại hội La Vang”, thu hút hàng trăm ngàn khách hành hương.

***

Theo quy hoạch, cảng hàng không Quảng Trị cách thành phố Đông Hà 7 km về phía bắc; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự trên diện tích 594 héc ta. Để dễ hình dung, sân bay cấp 4C ở Quảng Trị sẽ tương tự như sân bay Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Theo đề xuất, cảng hàng không Quảng Trị có 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác máy bay A320/321 và tương đương. Nhà ga hành khách tại khu vực phía nam sân đỗ máy bay, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm – cao gấp đôi năng lực thiết kế khai thác ở sân bay Đồng Hới.

Sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới khoảng 93 km về phía Bắc, và cách sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) khoảng 88 km về phía Nam.

Vào tháng 2/2009, qua môi giới của Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng), chính quyền tỉnh Quảng Trị và tập đoàn Giant Consolidated Limited (Malaysia) đã ký văn bản ghi nhớ về việc khảo sát, thiết kế xây dựng tuyến đường sắt, cảng biển Mỹ Thủy và sân bay Quảng Trị theo hướng BOT tại Đông Hà.

Một lưu ý, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sau gần 10 năm đầu tư, hiện mới chỉ vận hành chưa tới 30% công suất.

__________________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/noi-ve-san-bay-8-000-ti-cua-tinh-lanh-dao-tinh-quang-tri-phuc-vu-tam-linh-la-so-1-20200724074001418.htm

(2) http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn/about/Default.aspx

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền ‘hạn’ và quyền ‘lực’

Phan Thanh Hung

VNTB – Những ‘củ cà rốt’ của cách mạng …

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm giàu trên lưng người nghèo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo