Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Ranh giới giữa “công” hay “tội” của hành vi bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội là rất mong manh,
“Trải nghiệm của bạn trên Facebook không giống với của bất kỳ ai khác: từ các bài viết, tin, sự kiện, quảng cáo và nội dung khác mà bạn nhìn thấy trong Bảng tin Facebook hoặc nền tảng video của chúng tôi cho đến các Trang Facebook bạn theo dõi, cùng những tính năng khác mà bạn có thể sử dụng (chẳng hạn như Facebook Marketplace) và tìm kiếm. Ví dụ: chúng tôi sử dụng dữ liệu về các kết nối bạn tạo, các lựa chọn và chế độ cài đặt bạn chọn, những gì bạn chia sẻ cũng như thực hiện trên và ngoài sản phẩm của chúng tôi để đem đến trải nghiệm dành riêng cho bạn” – trích “Điều khoản dịch vụ” của Meta Platforms, Inc.
Trong phần “Cam kết của chúng tôi đối với quyền bày tỏ ý kiến”, phía Meta cho biết: “Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi hướng đến mục tiêu tạo ra một nơi để mọi người biểu đạt và bày tỏ ý kiến. Meta muốn mọi người được trò chuyện cởi mở về những vấn đề quan trọng với họ, dù là bằng văn bản bình luận, ảnh, nhạc hay các phương tiện nghệ thuật khác, kể cả khi ai đó có thể không đồng ý hoặc phản đối họ.
Trong một số trường hợp, chúng tôi vẫn cho phép nội dung vi phạm các tiêu chuẩn của mình, nếu đó là nội dung đáng đưa tin và phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Chúng tôi chỉ làm điều này sau khi cân nhắc giữa giá trị lợi ích mang lại cho cộng đồng và nguy cơ gây hại, đồng thời tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền để đưa ra quyết định. Trong các trường hợp khác, chúng tôi có thể gỡ nội dung sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, hoặc ngụ ý khi ngữ cảnh bổ sung cho phép chúng tôi hiểu rõ một cách hợp lý rằng nội dung đó vi phạm các tiêu chuẩn”.
Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có báo chí tư nhân và các tòa soạn chịu giới hạn của yêu cầu “tôn chỉ – mục đích”, xem ra mạng xã hội là kênh truyền thông để bày tỏ các ý kiến đa chiều về mọi mặt của đời sống và chính trị – đơn cử mỗi khi thấy chuyện tiêu cực, sai trái, bất bình, nhiều người đã quay clip và đưa lên mạng xã hội. Thực tế, có khá nhiều vụ việc nhờ những clip này mà nhiều khuất tất được sáng tỏ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và xử lý đúng người, đúng tội. Dĩ nhiên ở chiều ngược lại vẫn có nhiều vụ đã bị chụp mũ chính trị của điều luật hình sự như 117, 331.
Tuy nhiên, ranh giới giữa “công” hay “tội” của hành vi bày tỏ chính kiến này trên mạng xã hội là rất mong manh, đặc biệt trong thời điểm hiện tại được coi là đang rất nhạy cảm chính trị của trước thềm Đại hội khóa XIV của Đảng.
Đơn cử viết về ông Võ Văn Thưởng đang đứng trước đe dọa mất chức, phía nhà chức trách có thể – nhẹ nhàng lắm là vận dụng Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, để cáo buộc vi phạm khi trang mạng cá nhân tùy tiện đưa hình ảnh của người khác. Nặng nề hơn thì có thể đối mặt việc hình sự hóa.
Ở một góc nhìn khác, báo cáo của Công an TP.HCM cho biết, công an ở địa phương này đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội thuộc các phòng nghiệp vụ, công an quận huyện và 52 trang, hội nhóm của công an cấp phường, xã được lập trên ứng dụng Zalo, Facebook, YouTube nhằm tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tuyên truyền các quy định pháp luật, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm và hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính.
Trên bình diện chung, về nguyên tắc, ai cũng biết, mạng xã hội có vai trò tương tác và chức năng thông tin đặc thù, không gì có thể che giấu và không ai có thể xem thường mạng xã hội. Do đó thiết nghĩ nhà chức trách cần tránh chụp mũ hình sự về quyền biểu đạt này của công dân; trong đó có quyền được phép tìm hiểu, bàn luận để sáng tỏ đồn đoán như vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp sửa bị “rớt chức” chẳng hạn.