Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền dự phiên tòa xét xử công khai

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Xét xử công khai, nhưng tòa đóng kín cửa không lý do.

 

“Báo chí có quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền công dân. Khi thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác, đó là nguyên tắc”.

Đó là câu trả lời của ông Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, ngày 29-8-2022.

Theo ông Tuệ, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhằm cụ thể hóa hành vi, mức phạt nằm rải rác trong các Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.

“Cái gì chưa rõ chúng ta phải làm, hướng dẫn tiếp”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Tuy nhiên trong pháp lệnh này không có điều khoản nào về xử trí khi người dân vô cớ bị tước quyền dự phiên tòa xét xử công khai.

Trong phần thủ tục, với tư cách luật sư,  tôi đã dẫn lại sự phản đối chụp ảnh của Đoan Trang để yêu cầu hội đồng xét xử lưu ý các phóng viên về việc chụp, sử dụng các ảnh cô ấy trái với ý muốn của cô ấy.

Trong đó, luật sư nêu rõ: Hình ảnh của một người thuộc về quyền nhân thân của người ấy được luật pháp quy định bảo vệ. Việc xuất hiện tại tòa với tư cách là bị cáo trong phiên tòa hình sự không làm cho cô ấy mất đi các quyền về nhân thân và luật pháp vẫn buộc phải bảo vệ.

Hội đồng xét xử im lặng trước yêu cầu của luật sư và cũng không lưu ý gì đối với các phóng viên. Ngay buổi trưa hôm ấy, những bức ảnh chụp Đoan Trang được đăng tải, chia sẻ trái với ý muốn của cô ấy” – luật sư Đặng Đình Mạnh kể về phiên tòa hình sự phúc thẩm vụ án Phạm Đoan Trang hôm 25-8-2022.

Ở phiên tòa được gọi là xét xử công khai kể trên, vẫn theo lời kể của luật sư Đặng Đình Mạnh, theo thông báo xét xử của tòa án, vụ án phúc thẩm được xét xử theo thủ tục công khai. Theo đó, mẹ của cô Phạm Đoan Trang sẽ đến tòa án dự khán vụ án xét xử con gái mình, nhưng bà đã bị lực lượng sắc phục ngăn cản không cho vào trong khán phòng xét xử.

Cùng đứng với bà mẹ của cô Phạm Đoan Trang tại cổng, ghi nhận còn có viên chức ngoại giao của nhiều quốc gia cũng không được vào.  

Lâu nay, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hành chính đều có điều khoản quy định các phiên tòa được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Thế nhưng thực tế có những phiên tòa đóng kín cửa không lý do.

Một nhà báo có thời gian dài được phân công theo dõi các phiên xét xử, kể rằng, qua được cổng bảo vệ chưa xong, trước cửa phòng xét xử luôn có nhiều công an đứng canh gác để kiểm tra giấy tờ của người đến xem xét xử. Mặc dù các phiên xét xử đều là các vụ án dân sự, hình sự bình thường, không phải các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc các vụ hiếp dâm mà bị hại yêu cầu xử kín, thế nhưng lực lượng bảo vệ vẫn cương quyết không cho người dân vào xem xét xử.

Ở Tòa án nhân dân TP.HCM, việc người dân vào tòa xem xét xử dễ dàng hơn khi cánh cổng vào tòa luôn mở rộng. Nhưng ở tòa phúc thẩm, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Người đến đây đều phải xuất trình giấy tờ cho bảo vệ. Một số sinh viên luật đến dự phiên tòa để học tập, có chứng minh nhân dân nhưng không có giấy giới thiệu của trường cũng bị bảo vệ không cho vào.

“Việc không cho người dân vào tòa xem xét xử không những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn làm nảy sinh tiêu cực. Theo phản ảnh của một số người dân, ai có tiền cho lực lượng bảo vệ ở cổng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ được vào tòa.

Trách nhiệm của lực lượng hỗ trợ tư pháp là giữ gìn trật tự phiên tòa, nhưng thay vì làm nhiệm vụ của mình thì họ cấm không cho dân vào phòng xử theo chủ quan của họ, mà cũng có thể là từ lệnh miệng của ai đó. Và điều này tôi chưa thấy sắp tới đây có chế tài ra sao ở Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng” – ông nhà báo nói trên, nhận xét.

***

Pháp lệnh quy định cụ thể 3 nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục:

Thứ nhất là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ…

Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Gồm: Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; hành vi đưa tin sai sự thật…

Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thuyết âm mưu và lằn ranh của “xuyên tạc”

Do Van Tien

VNTB – Án liên quan điều luật 117 – Án văn tự của nhà nước cộng sản Việt Nam ( Bài 2)

Do Van Tien

VNTB – Tự do ngôn luận ở Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 31.08.2022 5:12 at 05:12

Tác giả chắc sinh ra & sống ở nước ngoài hoặc trên sao Hỏa nên chả biết gì về Việt Nam cả . Những gì đúng ở nước ngoài không có nghĩa đúng ở VN, và ngược lại, & chuyện này hổng phải là cá biệt . Quyền được dự 1 phiên tòa chả dính dáng gì tới phiên tòa đó công khai . Chữ “công khai” ở đây chỉ có nghĩa phiên tòa đó có sự tham dự của báo chí, được quyền đưa tin trên báo đài, thế thôi . “phiên tòa công khai” có nghĩa đây không phải là 1 phiên tòa được xử kín, trong vòng bí mật, chớ chả liên quan gì tới quyền tham gia của những người không có nhiệm vụ .

Tác giả lầm với những vụ xử án theo kiểu đấu tố công cộng thời Cải cách ruộng đất . Chỉ trong những phiên tòa công cộng đó, những người dân bình thường mới có quyền tham dự thui

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo