Ngọc Lan
(VNTB) – Hà Nội luôn tuyên bố “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam”.
Đầu tháng 3-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Những con số thành tích
Theo đó, Sách trắng cho biết đến nay, trên cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 ngàn chức sắc, trên 135 ngàn chức việc và gần 30 ngàn cơ sở thờ tự.
Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo…
Ngoài ra ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới…
Những con số thống kê mang tính báo cáo thành tích trên đã cố tình không đề cập đến một nội dung cốt lõi, đó là theo pháp luật Việt Nam, tổ chức tôn giáo để thực hiện được bộ thủ tục hành chánh cho “tờ giấy phép hoạt động”, thì tổ chức đó phải chấp nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp tương ứng.
Tất cả buộc phải quy về dưới trướng của Đảng Cộng sản
Luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã dành Điều 4 để quy định về “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” với 5 khoản cụ thể như sau:
“1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ở Khoản 4 của “Điều 4 Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, ghi: “4. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Khi sự độc lập của tôn giáo phải chịu định hướng chính trị
Với ràng buộc về mặt thủ tục bằng các điều luật được xác định rõ về khuôn phép của “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” ở Việt Nam, cho thấy tính độc lập ở những tổ chức tôn giáo gần như là điều không thể, vì tất cả đều bắt buộc phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc định hướng chính trị trong phạm vi lý luận của thể chế Nhà nước Cộng sản đối với tôn giáo, đã hạn chế quyền tự do biểu đạt niềm tin theo giáo lý của riêng tôn giáo đó.
Đơn cử, việc các nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng ở Tây Nguyên, và cả vùng núi ở miền Bắc luôn bị Hà Nội đánh giá “thù địch” khi khác biệt về quan điểm chính trị, là một dẫn chứng dễ thấy nhất về cái gọi là quyền tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.