Hùng – Sơn
(VNTB) – “Khi nào lãnh đạo cao nhất của bệnh viện làm việc với tôi, giải quyết xong vấn đề hoàn trả tuyến đường tôi mới mở”
Sáng ngày 25-5-2024, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình, cho biết ngay khi phát hiện con đường đi vào bệnh viện bị lập hàng rào chắn ngang, bà đã trực tiếp gọi điện, nhắn tin cho ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, để xin lưu thông tuyến đường, tránh cản trở công tác thăm khám, cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, theo bà Huyền, ông Tịnh trả lời “không quan tâm”.
Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình do Công ty cổ phần TTH Group đầu tư xây dựng và hoàn thành 7-2023. Tổng số vốn khoảng 750 tỷ đồng, quy mô 499 giường bệnh kế hoạch, và thực kê là 800 giường nội trú; công suất khám ngoại trú 1.000 bệnh nhân/ ngày, với hạ tầng trang thiết bị công nghệ hiện đại đồng bộ…
Vụ việc nhanh chóng thu hút công luận về sự trớ trêu này, khi mà đường giao thông công cộng lại thuộc thẩm quyền “cho phép – cấm đoán” của một doanh nghiệp nhà nước.
“Bệnh viện TTH có liên hệ với tôi để xin mở rào chắn nhưng tôi không đồng ý. Khi nào lãnh đạo cao nhất của bệnh viện làm việc với tôi, giải quyết xong vấn đề hoàn trả tuyến đường tôi mới mở. Nhưng chỉ mở một phần vì công trình vẫn đang thi công chưa đưa vào sử dụng. Bệnh nhân thì có rất nhiều bệnh viện, không đến TTH được thì có bệnh viện khác, không vấn đề gì cả”, ông Lê Thanh Tịnh trả lời với báo chí như vậy khi được giới truyền thông thắc mắc.
Ông Tịnh thông tin, trước đây, khu đô thị Phú Hải Riverside yêu cầu hoàn trả lại con đường, ước tính giá trị xây dựng 530 triệu đồng. Nhưng trong sáng 25-5, phía khu đô thị chỉ yêu cầu san gạt, lu nền đường, không cần bù thêm lớp ‘base’ bị hao tổn trong quá trình sử dụng nhằm thi công 2 dự án này. Số tiền sửa chữa đoạn đường hơn 170m rơi vào khoảng 30 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thanh Huyền cho biết, sau khi làm việc, các bên đã thống nhất, phía bệnh viện sẽ thuê nhà thầu sửa chữa lại cung đường mượn trước đó. Sau đó, hai bên sẽ chia đôi số tiền sửa chữa.
Theo quan sát, tuyến đường thi công cơ bản hoàn thành nhưng chưa đấu nối được với đường tránh Quốc lộ 1A. Các công trình giao thông ở trạng thái dang dở, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Đoạn đường chưa thể đấu nối vào đường tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Đồng Hới do Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư đường tránh (theo hình thức BOT) không chấp thuận cho đấu nối. Theo ý kiến của nhà đầu tư BOT, việc đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ 1A có thể làm phân lưu lượng phương tiện dẫn đến giảm doanh thu của dự án BOT, phá vỡ phương án tài chính, phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay đầu tư. Đã nhiều lần, Bộ Giao thông – Vận tải làm việc với tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư BOT để bàn phương án xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa có sự đồng thuận từ phía nhà đầu tư, tuyến đường này vẫn chưa được thông suốt.
Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình nằm trên tuyến đường Điện Biên Phủ, nối từ Quốc lộ 1 đến công trường của công trình nối đường tránh thành phố Đồng Hới và cầu Lệ Kỳ. Khi tuyến đường nối đường tránh thành phố Đồng Hới và cầu Lệ Kỳ vẫn chưa được đấu nối, nên để đến được bệnh viện chỉ có một hướng đi chính duy nhất. Con đường này lại bị chắn bởi dải phân cách cứng bằng bê tông, chặn hoàn toàn việc lưu thông vào tuyến đường nối đường tránh thành phố Đồng Hới cũng như Bệnh viện TTH Quảng Bình như nêu trên.
Đặt vụ việc trên với luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho rằng về mặt pháp luật, lối đi chung có thể hiểu là phần diện tích đất được sử dụng làm lối đi chung của nhiều hộ gia đình hoặc nhiều chủ sử dụng các thửa đất khác nhau, để đi ra đường giao thông công cộng. Xét về nguồn gốc thì lối đi chung có thể là các lối đi có sẵn, được hình thành trong thời gian dài, hoặc do nhà nước mở để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân nên sẽ là đất công, thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Nếu lối đi chung đó là thuộc đất công cộng, thuộc quyền quản lý của nhà nước thì người dân có quyền mở cổng và sử dụng lối đi chung này.
“Theo Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền)”.
Quyền về lối đi qua là một trong những quyền đối với bất động sản liền kề, trong đó chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Như vậy ở đây việc tự tiện ngăn trở, cấm đoán để tạo áp lực tiền bạc đối với Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình của Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, là hành vi lạm quyền, không có căn cứ pháp lý phù hợp”, luật sư Trần Thành nhận xét nhanh ban đầu là như vậy.