Đông Đô
(VNTB) – Sở dĩ mà một số tác giả kiên trì đeo đuổi ‘viết bài phản biện’ phải đối mặt án hình sự vì lâu nay thiếu sự tranh biện sòng phẳng.
Muốn phản biện hiệu quả, điều trước hết phải biết thông tin đầy đủ, chính xác. Điều này không thể chờ các chủ thể được phản biện cung cấp – mặc dù quy chế có thể quy định trách nhiệm như vậy, mà phải theo một chế độ, nguyên tắc công khai và minh bạch được xác định của hoạt động của các cơ quan tổ chức công quyền, nhờ đó các chủ thể phản biện mới có đủ thông tin để nhận xét, đánh giá.
Nôm na, đó là công khai, minh bạch trong các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước, và cả của Đảng.
Công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp đòi hỏi phải bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động lập pháp, bảo đảm sự công bố rộng rãi các văn bản. Những ý kiến đóng góp được gọi là ‘phản biện’ cần luôn được cầu thị đón nhận với sự ‘tranh biện’ tử tế, không áp đặt quyền lực chính trị trong nội dung tranh biện; bao gồm cả việc mang các điều luật hình sự ra để đe dọa một quan hệ thuần dân sự này.
Để có thể làm tốt được việc tranh biện như trên trong lập pháp, cần công khai, minh bạch trong các hoạt động hành chính nhà nước, trước hết cần đề cao tính phục vụ của những cơ quan này với minh bạch ngay chính trong các cơ quan Nhà nước, với những thủ tục rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các bộ phận, các chức danh.
“Quan trọng nhất là tăng cường sự minh bạch trong mối quan hệ với công dân, tổ chức, doanh nghiệp và các đối tượng khác. Có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm việc đó, như tạo cơ hội để nhân dân góp ý kiến, và có các chương trình, dự án, qua truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát, qua phổ biến tin tức và thực hiện một số dịch vụ căn bản trên mạng điện tử.
Cần có hình thức lắng nghe, tiếp thu và điều này phải thành quy chế pháp luật chứ không chỉ nói chung chung” – một nhà báo chuyên trách về nội chính tại Hà Nội, ý kiến.
“Công khai minh bạch trong hoạt động tư pháp cần được tiếp tục hoàn thiện hơn bằng những cải tiến trong công tác điều ra, xét xử. Bảo đảm sự giám sát đối với tất cả các khâu của quá trình tố tụng như cho phép luật sư được tham gia ngay từ khi khởi tố bị can cả ở loại án an ninh quốc gia, và tham dự vào việc hỏi cung, được tiếp cận hồ sơ vụ án dễ dàng, giảm bớt những vụ án xét xử bí mật không cần thiết, công khai bản án nhất là án kinh tế và tham nhũng…” – một ‘thầy cãi’ thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, yêu cầu.
Theo vị luật sư kể trên, Quốc hội khóa mới cần ban hành “Luật Công khai và minh bạch hoạt động nhà nước”.
Góc nhìn của một nhà báo, thì nếu hiểu phản biện xã hội là một trong các hoạt động thể hiện quyền tự do ngôn luận của con người, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, thì chủ thể phản biện xã hội trước hết chính là cá nhân, là công dân, hay bất cứ một thành viên nào trong xã hội.
“Chủ thể phản biện xã hội có thể là người dân bình thường, hay là chuyên gia, nhà khoa học – những người có trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn nhất định – gồm có các tác giả viết bài phản biện trên trang Việt Nam Thời Báo có quan tâm đến nội dung, cũng như tác động của các chính sách khi được ban hành.
Họ tham gia phản biện do xuất phát từ ý thức về trách nhiệm cũng như mong muốn đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Dĩ nhiên, chủ thể phản biện xã hội phải có tính độc lập và không thuộc “lực lượng Nhà nước” – được xem là chủ thể chịu sự phản biện xã hội. Chủ thể phản biện xã hội phải có tiếng nói độc lập trong quan hệ với chủ thể chịu sự phản biện, để phản biện không rơi vào trạng thái “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây là điều kiện cần để phản biện xã hội bảo đảm tính khách quan và đa diện nhất.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bắt đầu việc phản biện xã hội theo cách hiểu như trên, trước mắt là với trang Việt Nam Thời Báo chẳng hạn…” – vị nhà báo chuyên trách nội chính ở Hà Nội, đề xuất.