VNTB – Quỹ bình ổn xăng dầu là “sự sáng tạo” của Việt Nam?

VNTB – Quỹ bình ổn xăng dầu là “sự sáng tạo” của Việt Nam?

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự sáng tạo của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá (không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu)

 

Luật quy định phải có thời hạn

Không chỉ vậy, việc quản lý Quỹ bình ổn giá đang được giao cho nhiều cơ quan tham gia như Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp,…

“Điều 18. Nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá

1. Nguyên tắc bình ổn giá được quy định như sau:

a) Công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng;

b) Phù hợp với điều ước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát;

d) Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.

2. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá trong các trường hợp sau đây:

a) Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường” (trích Luật Giá).

 

Sử dụng sai mục đích?

Trong thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt vi phạm của các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Phổ biến nhất là vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá do Bộ Công thương, Bộ Tài chính quản lý.

Theo đó có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá với số tiền là 7.927 tỷ đồng; Trong số này có 3 thương nhân đầu mối đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên: Đó là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà bị phạt 4 lần, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị phạt 3 lần, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức bị phạt 3 lần.

Nhìn toàn cảnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trên thị trường. Đặc biệt người dân ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải mua giá xăng dầu theo giá vùng 2, gánh thêm một khoản chi phí, khiến cho cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Cụ thể, theo Cục Quản lý giá, số dư Quỹ bình ổn giá đến hết quý III-2023 (tính đến hết ngày 30-9-2023) là 6.767,27 tỷ đồng. Trong Quý IV-2023 (tính từ ngày 1-10-2023 đến hết ngày 31-12-2023), tổng số trích Quỹ bình ổn giá là 14,94 tỷ đồng; tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá là 132,83 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá dương là 3,34 tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ: Công Thương – Tài chính đã 12 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó có 7 lần tăng, 5 lần giảm.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21-3), Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đồng loạt tăng. Giá xăng RON 95-III tăng so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 24.810 đồng (tăng 530 đồng/lít); xăng E5 RON 92 là 23.620 đồng một lít (tăng 410 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm. Giá dầu diesel là 21.690 đồng một lít (giảm 320/lít); dầu hỏa có mức giá mới là 20.870 đồng (giảm 390 đồng/lít); dầu mazut tăng 50 đồng, có giá mới là 17.140 đồng/kg. Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu đối với các mặt hàng xăng và dầu DO, dầu hỏa. Trong khi đó, dầu mazut trích lập 300 đồng.

 

Sáng tạo của riêng Việt Nam

Tính đến hiện tại thì Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được nằm ở doanh nghiệp và do thương nhân đầu mối quản lý trên cơ sở trích lập, hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về Quỹ bình ổn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn.

“Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn”, PGS.TS Phạm Thế Anh (Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân) dẫn chứng.

PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá, như vậy cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy quỹ bình ổn giá không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước, do đó, đề nghị bỏ quỹ này.

“Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự sáng tạo của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá (không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu). Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra trích lập khi giá thế giới tăng cũng phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đảm bảo bình ổn giá trong nước. Theo đó, mức độ biến động của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây 2020-2022”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)